Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 07/2017

Bấm vào để phóng to

I. Từ 01/07/2017: Đồng loạt thay đổi 6 chính sách tiền lương, BHXH, BHYT

Lương cơ sở vốn là “nền” để làm căn cứ tính toán cho các chế độ của nhiều chính sách bảo hiểm, tiền lương. Do đó, việc tăng mức lương cơ sở từ 01/07/2017 kéo theo nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho người lao động. Ngoài ra, ngày 01/07 cũng là thời điểm có hiệu lực của nhiều chính sách đãi ngộ khác.

Lương công chức, viên chức tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng

  • Nghị định 47/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 01/07/2017. Theo đó, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.210.000 lên 1.300.000 đồng (khoảng 90.000 đồng, tương đương với mức 7,4 %).
  • Có 9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này. Mức lương cơ sở sẽ được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Lương hưu dự kiến tăng 7,44 %

  • Một dự thảo về Nghị định về điều chỉnh mức lương hưu đang được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phê duyệt. Nếu không có gì thay đổi, Nghị định sẽ được ban hành với hiệu lực từ ngày 01/07/2017.
  • Một trong những căn cứ của hình thành dự thảo Nghị định trên là Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
  • Theo đó, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/07/2017.
  • Được biết, dự thảo Nghị định quy định mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 7,44 % đối với nhóm các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/07/2017với nhiều nhóm đối tượng.

Tăng mức phí tham gia BHYT hộ gia đình lên 7,3 %

  • Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức tham gia BHYT hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở.
  • Cụ thể, quy định tại điểm G Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT nêu rõ: “Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5 % lương cơ sở. Từ người thứ 2 tới thứ 4, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60 % và 50 % mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức tham gia chỉ còn 40 % mức tham gia của người thứ 1”.
  • Do vậy, sau ngày 01/07/2017, lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng, điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm khoảng 7,3 % mức phí tham gia BHYT hộ gia đình.

Tăng mức trợ cấp thai sản thêm 7,4%

  • Cũng theo việc điều chỉnh lương cơ sở, từ ngày 01/07/2017, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi gọn là trợ cấp thai sản) cũng sẽ tăng khoảng 7,4% so với mức hiện hành.
  • Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định như sau: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
  • Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Do đó, mức trợ cấp thai sản cũng được điều chỉnh tăng theo cho phù hợp, tức là tăng thêm 7,4 %.

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện

  • Bảo hiểm xã hội VN vừa ban hành công văn 2159/BHXH-BT hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương cơ sở mới.
  • Theo đó, mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng sẽ là căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 01/07/2017.
  • Đối tượng áp dụng là người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014…
  • Ngoài ra, mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/07/2017 cũng thay đổi: Mức cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).

Tăng hàng loạt công tác phí cho cán bộ, công chức

Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 01/07/2017. Hàng loạt các mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng... mới được ban hành theo hướng tăng thêm.

Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ…

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).

Trong đó, thanh toán theo hình thức khoán: Cấp lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác.

(Nguồn: Dantri.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Từ 01/07/2017, các thủ tục về bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện bằng giao dịch điện tử

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ký Quyết định số 838/QĐ-BHXH ban hành Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Việc triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Quyết định 838 hướng dẫn về quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN bao gồm: đăng ký tham gia giao dịch điện tử; đăng ký tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP.

Quy trình cũng quy định cụ thể cách lập và gửi hồ sơ điện tử và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử; nhiệm vụ của cơ quan BHXH trong đó quy định cụ thể tới các phòng/tổ nghiệp vụ, trách nhiệm của lãnh đạo BHXH tỉnh/huyện trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Điểm đáng chú ý là bắt đầu từ ngày 01/07/2017, phạm vi áp dụng giao dịch điện tử sẽ được mở rộng đối với thủ tục giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức (cơ quan BHXH; tổ chức I-VAN; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan bưu điện; đơn vị sử dụng lao động...).

Ngoài ra, Quy trình còn áp dụng đối với các cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử hoặc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Việc quy định đối tượng áp dụng đối với cá nhân sẽ tạo điều kiện cho người lao động, thân nhân người lao động thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT và BHTN.

Việc triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính của Chính phủ.

(Nguồn: Baohaiquan.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH từ ngày 01/07/2017

Ngày 29/06, BHXH Việt Nam có Công văn số 2696/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH từ ngày 01/07/2017.

  • Theo đó, đối với chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe, thì NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu hưởng chế độ ốm đau hoặc thai sản hoặc trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ ngày 01/07/2017 trở đi, thì mức hưởng được tính trên mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng. Đối với NLĐ đang hưởng chế độ ốm đau hoặc thai sản hoặc trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ trước ngày 01/07/2017 mà từ ngày 01/07/2017 trở đi vẫn đang trong thời hạn hưởng thì vẫn hưởng theo mức đang hưởng trước ngày 01/07/2017.
  • Đối với chế độ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, NLĐ bắt đầu hưởng trợ cấp từ ngày 01/07/2017 trở đi, thì mức trợ cấp được tính trên mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng. Còn NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần, hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/07/2017 trở đi thì mức trợ cấp phục vụ hàng tháng được tính trên mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng.
  • Đối với chế độ hưu trí, nếu NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/07/2017 trở đi, thì mức hưởng được tính trên mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng. NLĐ nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần kể từ ngày 01/07/2017 trở đi mà trước ngày 01/01/2007 đã có thời gian đóng BHXH (bao gồm phụ cấp khu vực), thì mức hưởng trợ cấp khu vực một lần được tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng. Đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2016 trở đi mà hưởng BHXH một lần, thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật BHXH; không điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng BHXH một lần. NLĐ có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/07/2017 trở đi, nếu mức lương hưu hàng tháng được tính theo quy định mà thấp hơn 1.300.000 đồng thì được bù cho bằng 1.300.000 đồng.
  • Đối với chế độ tử tuất: Trợ cấp mai táng phí, trợ cấp một lần khi chết do Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp khu vực một lần (nếu có) được tính theo mức lương cơ sở tại tháng NLĐ chết. Nếu chết từ 01/07/2017 trở đi, thì mức trợ cấp được tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng.
  • Trợ cấp tử tuất hàng tháng được tính theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp. Đối với những thân nhân bắt đầu hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ ngày 01/07/2017 trở đi, thì mức trợ cấp tử tuất hàng tháng được tínhtheo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng.
  • NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết, thì trợ cấp tuất một lần được tính trên mức lương cơ sở tại tháng NLĐ chết.
  • Đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2016 trở đi và NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định mà chết, thì tiền lương đã đóng BHXH làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính trợ cấp tuất một lần được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật BHXH.
  • Đối với trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn: Nếu cán bộ xã, phường, thị trấn đang chờ đủ tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/11/1998 của Chính phủ và Khoản 1, Điều 38 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH mà hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/07/2017 trở đi, thì mức trợ cấp hàng tháng tính tại thời điểm ngày 01/01/2003 và được điều chỉnh qua các đợt cụ thể theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Mục II Công văn số 3320/BHXH-CSXH ngày 24/08/2016 của BHXH Việt Nam; từ 01/07/2017 được điều chỉnh tăng thêm 7,44%. Người có thời gian tham gia BHXH theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ; cán bộ chuyên trách cấp xã đang tự đóng tiếp BHXH và cán bộ chuyên trách cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, từ ngày 01/07/2017 hưởng chế độ hưu trí hoặc BHXH một lần thì mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần của số tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng. Số tháng đóng BHXH theo mức sinh hoạt phí quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP được điều chỉnh theo mức tăng tương ứng của mức tiền lương tối thiểu chung trước ngày 01/07/2013; từ ngày 01/07/2013 theo mức tăng của mức lương cơ sở từng thời kỳ.

Đối với người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/08/2000 và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ và bắt đầu hưởng từ ngày 01/07/2017 trở đi, đến khi Chính phủ ban hành quy định mới về điều chỉnh mức hưởng, thì mức trợ cấp hàng tháng bằng 849.219 đồng/tháng.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Triển khai Bộ công cụ tập trung dữ liệu ngành BHXH

BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 2449/KH-BHXH về tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu và triển khai Bộ công cụ tập trung dữ liệu ngành BHXH, đảm bảo liên thông giữa các phần mềm nghiệp vụ.

Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo cải cách hành chính, thực hiện giao dịch điện tử, liên thông, tập trung dữ liệu phục vụ việc quản lý, chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng và hoàn thiện Bộ công cụ tập trung dữ liệu ngành BHXH đảm bảo phù hợp các yêu cầu nghiệp vụ của ngành.

Đồng bộ, liên thông, tập trung trong lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Tổ chức các giải pháp để triển khai có hiệu quả Bộ công cụ tập trung dữ liệu, đảm bảo tính hiệu quả và bảo mật thông tin, đảm bảo vận hành liên tục, thông suốt nhằm phục vụ ngành, tổ chức và cá nhân liên quan.

(Nguồn: Laodong.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav