Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 10/2017

Bấm vào để phóng to

I. Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2017

Thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định mức thưởng cho vận động viên thể thao quân đội… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.

Nghị định 121 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với tập đoàn viễn thông quân đội giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ 10/10.

Nghị định quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với: Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; Tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Đồng thời, việc xếp lương và phụ cấp lương phải thực hiện theo Nghị định 204, Nghị định 52, Nghị định 49, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Chế độ nghỉ phép cho quân nhân chuyên nghiệp

Có hiệu lực từ 08/10, Thông tư 113 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là 20 ngày (dưới 15 năm phục vụ); 25 ngày (từ đủ 15 đến dưới 25 năm phục vụ); 30 ngày (từ đủ 25 năm phục vụ trở lên).

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ở đơn vị đóng quân cách xa gia đình được ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau:

Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm; Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km.

Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm.

Mức thưởng cho vận động viên thể thao quân đội

Thông tư 138 của Bộ Quốc phòng về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) thể thao quân đội (TTQĐ) được tập trung tập huấn và thi đấu sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/10.

Theo đó, VĐV các đội TTQĐ lập thành tích tại các giải thi đấu sẽ được thưởng theo quy định mới, tiêu biểu khi đạt được huy chương vàng sẽ được mức thưởng như sau:

Đại hội TTQĐ các nước thế giới: 75 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước thế giới, Châu Á: 50 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước Đông Nam Á: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quốc: 30 triệu đồng/VĐV; Giải thể thao Vô địch Quốc gia: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quân: 10 triệu đồng/VĐV; Hội thao thể thao toàn quân: 7,5 triệu đồng/VĐV.

Thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Có hiệu lực từ 01/10, Công văn của Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung thực hiện Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Công văn nêu rõ, trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khám chữa bệnh được chi trả tiền khám bệnh như sau:

Nếu thời gian điều trị từ 4 giờ trở lên, thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo quy định, không thanh toán tiền khám bệnh.

Nếu thời gian điều trị dưới 4 giờ, được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú.

Ngoài ra, công văn còn hướng dẫn một số nội dung khác như: Thanh toán ngày giường bệnh điều trị nội trú; Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện/trung tâm y tế huyện.

Tiền giường lưu tại trạm y tế tuyến xã. Phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương: áp dụng giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện đó…

Bắt buộc báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 19 về báo cáo công tác bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ 10/10.

Theo đó, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm: Đánh giá chung về các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các loại hình chất thải đặc trưng và các vấn đề môi trường chính (nếu có) của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ

Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường; Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong năm tới và đề xuất, kiến nghị.

Thông tư này cũng quy định, từ UBND cấp xã báo cáo HĐND cùng cấp, UBND cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường, trước ngày 15/12 hàng năm.

Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Theo đó, khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì:

- Phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016;

- Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và đại lý hưu trí trong thời hạn tối đa ba ngày làm việc, kể từ ngày định giá, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí.

Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sỹ ở nước ngoài

Thông tư 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng NSNN sẽ có hiệu lực từ ngày 07/10/2017.

Theo đó, các đối tượng được cử đi bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ngoài sẽ được đảm bảo các quyền lợi BHYT bằng việc Nhà nước tài trợ đầy đủ các khoản chi phí đóng BHYT, cụ thể:

- NN sẽ thanh toán khoản phí BHYT bằng mức BHYT bắt buộc theo quy định của nước sở tại (cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại) và tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.

- Đối với những nước có mức mua BHYT bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định nêu trên thì Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.

- Trường hợp người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua BHYT ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.

Sử dụng lao động nước ngoài phải báo cáo giải trình nhu cầu​ qua mạng điện tử

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 02/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử.

Theo đó, trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.

Hiện nay, việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).

Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.

(Nguồn: News.zing.vn; Xem chi tiết tại đây

Cafef.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi thẻ BHYT hết hạn

BHXH Việt Nam cho biết thời gian gần đây, do một số cán bộ BHXH không thực hiện đúng quy định dẫn đến trường hợp thời điểm khám thì thẻ BHYT của người bệnh còn thời hạn nhưng lúc cơ sở khám chữa bệnh nộp hồ sơ đề nghị thanh toán thì đã hết hạn sử dụng.

Để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh xử lý trường hợp nêu trên như sau:

  • Vẫn thực hiện tiếp nhận, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định pháp luật đối với thẻ BHYT có thông tin thẻ hợp lệ tại thời điểm tra cứu.
  • Cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy trình cấp, cập nhật tăng - giảm thẻ BHYT.
  • Cán bộ bộ phận thu và sổ, thẻ phải nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy trình cấp, đổi, cập nhật dữ liệu thẻ BHYT theo Công văn 3881/BHXH-ST ngày 07/10/2016.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị cơ quan BHXH các tỉnh, thành làm rõ những sai phạm của cá nhân, tập thể dẫn đến tình trạng nêu trên và có hình thức kỷ luật phù hợp.

(Nguồn: Nld.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Từ 01/10, người không có Bảo hiểm y tế phải chi trả 100% khung giá khám chữa bệnh

Bắt đầu từ ngày 01/10, những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám bệnh tại các bệnh viện, cơ sở công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được áp giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.

Theo đó, người đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế... và tiền lương cho bác sĩ. Tính trung bình, mức viện phí sẽ tăng khoảng 30% chủ yếu vào tiền khám bệnh và giường bệnh.

Cụ thể, giá khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng 1 trước đây là 20.000 đồng nay tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng; giá giường nội khoa bệnh viện hạng 1 từ 80.000 đồng lên 199.100 đồng; phẫu thuật lấy thai lần đầu từ 2 triệu đồng tăng 2,6 triệu đồng; xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính tăng từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng...

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện người bệnh tham gia BHYT ngày càng tăng. Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ có trên 90% người dân thành phố có thẻ BHYT và được quyền chọn lựa bệnh viện chất lượng phục vụ tốt, bệnh viện có nhiều kỹ thuật điều trị tốt.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/10, trừ bệnh viện Nhân Ái và bệnh viện Phong Bến Sắn thì 51 bệnh viện công lập của TP Hồ Chí Minh không còn nhận ngân sách nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện.

Trước đó, từ ngày 01/08, đã có 12 bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã được phép áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương cuối cùng của cả nước điều chỉnh tăng tối đa giá viện phí không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.

(Nguồn: Baotintuc.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Từ 01/01/2018: "Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên tổng thu nhập

Thông tin đóng BHXH trên tổng thu nhập từ 01/01/2018 là chưa chính xác. Chúng ta chỉ đóng BHXH trên mức lương, một số khoản phụ cấp lương và một số khoản bổ sung khác.

Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời báo giới tại cuộc họp báo thông tin hoạt động ngành LĐ-TB&XH qua 9 tháng đầu năm 2017. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 20/09 tại Hà Nội.

Một số khoản phụ cấp và bổ sung đóng BHXH

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập. Tức là việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác” - ông Nguyễn Duy Cường nói.

Vậy, những khoản bổ sung và khoản phụ cấp nào được tính đóng BHXH từ 01/01/2018?

Theo đại diện Vụ BHXH tại cuộc họp, các nội dung đóng BHXH đã được quy định rõ tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.

“Theo đó, chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH” - ông Nguyễn Duy Cường lý giải.

Tương tự với khoản bổ sung khác, Vụ phó vụ BHXH cho rằng: Chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định thì sẽ được làm căn cứ tính đóng BHXH. Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.

Chờ nghị định xử lý nợ BHXH

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về tiến độ xây dựng văn bản xử lý tình trạng doanh nghiệp, tổ chức nợ BHXH, đặc biệt là việc nhiều doanh nghiệp nợ BHXH nhưng đã phá sản hoặc giải thể, ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng chục ngàn lao động, ông Nguyễn Duy Cường cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng các phương án xử lý quyền lợi của người lao động trong các các doanh nghiệp nợ BHXH để báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo nghị định và lấy ý kiến các bộ ngành. Sau khi tập hợp ý kiến, về cơ bản các bộ, ngành đồng tình với các nội dung tại dự thảo nghị định.

“Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng đây là dự thảo nghị định không quy định chi tiết một điều hay một khoản nào của luật. Dự thảo nghị định quy định chính sách hoàn toàn mới. Vì vậy, việc xây dựng nghi định sẽ phải thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015” - ông Nguyễn Duy Cường nói.

Cũng theo đại diện vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương xây dựng dự báo đánh giá tác động của nghị định khi ra đời và đang xin ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tuần tới sẽ trình Chính phủ.

Ông Nguyễn Duy Cường cho biết thêm: “Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, Bộ sẽ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến, tháng 12/2017 Chính phủ sẽ ban hành Nghị định này”.

(Nguồn: Dantri.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã số sổ bảo hiểm xã hội diễn ra như thế nào?

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau 1 tháng triển khai, có 437.493 trường hợp đã được đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mã số sổ BHXH.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Việc cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT là cơ sở để cơ quan BHXH hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thuận lợi.

Việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH được thực hiện từ ngày 01/08/2017 đối với BHXH thành phố Hà Nội và từ 01/09/2017 triển khai trên cả nước.

Hiện vẫn còn một bộ phận người tham gia chưa có tờ khai khi lập hồ sơ đăng ký tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT. Để có thông tin đầy đủ, chính xác và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người tham gia theo mã số BHXH, ngành BHXH đang phối hợp với đơn vị và người tham gia cập nhật bổ sung thông tin còn thiếu từ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS). Mã số BHXH cấp cho người tham gia là 10 ký tự cuối của thẻ BHYT, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng BHXH, BHYT.

Tính đến nay, BHXH các tỉnh, thành phố đã triển khai tập huấn và hướng dẫn phần mềm cho BHXH các quận, huyện. Trên cơ sở đó, BHXH các quận, huyện tiếp tục cung cấp danh sách, tờ khai gửi cho cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng để hướng dẫn việc kê khai bổ sung thông tin cấp mã số BHXH cho người tham gia.

Việc in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới sẽ triển khai đồng loạt cho toàn bộ người tham gia trên cả nước từ 01/10/2017 khi tỷ lệ người tham gia được đồng bộ quản lý theo mã số BHXH đạt từ 70% trở lên. Trước thời điểm này, BHXH các tỉnh, thành phố vẫn tiến hành rà soát, đồng bộ dữ liệu và cấp lại, cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT phát sinh do mất, hỏng, điều chỉnh thông tin theo mã số BHXH.

Trong thời gian chờ đồng bộ, cấp mã số BHXH, sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp, đổi lại.

Ông Trần Định Liệu cho biết: Đến nay, 70% dữ liệu người dùng thẻ BHYT trùng với mã số sổ BHXH. Tuy nhiên vẫn còn 30% dữ liệu về người dùng chưa xác định cụ thể thông tin. Do đó, về tra cứu thông tin thẻ BHYT, trong thời gian đầu thực hiện tra cứu giá trị sử dụng thẻ trên Cổng thông tin giám định BHYT, trường hợp người tham gia dùng thẻ còn giá trị sử dụng đi khám chữa bệnh nhưng cơ sở khám chữa bệnh tra cứu trên cổng phát hiện thẻ BHYT đã hết giá trị sử dụng, thì thông báo cho cơ quan BHXH kiểm tra, đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bình thường cho người tham gia, trừ trường hợp BHXH nơi cấp thẻ thông tin lại người đó đã ngừng đóng BHYT.

(Nguồn: Baotintuc.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. BHXH khuyến khích cơ sở y tế sử dụng hóa đơn điện tử

Tại công văn hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đồng thuận việc cơ sở y tế có thẻ cung cấp HĐĐT chuyển đổi sang hóa đơn giấy. Tuy nhiên về lâu dài thì cần hạn chế chuyển đổi sang hóa đơn giấy.

Theo hướng dẫn này, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị cơ sở y tế sử dụng HĐĐT, khi cung cấp HĐĐT chuyển đổi cho cơ quan BHXH hoặc cho người bệnh có thẻ BHYT theo quy định của Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính (trừ trường hợp cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán” theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC).

Đối với trường hợp thanh toán trực tiếp nhưng người bệnh chưa được cơ sở KCB cung cấp HĐĐT chuyển đổi thì cơ quan BHXH tiếp nhận hình ảnh của HĐĐT do người bệnh cung cấp, khi thực hiện giám định cơ quan BHXH đề nghị cơ sở y tế cung cấp HĐĐT chuyển đổi cho người bệnh.

Việc chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC. HĐĐT chuyển đổi sẽ được chuyển và lưu tại nơi phát sinh thanh toán trực tiếp để thanh toán theo quy định.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã có ý kiến về việc sử dụng HĐĐT trong thanh quyết toán kinh phí KCB BHYT.

Theo quy định tại Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì các cơ sở y tế đáp ứng điều kiện sử dụng HĐĐT thì có thể lựa chọn sử dụng HĐĐT và cần được khuyến khích. Vì vậy, đối với việc thanh quyết toán kinh phí KCB BHYT, người bệnh và các cơ sở y tế được sử dụng HĐĐT làm chứng từ thanh toán với cơ quan BHXH.

Tuy nhiên do HĐĐT còn là hình thức hóa đơn mới nên về lâu dài, Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan BHXH có biện pháp và xây dựng các giải pháp kỹ thuật để có thể tiếp nhận và lưu trữ HĐĐT từ các cơ sở y tế và người bệnh để hạn chế phải chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav