Bản tin Bảo Hiểm Xã Hội Điện Tử tháng 03/2017

Bấm vào để phóng to

I.   Các yêu cầu đối với chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử

Ngày 24/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Nghị định quy định một số yêu cầu đối với chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử.

Nghị định 166/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/03/2017. Theo đó, các loại chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử bao gồm:

  • Hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử;
  • Chứng từ kế toán theo quy định về chế độ kế toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bằng phương tiện điện tử;
  • Các văn bản, thông báo khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bảo hiểm xã hội bằng phương tiện điện tử.

Nghị định 166/2016/NĐ-CP nêu rõ các chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử nêu trên phải có đủ chữ ký số của những người có trách nhiệm ký chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền thì hệ thống thông tin phải có khả năng nhận biết và xác nhận việc đã xử lý của những người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình luân chuyển chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử đến người ký cuối cùng.

Trường hợp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử có thành phần kèm theo ở dạng giấy thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải chuyển đổi sang dạng điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử.

Việc chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

  • Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy;
  • Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử;
  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử.

Khi cần thiết, chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy, nhưng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ điện tử;
  • Người thực hiện chuyển đổi chứng từ điện tử thành chứng từ giấy phải ký và ghi rõ họ tên trên chứng từ giấy;
  • Phải đóng thêm dấu đối với những loại chứng từ có quy định phải đóng dấu;
  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

II.   Thông tư số 46/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày có hiệu lực từ ngày 01/03/2017

Theo quy định của Thông tư số 46/TT-BYT, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày có 332 loại bệnh tương ứng với 17 chuyên khoa được gán mã bệnh theo Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) có mã bệnh 3 và 4 ký tự (gồm số và chữ). Các bệnh có mã 4 ký tự thuộc nhóm bệnh có mã bệnh 3 ký tự.

Một số bệnh chưa được gán mã bệnh theo phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) thì thống nhất xác định tên theo chẩn đoán bệnh.

Theo Danh mục mới của Thông tư, bổ sung thêm nhiều loại bệnh cần chữa trị dài ngày, đơn cử:

  • Nhóm bệnh do vết thương ngộ độc và hậu quả của một số nguyên nhân bên ngoài: Bỏng nhiều vùng cơ thể, bòng tổn thương bề mặt cơ thể từ 30% trở lên, chấn thương tuỷ sống, cột sống có di chứng hoặc biến chứng,...
  • Nhóm bệnh về thai nghén, sinh đẻ, hậu sản: Biến chứng sau sảy thai, chửa trứng, chửa ngoài tử cung; tiền sản giật thể nặng hoặc trung bình,...
  • Nhóm bệnh về hệ tiêu hóa: Bệnh Crohn, Xơ gan ứ mật nguyên phát, Viêm loét đại trực tràng chảy máu, Wilson, Viêm tụy tự miễn.
  • Nhóm bệnh tâm thần: Rối loạn ám ảnh nghi thức; Rối loạn stress sau sang chấn; Các rối loạn nhân cách đặc hiệu;
  • Nhóm bệnh tai và xương chũm được đổi thành nhóm bệnh lý tai mũi họng. Đồng thời bổ sung bệnh: Papilome thanh quản; Viêm tai giữa mạn tính; Sẹo hẹp khí quản vào nhóm bệnh này.

Thông tư số 46/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2017 và bãi bỏ Phụ lục I về danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế./.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

III.   BHXH TP. Hà Nội: Truy thu hàng trăm tỷ đồng qua phối hợp với cơ quan thuế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. HN, sau hai năm (2015-2016) thực hiện quy chế phối hợp trao đổi thông tin với Cục Thuế TP. Hà Nội, BHXH thành phố đã khai thác thêm được hàng nghìn đối tượng tham gia, truy thu gần 133 tỷ đồng tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Truy thu gần 133 tỷ đồng BHXH

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Cục Thuế TP. Hà Nội và BHXH TP. Hà Nội luôn xác định phối hợp trong thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp (DN) là một trong những nội dung quan trọng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp, lãnh đạo hai ngành Thuế và BHXH TP. Hà Nội và các bộ phận đầu mối thường xuyên có sự liên hệ trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, sớm đưa công tác phối hợp đi vào nề nếp. Định kỳ hàng quý, cơ quan thuế đã cung cấp cho cơ quan BHXH danh sách tổ chức trả thu nhập mới được cấp mã số thuế đang hoạt động, danh sách tổ chức giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh cho cơ quan BHXH. BHXH TP. Hà Nội đã cung cấp cho cơ quan thuế danh sách tổ chức trả thu nhập đang tham gia BHXH.

Tính đến hết năm 2016, Cục Thuế TP. Hà Nội đã cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH 12.002 tổ chức chi trả thu nhập được cấp mới, 13.148 tổ chức trả thu nhập giải thể, ngừng hoạt động, 4.412 tổ chức chi trả thu nhập sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế có dấu hiệu vi phạm về trích nộp BHXH. Hàng tháng, cơ quan BHXH cung cấp danh sách chi tiết DN, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan thuế để phối hợp thu hồi nợ.

Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với BHXH TP. Hà Nội liên ngành kiểm tra nội dung trích đóng BHXH tại 392 DN, phát hiện 83 DN vi phạm, trốn đóng BHXH, với số lao động chưa được đăng ký tham gia BHXH là 3.413 lao động. Số tiền nợ BHXH thu được sau kiểm tra liên ngành là trên 77,3 tỷ đồng.

Qua dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, cơ quan BHXH đã chủ động rà soát để xác định số DN chưa tham gia BHXH, xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng tham gia theo quy định của pháp luật. Từ dữ liệu cơ quan thuế cung cấp, BHXH TP. Hà Nội đã tự tổ chức kiểm tra tại 906 DN, phát hiện 362 DN có vi phạm trốn đóng BHXH với số lao động chưa được đăng ký tham gia BHXH là 1.803 lao động. Sau khi cơ quan BHXH kiểm tra, đã có 269 DN đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, với số lao động được đăng ký tham gia BHXH là 1.754 lao động, số tiền BHXH, BHYT, BHTN thu được là 55,6 tỷ đồng.

Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành

Đánh giá về kết quả thực hiện quy chế phối hợp, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, quy chế phối hợp là nhân tố tích cực góp phần thúc cải cách thủ tục hành chính của hai ngành. Thực hiện quy chế phối hợp vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý thuế, vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, thông tin phối hợp do cơ quan thuế cung cấp liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau nên việc trao đổi chưa được thường xuyên và kịp thời. Do đó, cơ quan BHXH thiếu chủ động trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của DN khi cần kiểm tra đột xuất. Sự phối hợp giữa các bộ phận nghiệp vụ hai ngành chưa thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình phối hợp, thiếu tính chủ động cung cấp thông tin theo nhiệm vụ được giao.

Theo ông Vũ Đức Thuật, thời gian tới, hai cơ quan thuế và BHXH Thủ đô cần chủ động trao đổi thông tin phối hợp một cách thường xuyên, liên tục và định kỳ hàng tháng. Xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật thuế, Luật BHXH tại các DN để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho DN. BHXH TP. Hà Nội cũng đề xuất lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành giữa hai cơ quan thuế và BHXH để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, pháp luật thuế tại các DN trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp và cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra tại các DN khi cơ quan BHXH đề xuất.

Về vấn đề này, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, ông Mai Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quy chế phối hợp và Luật BHXH để nâng cao ý thức, trách nhiệm của DN trong việc thực hiện pháp luật về thuế và Luật BHXH. Tuyên dương các DN chấp hành tốt và xử lý nghiêm các DN làm sai, cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về thuế phối hợp với kiểm tra việc trích đóng BHXH, tập trung váo các lĩnh vực đang nổi cộm, trốn thuế và BHXH nhiều. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra về BHXH để lựa chọn đối tượng kiểm tra có trọng tâm. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về DN, trên cơ sở hệ thống thông tin của ngành thuế đang triển khai, phối hợp với BHXH để theo dõi và khai thác như kết hợp mã số thuế với mã số BHXH, kết nối thông tin hai chiều để giảm bớt thời gian, chi phí…

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV.    Từ 01/07/2017 tăng lương, phụ cấp, chế độ khác cho cán bộ, công chức

Theo Khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016, từ ngày 01/7/2017 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.300.000 đồng/tháng (mức lương cơ sở hiện hành là 1.210.000 đồng/tháng). Do đó, việc tăng lương cơ sở lần này sẽ làm căn cứ để tăng lương, phụ cấp, các chế độ khác...

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016, những điểm mới về cơ chế chính sách lương đối với cán bộ, công chức được nêu cụ thể như sau:

  • Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/07/2017.
  • Hai là, giao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
  • Ba là, Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, việc tăng lương cơ sở lần này sẽ làm căn cứ để tăng lương, phụ cấp, các chế độ khác… như sau:

  • Tăng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật;
  • Tăng hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
  • Tăng các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

V.   Phụ cấp và nâng lương đối với viên chức và công nhân quốc phòng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2017/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, trong đó quy định rõ về vấn đề phụ cấp và nâng lương.

Nghị định 19/2017/NĐ-CP quy định công nhân quốc phòng được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp bao gồm:

  • Phụ cấp thâm niên vượt khung;
  • Phụ cấp khu vực;
  • Phụ cấp đặc biệt;
  • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
  • Phụ cấp trách nhiệm công việc;
  • Phụ cấp công vụ: phụ cấp, trợ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cũng theo Nghị định này, sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương từ 3,95 trở xuống và sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương trên 3,95, luôn hoàn thành công việc được giao, không vi phạm kỷ luật từ khiển trách trở lên và đạt tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật quy định thì được xét nâng lên một bậc lương.

Trong thời hạn xét nâng bậc lương, nếu bị kỷ luật hình thức khiển trách thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 6 tháng; nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 12 tháng.

Trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng hoặc vượt bậc.

Đối với công nhân quốc phòng hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực đảm nhiệm vị trí việc làm cao hơn trong cùng ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, có văn bằng phù hợp thì được xét hoặc thi nâng loại.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc chuyển xếp lương; chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng.

Theo đó, công nhân và viên chức quốc phòng có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav