Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 08/2017

Bấm vào để phóng to

I. Những chính sách có hiệu lực từ tháng 08/2017

Điều chỉnh giá dịch vụ KCB với người không BHYT

Tại kỳ họp lần thứ 5 khóa IX, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập thuộc ngành y tế TP HCM.

Cụ thể, các cơ sở KCB công lập của TP HCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình như sau: Đối với các cơ sở KCB công lập tự chủ tài chính hoàn toàn thực hiện giá viện phí mới từ ngày 01/08. Đối với bệnh viện, cơ sở KCB công lập tự chủ tài chính một phần hoặc phụ thuộc ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 01/10.

Về mức giá thu, thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của nhà nước quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BYT. Mức giá KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT gồm: chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng…) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật).

Tăng mức phạt vi phạm giao thông

Từ ngày 01/08, Bộ Giao thông Vận tải sẽ áp dụng Luật Giao thông đường bộ mới đối với người đi xe máy.

Cụ thể: Vượt đèn đỏ phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tước bằng lái xe máy từ 01 đến 03 tháng; đi xe sai làn đường, điều khiển xe trên vỉa hè phạt từ 300.000 - 400.000 đồng; không đội mũ bảo hiểm, cài quai sai cách; sử dụng điện thoại, tai nghe khi đang điều khiển phương tiện phạt từ 150.000 - 250.000 đồng; lái xe chuyển hướng nhưng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (xi nhan) gây nguy hiểm cho phương tiện khác phạt cao nhất là 250.000 đồng; xe không có đèn xi nhan hoặc đèn xi nhan không hoạt động phạt từ 70.000 - 150.000 đồng; chạy xe trong hầm mà không bật đèn chiếu sáng gần phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; điều khiển phương tiện giao thông trong khi đã sử dụng rượu, bia (nồng độ cồn trong cơ thể quá mức cho phép) phạt từ 1.000.000 - 6.000.000 đồng...

Đặc biệt, nếu trong thời gian bị tước bằng lái xe mà vẫn tiếp tục điều khiển xe sẽ bị giam xe 7 ngày, phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với xe có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; xe có dung tích xi lanh trên 175 cm3 phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng.

Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/08. Theo đó, trước đây, Thông tư 28 quy định: "Thời gian nghỉ hè của GV thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)". Nay, Thông tư 15 sửa đổi nội dung trên như sau: "Thời gian nghỉ hè hằng năm của GV là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)". Như vậy, quy định mới làm rõ thêm rằng khoảng thời gian 2 tháng này đã bao gồm thời gian nghỉ phép hằng năm, nhằm phù hợp với quy định tại Bộ Luật Lao động, đồng thời bảo đảm chính sách đặc thù đối với GV.

Ngoài ra, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT còn bổ sung quy định về chế độ làm việc đối với GV trường dự bị đại học. Theo đó, thời gian làm việc của GV trường dự bị đại học là 42 tuần (tương tự GV tiểu học, GV THCS và THPT). GV trường dự bị đại học còn được áp dụng chế độ giảm định mức tiết dạy: GV chủ nhiệm lớp dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần; GV nữ trường dự bị đại học nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được giảm 3 tiết/tuần; tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng

Từ ngày 05/08, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng (quy định hiện hành tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP là 50 triệu đồng). Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.

Như vậy, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản thì người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp. Riêng các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8% theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP thì giữ nguyên mức hưởng.

 (Nguồn: Nld.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức lương mới

BHXH Việt Nam vừa ban hành Văn bản 3162/BHXH-CSXH hướng dẫn việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 76/2017/NĐ-CP.

Theo đó, mức điều chỉnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp cán bộ xã hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/08/2000 và số 613/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trợ cấp công nhân cao su hằng tháng:

Mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/07/2017 = Mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của tháng 06/2017 x 1,0744

Điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng từ trước ngày 01/07/2017:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng từ ngày 01/07/2017 = Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng của tháng 06/2017 x 1,0744

Điều chỉnh trợ cấp người phục vụ như sau: Đối với mức hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu chung thì mức trợ cấp hằng tháng bằng 1.040.000 đồng (80% mức lương cơ sở 1.300.000 đồng); đối với mức hưởng bằng mức lương tối thiểu chung, bằng mức lương cơ sở thì mức trợ cấp hằng tháng bằng 1.300.000 đồng.

Điều chỉnh trợ cấp tuất hàng tháng đối với những thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 01/07/2017 thì từ ngày 01/07/2017 hưởng mức: Đối với mức hưởng bằng 40% mức lương tối thiểu chung thì mức trợ cấp hằng tháng bằng 520.000 đồng (40% mức lương cơ sở 1.300.000 đồng); đối với mức hưởng bằng 50% mức lương tối thiểu chung thì mức trợ cấp hằng tháng bằng 650.000 đồng (50% mức lương cơ sở 1.300.000 đồng); đối với mức hưởng bằng 70% mức lương tối thiểu chung thì mức trợ cấp hằng tháng bằng 910.000 đồng (70% mức lương cơ sở 1.300.000 đồng).

BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của chính sách BHXH và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tổ chức chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng do BHXH tỉnh quản lý chi trả (kể cả đối tượng di chuyển đến chưa được điều chỉnh), trả tiền truy lĩnh đối với từng trường hợp cụ thể. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân điều chỉnh mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trong quân đội, công an nhân dân từ ngày 01/07/2017; thực hiện tổng hợp, thống kê theo quy định.

Trung tâm Công nghệ thông tin, Ban Quản lý dự án phần mềm nghiệp vụ điều chỉnh các phần mềm quản lý chi trả, phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành và hướng dẫn BHXH tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng để chi trả theo mức hưởng mới và trả tiền truy lĩnh đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định của chính sách.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Rút ngắn thời gian thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT

Từ 24/07 đến 26/07, tại Nghệ An, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn quy trình nghiệp vụ, giao dịch điện tử và bộ công cụ quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo Quyết định 595/QĐ-BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự còn có lãnh đạo, đại diện các vụ, ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân; lãnh đạo cán bộ chuyên trách của 28 BHXH tỉnh, thành phía Bắc và lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của hệ thống Bưu điện trong toàn quốc.

Tại hội nghị, đại diện Ban Thu, Ban Sổ thẻ, Vụ Pháp chế và Trung tâm CNTT đã phổ biến các điểm mới của Quyết định 595 liên quan đến các nội dung như: Đối tượng, mức đóng, phương thức đóng; thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời hạn giải quyết; quy trình thu, khai thác, thu nợ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ - BNN. Đồng thời, trực tiếp giải đáp các thắc mắc của các đại biểu về một số vấn đề liên quan.

Quyết định số 595/QĐ-BHXH được BHXH Việt Nam ban hành ngày 14/04/2017 và có hiệu lực từ 01/05/2017 bổ sung thêm 8 nhóm đối tượng tham gia gồm: Về BHXH bắt buộc (người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; NLĐ được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước). Về BHXH tự nguyện (công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).

Về BHYT (đối tượng do NLĐ, Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT; SV là người nước ngoài đang học tập tại trường CAND được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam; HS trường văn hóa CAND; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ (trừ Bộ Quốc phòng), ngành, địa phương; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND đang học tập tại các trường trong và ngoài CAND hưởng sinh hoạt phí từ NSNN; thân nhân của người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác (không bao gồm đối tượng do BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT).

Đặc biệt, đã rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT từ 9 TTHC xuống còn 5 thủ tục. Cụ thể: Ghép 4 thủ tục (đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến; điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng tháng; truy thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; NLĐ có thời hạn ở nước ngoài tự đăng ký đóng BHXH bắt buộc) thành thủ tục “Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ- BNN”. Ghép 2 thủ tục (ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH; điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995). Cấp lại sổ BHXH, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT thành thủ tục “Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT”. Bỏ quy định phải nộp lại sổ BHXH hỏng đối với trường hợp NLĐ đề nghị cấp lại do hỏng để giảm phiền hà cho NLĐ.

Về thời hạn giải quyết, rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đối với trường hợp cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Trường hợp thay đổi thông tin: Không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Cấp lại sổ BHXH (do thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, sổ bị mất hoặc hỏng, cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ: Không quá 10 ngày. Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: Còn 5 ngày. Xác nhận sổ BHXH: Còn 5 ngày.

Dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo số định danh để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Bảo đảm các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Bảo đảm xác định được mã số BHXH của người tham gia trước khi đưa thông tin người tham gia vào phần mềm quản lý để làm căn cứ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Quy định số sổ BHXH, số thẻ BHYT thống nhất lấy theo mã số BHXH…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu cho biết, Quyết định 595/QĐ-BHXH được ban hành nhằm phù hợp với những quy định hiện hành và khắc phục những hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ-BNN. Quyết định xây dựng theo định hướng tập trung cơ sở dữ liệu, trong đó việc quan trọng nhất là phải thống nhất mã số sổ BHXH và mã thẻ BHYT. Đặc biệt, quy trình mới sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý của Ngành, nhưng không làm xáo trộn nghiệp vụ BHXH, BHYT tại các đơn vị SDLĐ và phải luôn lấy quyền lợi của đối tượng làm trung tâm.

Hiện nay cả nước có khoảng 78 triệu người tham gia BHXH, BHYT cần được xử lý, thống nhất số sổ BHXH và mã thẻ BHYT. Đây là nguồn dữ liệu rất lớn và quan trọng ảnh hưởng đến các quy trình nghiệp vụ chủ yếu của Ngành như: Thu, khai thác - thu nợ, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, thanh kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ BHXH, thanh toán KCB BHYT…

(Nguồn: Tienphong.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Sẽ thí điểm cấp thẻ an sinh xã hội điện tử tại địa phương có điều kiện thuận lợi

Trong giai đoạn 2017 - 2018, những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi, sẽ đăng ký và thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về kế hoạch thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử.

Bộ LĐTB&XH vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 708 ngày 25/05/2017, Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 708) hướng tới mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Trong công văn mới gửi các UBND tỉnh, thành phố, Bộ LĐTB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Tài chính, Sở TT&TT, BHXH và các cơ quan chuyên môn có liên quan tại địa phương xây dựng, trình lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án, trong đó ưu tiên một số nhiệm vụ.

Cụ thể, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và CSDL quốc gia về an sinh xã hội.

CSDL quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Định hướng đến năm 2030, mở rộng CSDL quốc gia về an sinh xã hội bao gồm trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng được ưu tiên triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội.

Cụ thể, với những tỉnh, thành phố có điều kiện về kinh tế - xã hội thuận lợi, xây dựng, triển khai phần mềm ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội; bảo đảm kết nối với số và thẻ an sinh xã hội điện tử chung cả nước; ban hành quy chế tạm thời về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập CSDL quốc gia về an sinh xã hội, bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các CSDL của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội gồm các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định 136 ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan; các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định 59 ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật liên quan; thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan; và thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.

Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị tích hợp vào CSDL quốc gia về an sinh xã hội các thông tin định danh công dân, thông tin về đối tượng và chính sách BHXH cùng các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế; xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các CSDL thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi CSDL an sinh xã hội.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2017 - 2018, đối với những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi, đăng ký và thống nhất với Bộ LĐTB&XH về kế hoạch thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; bảo đảm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội giai đoạn 2019 - 2020.

Ngoài ra, các địa phương cũng được đề nghị trong kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án 708, cần ưu tiên một số nhiệm vụ khác như: Xây dựng Cổng thông tin điện tử An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong việc giải quyết chi trả chính sách, xây dựng CSDL; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công bảo đảm chi trả theo yêu cầu, thực hiện cơ chế thu hồi vốn đầu tư thông qua thu phí cung cấp dịch vụ chi trả chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tự đăng ký và nhập liệu các trường thông tin cá nhân vào CSDL quốc gia về an sinh xã hội.

Đồng thời, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và CSDL về an sinh xã hội; Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội của các cấp, các ngành.

Theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, kinh phí thực hiện Đề án 708 được bảo đảm từ nguồn vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân công của Luật ngân sách nhà nước, nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Các địa phương được đề nghị gửi kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án 708 về Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐTB&XH trước ngày 31/07/2017.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav