Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 06/2017

Bấm vào để phóng to

I. Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

  • 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình;
  • 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nêu trên từ ngày 01/01/2020.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/06/2017./.

 (Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Điều chỉnh lại một số dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân không có Bảo hiểm y tế

Một số dịch vụ kỹ thuật (DVKT) trong Thông tư 02/2017/TT-BYT về khung giá dịch vụ y tế (DVYT) mới cho bệnh nhân không khám chữ bệnh (KCB) BHYT đã được Bộ Y tế điều chỉnh ngay trước thời điểm Thông tư có hiệu lực.

Bắt đầu từ ngày 01/06/2017, gần 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế và các BV hạng 1 thuộc các bộ, ngành sẽ chính thức áp dụng giá DVYT mới (ban hành theo Thông tư 02/2017/TT-BYT) đối với bệnh nhân không KCB BHYT.

Theo Bộ Y tế, giá DVKT trong Thông tư 02 tương đương với giá bao gồm tiền lương trong Thông tư 37. Tuy nhiên, trong bản danh mục ban hành ngày 15/03/2017 đã nhầm giá của một số dịch vụ, nên Bộ Y tế đã dự thảo Quyết định đính chính giá một số DVKT trong Thông tư 02.

Theo đó, trong 12 dịch vụ được điều chỉnh lại mức giá tối đa, có 4 dịch vụ điều chỉnh giảm mức giá. Cụ thể:

  • Mức giảm điều chỉnh lớn nhất là dịch vụ soi cổ tử cung từ mức 6,18 triệu đồng xuống 58.900 đồng;
  • Dịch vụ phẫu thuật điều trị lỗ đáo không viêm xương từ 4,2 triệu đồng xuống 505.000 đồng;
  • Soi ối từ 1,26 triệu đồng xuống 45.900 đồng;
  • Đặt nội khí quản từ 1,113 triệu đồng xuống 555.000 đồng.

Bên cạnh đó, có 8 dịch vụ được điều chỉnh tăng mức giá tối đa (điều trị viêm da cơ địa bằng máy; phẫu thuật chuyển gân điều trị hở mi; phẫu thuật điều trị hẹp hố khẩu cái; phẫu thuật điều trị lỗ đáo có viêm xương; phẫu thuật điều trị sa trễ mi dưới; phẫu thuật điều trị sập cầu mũi; phẫu thuật điều trị u dưới móng; xử lý mẫu xét nghiệm độc chất) mức tăng thêm được điều chỉnh trong khoảng 90.000 đồng đến 1,3 triệu đồng.

So với Thông tư 37, danh mục kỹ thuật trong Thông tư 02 đã bổ sung 35 dịch vụ mới, 5 mã công khám (BV hạng 4/PKĐK khu vực, trạm y tế xã; hội chẩn để xác định ca bệnh khó; khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ; khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động). Đồng thời, Thông tư 02 cũng bổ sung 2 mã ngày giường (Trạm Y tế xã, PKĐK khu vực)…

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình, tiếp sau các BV hạng đặc biệt và hạng 1 tăng giá từ ngày 01/06, sẽ có 30 tỉnh thực hiện giá mới với bệnh nhân tự chi trả vào tháng 08/2017; 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 8 và 10 năm nay.

 (Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở mới trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế

Ngày 29/05, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 2039/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân; Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc; Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Nam về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP trong thanh toán chi phí KCB BHYT.

Công văn nêu rõ:

  • Ngày 24/04/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực từ ngày 01/07/2017 là 1.300.000 đồng.
  • Để thống nhất thực hiện trong thanh toán chế độ khám bệnh, chữa bệnh BHYT (kể cả trường hợp người tham gia BHYT vào viện trước ngày 01/07/2017 nhưng ra viện từ ngày 01/07/2017), BHXH Việt Nam hướng dẫn cụ thể như sau:
    • 15% mức lương cơ sở tương đương với 195.000 đồng (một trăm chín lăm nghìn đồng);
    • 45% tháng lương cơ sở tương đương với 58.500.000 đồng (năm mươi tám triệu năm trăm nghìn đồng);
    • 6% tháng lương cơ sở tương đương với 7.800.000 đồng (bảy triệu tám trăm nghìn đồng).

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT thuộc phạm vi quản lý để thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT theo đúng quy định.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Viện phí mới cho người không có thẻ BHYT: Từ ngày 01/06 chưa áp dụng rộng rãi

Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 08/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10/2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 08/2017.

Chiều 15.5, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) với 1.912 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các tỉnh phía nam.

Tại hội nghị, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thông tư có hiệu lực từ ngày 01/06/2017 áp dụng cho đối tượng không tham gia BHYT và người có thẻ BHYT nhưng không sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện ngay thời điểm 01.06.

Bộ Y tế sẽ quy định thời gian thực hiện với các BV trực thuộc Bộ và BV thuộc bộ, ngành từ hạng 1 trở lên. Tại các địa phương sẽ do HĐND địa phương quy định, kể cả BV bộ ngành từ hạng 2 trở xuống. HĐND các địa phương có thể quy định giá mới bằng hoặc thấp hơn mức giá tối đa. Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 08/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10/2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8/2017.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thêm giá khám bệnh với người không có thẻ BHYT áp dụng từ ngày 01.06 ngang bằng với giá khám bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo đó, BV hạng đặc biệt, hạng 1: 39.000 đồng; BV hạng 2: 35.000 đồng; BV hạng 4: 31.000 đồng; BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực: 29.000 đồng/lần khám. Thông tư 02 còn quy định thêm giá khám bệnh tại trạm y tế xã là 19.000 đồng/lần khám. Người bệnh đến cơ sở y tế khám, có thể khám chuyên khoa thứ 2 hoặc trong ngày chưa khám xong phải chuyển sang khám hôm sau thì giá khám lần 2 được tính bằng 30% so với giá ban đầu. Người bệnh nằm ghép 2 người trở lên BV chỉ được thu 50%, nằm 3 người/giường thì chỉ được thu 30%. Ngoài ra, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (thực hiện từ các trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay) do giám đốc BV quyết định.

“Lâu nay nhà nước bao cấp ngược, tức cho người có điều kiện kinh tế nhưng không có thẻ BHYT. Đúng ra là việc giá tính đúng, tính đủ cho đối tượng này phải đi trước”, PGS-TS Tuấn nói và cho biết thêm hiện còn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nhưng việc bao phủ là không dễ. Do vậy việc thực hiện Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT đông đủ hơn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đảm bảo an sinh xã hội. Cũng theo PGS-TS Tuấn, nếu không tham gia BHYT khi gặp rủi ro sẽ khó khăn.

Ông Nguyễn Nam Liên giải thích, có 4 yếu tố cấu thành giá: chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản. Theo lộ trình thì từ năm 2016 tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương; từ năm 2018 tính thêm chi phí quản lý; từ năm 2020 sẽ tính đầy đủ 4 yếu tố trên. Ông Liên cho biết mức giá theo Thông tư 02 là mức giá tối đa, các địa phương có thể quy định thấp hơn, nhưng khuyến khích áp dụng giá tối đa để tạo công bằng cho mọi người.

Cùng ngày 15/05, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và Bộ Y tế đã ký kết và bàn giao, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Toàn bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên phạm vi cả nước với tổng số 92.809.519 bản ghi với các trường dữ liệu về: thông tin cá nhân (nơi cấp giấy khai sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ), số định danh, đã tham gia hoặc chưa tham gia BHYT, mã thẻ BHYT, mã đối tượng tham gia BHYT... toàn bộ dữ liệu danh mục hành chính bao gồm danh mục tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, xóm và danh mục đối tượng tham gia BHYT trong phạm vi cả nước.

Bộ Y tế sử dụng dữ liệu này vào mục đích quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chủ trương mỗi người dân đều được quản lý sức khỏe theo hồ sơ. Trên cơ sở đó, đảm bảo mỗi người dân trong tương lai gần sẽ có một bác sĩ hoặc một cơ sở y tế quản lý, chăm sóc, tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở; giúp Bộ Y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe của nhân dân tốt hơn.

(Nguồn: Thanhnien.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Cách tính lương mới của công chức, viên chức

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

Đối tượng áp dụng gồm:

  • Cán bộ, công chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở quận, huyện thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ở đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt;
  • Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng áp dụng đối với:

  • Cán bộ, công chức, viên chức được điều động, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
  • Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 29/2013/NĐ-CP)…

Theo đó, cách tính lương, phụ cấp theo lương cơ sở mới đối với cán bộ, công chức nhà nước từ ngày 01/07/2017 như sau:

  • a) Công thức tính mức lương: Mức lương thực hiện từ ngày 01/07/2017 = Mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng.
  • b) Công thức tính mức phụ cấp:
    • Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở: Mức lương thực hiện từ ngày 01/07/2017 = Mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
    • Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/07/2017 = Mức lương thực hiện từ ngày 01/07/2017 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/07/2017 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/07/2017 (nếu có) x Tỉ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
    • Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
  • c) Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có): Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/07/2017 = Mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng) x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).

Thông tư 02/2017/TT-BNV bãi bỏ Thông tư 05/2016/TT-BNV từ ngày 01/07/2017.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav