Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 01/2018

Bấm vào để phóng to

I. Những chính sách, quy định mới có hiệu lực từ 01/01/2018

Tăng lương tối thiểu vùng, xử lý hình sự tội trốn đóng BHXH cho người lao động, chế độ hưu trí mới, thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%, “khai tử” xăng RON 92, áp dụng công thức tính lãi suất mới… là những chính sách mới có hiệu lực từ 01/01/2018.

Tăng lương tối thiểu vùng

Từ ngày 01/01/2018, Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Chủ doanh nghiệp bị phạt tù nếu trốn đóng BHXH

Từ ngày 01/01/2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Đồng thời, cũng từ ngày 01/01/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, gian lận BHXH, BH thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng BHXH, BHYT... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền từ 200 đến 500 triệu hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm; Tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Điều chỉnh chế độ hưu trí mới

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016: Từ 01/01/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hàng tháng.

Việc đáp ứng mức lương hưu 75% theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau 01/01/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.

Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

Áp dụng công thức tính lãi suất mới từ 01/01/2018

Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được ban hành. Thay thế cho Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Theo đó, thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau: Một năm là 365 ngày; Một tháng là 30 ngày; Một tuần là 7 ngày; Một ngày là 24 giờ.

Thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%

Theo lộ trình của Hiệp định thương mại nội khối Đông Nam Á (AFTA), lộ trình giảm thuế xuống 0% đối với các dòng xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN sẽ được áp dụng từ 01/01/2018.

Đây là mức giảm giá thấp nhất từ trước đến nay của thị trường nhập khẩu ô tô Việt Nam. Với mức giảm thuế không thể sâu hơn như vậy, nhiều người hy vọng sẽ được sở hữu ô tô với giá bằng thị trường Thái Lan, Malaysia...

Xăng RON 92 sẽ bị “khai tử”

Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg, tháng 06/2017 vừa qua, sau khi họp về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận và chỉ đạo, kể từ ngày 01/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, xăng RON 92 sẽ chính thức bị “khai tử”, biến mất khỏi trên thị trường. Thay vào đó, thị trường còn 2 loại xăng là xăng E5 và xăng RON 95...

(Nguồn: Dantri.com.vn; Xem chi tiết tại đây;

Tapchibaohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Hoàn thiện mẫu, quy trình quản lý và sử dụng thẻ BHXH, BHYT điện tử

Sáng 28/12/2017, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đơn vị quản lý, chuyên gia về Dự thảo quyết định mẫu thẻ, quy trình kiểm soát dữ liệu, cấp và quản lý thẻ BHXH, BHYT điện tử.

Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và đại diện một số đơn vị có liên quan thuộc BHXH Việt Nam.

Ông Chu Minh Tộ, Trưởng Ban cấp Sổ - thẻ, BHXH Việt Nam cho biết: Căn cứ Luật BHXH, Luật BHYT và chỉ đạo của BHXH Việt Nam, từ tháng 09/2017, Ban Sổ- thẻ đã chủ trì dự thảo 2 quyết định về mẫu và quy trình kiểm soát dữ liệu, cấp, quản lý thẻ BHXH, BHYT điện tử. Qua xin ý kiến các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và 10 BHXH tỉnh, thành phố, đến nay, các dự thảo đã cơ bản hoàn thiện.

Trong đó, dự thảo Quyết định ban hành mẫu thẻ BHXH, BHYT điện tử có 4 Điều quy định về hình thức, chất liệu và thông tin in trên thẻ; dự thảo Quyết định ban hành quy trình kiểm soát dữ liệu, cấp và quản lý thẻ BHXH, BHYT điện tử có 07 Chương, 23 Điều quy định về phạm vi đối tượng, phân cấp, thủ tục cấp thẻ điện tử, việc khai thác thông tin, quản lý và quản lý, sử dụng thẻ điện tử.

Mẫu thẻ BHXH, BHYT điện tử (thẻ điện tử) sẽ có mã số được cấp theo mã số BHXH. Khi đối tượng tham gia có mã số công dân sẽ đồng bộ, chuyển đổi theo mã số công dân để phù hợp với giai đoạn đầu - khi Bộ Công an chưa hoàn chỉnh dữ liệu mã công dân. Giai đoạn đầu, thẻ điện tử sẽ là thẻ nhựa in mã vạch, để tận dụng các đầu đọc đang được hầu hết cơ sở KCB trang bị, giúp giảm chi phí đầu tư. Trên thẻ điện tử chỉ in các thông tin ít thay đổi và in ảnh theo yêu cầu của người tham gia. Thông tin của đối tượng tham gia được quản lý, lưu trong CSDL của BHXH Việt Nam.

Trong thời gian chờ đổi thẻ BHXH, BHYT điện tử, sổ BHXH cấp theo các Quyết định số: 1443/LĐTBXH, 3339/QĐ-BHXH, 1518/QĐ-BHXH và 1035/QĐ-BHXH tiếp tục được sử dụng để ghi, xác nhận và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; thẻ BHYT đã cấp theo Quyết định số 1313/QĐ-BHXH tiếp tục được sử dụng đi khám chữa bệnh BHYT.

Trong quy trình kiểm soát dữ liệu, cấp, quản lý thẻ điện tử, dự thảo về thủ tục hồ sơ và quy trình cấp thẻ điện tử cơ bản vẫn phù hợp với quy định cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chất liệu giấy hiện hành. Tuy nhiên, có một số điểm điều chỉnh theo đặc thù của thẻ điện tử như: Người có thẻ điện tử phải xác thực nhân thân bằng mã số xác định người được cấp thẻ điện tử (mã PIN) khi giao dịch trên mạng điện tử với cơ quan BHXH. Thủ tục cấp thẻ điện tử gộp của 2 thủ tục cấp sổ BHXH và thẻ BHYT chất liệu giấy. Thông tin quản lý hưởng BHYT và xác nhận quá trình tham gia BHXH, BH thất nghiệp thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử (truy cập trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam) thay thế tờ rời sổ BHXH và thẻ BHYT.

Việc phát hành thẻ điện tử vẫn do BHXH cấp tỉnh, huyện thực hiện. Ngoài ra, mở rộng thêm việc cấp đổi thẻ mất, hỏng được thực hiện ở mọi cơ quan BHXH tỉnh, huyện trên toàn quốc. Rút ngắn hơn so với thời hạn cấp sổ BHXH chất liệu giấy. Trong thời gian chờ cấp đổi thẻ điện tử, việc cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT chất liệu giấy cho người tham gia tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về hình thức thẻ điện tử, các thông tin quản lý in trên thẻ điện tử, phân cấp quản lý, hồ sơ, thời hạn giải quyết, quản lý, sử dụng thẻ điện tử… Việc làm sao tích hợp mã số BHXH trên thẻ điện tử với mã số công dân của ngành Công an được các đại biểu đặc biệt quan tâm, với mong muốn mỗi người dân chỉ có một mã số định danh duy nhất trong suốt quá trình tham gia và hưởng các quyền lợi liên quan. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị việc thực hiện cấp thẻ điện tử cần có lộ trình phù hợp, thí điểm trước khi làm toàn quốc.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, việc thực hiện, ban hành sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử là nhiệm vụ được Quốc hội giao cho ngành BHXH phải thực hiện xong trước năm 2020. BHXH Việt Nam đã bắt tay vào triển khai từ nhiều năm nay và đã có ý tưởng gộp sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử thành thẻ BHXH, BHYT điện tử. Thẻ này có thể kết nối, tích hợp với thẻ an sinh xã hội đang được Bộ LĐ - TB và XH triển khai. Điều này phù hợp với chủ trương cải cách TTHC của Chính phủ, của Ngành cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, nên BHXH Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, giúp đỡ từ các chuyên gia và các bộ, ngành liên quan.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Đơn giản hóa thủ tục giải quyết hưởng chế độ thai sản, tử tuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 29/11/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của BHXH Việt Nam.

Nghị quyết ban hành sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục như: Giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu…

Cụ thể, đối với thủ tục “Giải quyết hưởng chế độ thai sản”: Bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014.

Đối với thủ tục “Giải quyết hưởng chế độ tử tuất”: Bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao Quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 111 của Luật BHXH năm 2014.

Về thủ tục “Giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác”, Nghị quyết nêu rõ: Bỏ thành phần hồ sơ là bản sao hộ khẩu thường trú tại nơi cư trú mới, bản sao chứng minh nhân dân/ hộ chiếu theo quy định tại Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/04/2016 của BHXH Việt Nam.

Trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT, Nghị quyết cũng đơn giản hóa thủ tục “Khám chữa bệnh BHYT” và thủ tục "Thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT" như sau: Bỏ thành phần hồ sơ giấy khai sinh đối với trẻ em dưới 6 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện BHYT.

Trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, Nghị quyết nêu rõ, thủ tục “Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT” được đơn giản hóa như sau: Bỏ thành phần hồ sơ là giấy khai sinh; sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú quy định tại Mục I, Mục II, Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.

Theo Nghị quyết, một số tờ khai, biểu mẫu cũng được đơn giản hóa. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/2017.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Thuốc có tác dụng chưa rõ ràng sẽ bị loại khỏi danh mục BHYT chi trả

Việc BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng lại danh mục thuốc BHYT, thu hút được sự chú ý lớn của người dân bởi nhiều người lo lắng việc thay đổi sẽ thiệt cho người khám chữa bệnh BHYT.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc thay đổi Thông tư 40/2014 danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả BHYT vẫn phải hướng tới Nghị quyết 06 để củng cố nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, cố gắng quản lý bệnh mãn tính ở y tế cơ sở.

Hơn 169 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT

Thông tin về tình hình chi trả BHYT, BHXH, số nợ của BHXH, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2017 toàn ngành BHXH đã thu 289.349 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch giao. Trong đó, thu BHXH là 194.943 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 13.263 tỷ đồng; thu BHYT là 81.143 tỷ đồng. Số tiền nợ BHXH là 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016.

Đáng chú ý, trong năm 2017, toàn ngành đã giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có 141.695 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.053 lượt người hưởng BHXH 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Đồng thời, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho khoảng 694.323 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 35.167 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.

“Chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn ngành là 270.316 tỷ đồng; trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 45.170 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 132.474 tỷ đồng, chi Quỹ BH thất nghiệp 7.422 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh BHYT 85.250 tỷ đồng”, ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm.

Liên quan đến việc xây dựng danh mục thuốc BHYT, bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Thông tư 40, BHXH và Bộ Y tế đang cùng nhau rà soát danh mục thuốc BHYT chi trả, xây dựng danh mục thuốc mới với chủ trì là Bộ Y tế và cơ quan BHXH tham gia. Bộ Y tế đã triển khai cực kỳ thận trọng.

Trong năm 2016, chỉ tính riêng vitamin và thuốc hỗ trợ, BHYT đã phải chi trả hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là lý do Bộ Y tế đang dự định loại bỏ 215 loại thuốc hiệu quả điều trị không rõ ràng, giá thành cao ra khỏi danh mục thuốc do BHYT chi trả. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Yến, dự thảo thay đổi danh mục thuốc lần này cũng loại ra khỏi danh mục thuốc mà tác dụng chưa rõ ràng để tiết kiệm ngân sách, bệnh nhân có thể tiếp cận các thuốc khác chi phí có thể cao hơn nhưng tác dụng cao hơn. Hiện nay, dự thảo thông tư vẫn đang “treo”, lấy ý kiến của các chuyên gia.

“Cho đến thời điểm này danh mục loại bỏ thuốc gì, thêm thuốc gì vẫn chưa có ý kiến chính thức mà vẫn đang chờ ý kiến góp ý. Thay đổi Thông tư 40, không chỉ với thuốc điều trị, với thuốc hỗ trợ cũng tương tự sẽ có thuốc đề xuất bị loại ra khỏi danh mục. Với một số thuốc chi trả cao cho các nhóm bệnh ung thư, Ban xây dựng dự thảo cũng đưa ra hai phương án siết chặt chỉ định dùng thuốc hoặc chi trả theo tỷ lệ thanh toán 40 - 50%, còn người bệnh chi trả phần còn lại…”, bà Yến nhấn mạnh.

Cắt nhiều thuốc hỗ trợ

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc rà soát danh mục thuốc BHYT chi trả dựa trên nguyên tắc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, phù hợp với điều kiện chi trả của Quỹ BHYT và túi tiền của người dân. Thông tư 40/2014 đã ban hành hơn 3 năm và qua thời gian đánh giá, nghiên cứu để đưa ra lựa chọn mới cho sự thay đổi lần này. Vì vậy, Bộ Y tế và BHXH đã thành lập nhiều hội đồng chuyên môn để xem xét hiệu quả điều trị của từng thuốc, cân nhắc xem thuốc nào phù hợp, thuốc nào hiệu quả chưa rõ ràng, thuốc nào lạc hậu thì đưa ra khỏi danh sách. Đồng thời, bổ sung những thuốc hiện đại hơn, hiệu quả điều trị cao hơn và giá thành phù hợp vào danh sách. Bởi mô hình bệnh tật hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi với nhiều bệnh mãn tính. Do đó, danh mục thuốc mới dự tính sẽ đưa vào nhiều loại thuốc điều trị bệnh mãn tính, đáp ứng nhu cầu thực tế, an toàn, hiệu quả cho người bệnh. Đối với các loại thuốc hỗ trợ, vitamin, vì chúng ta đã cập nhật thông tin khoa học của thuốc này từ các công ty sản xuất và chuyên gia nên sẽ cân nhắc loại bỏ.

Để xây dựng danh mục thuốc BHYT chi trả, Bộ Y tế đã mời các hội đồng chuyên môn, tiểu ban chuyên môn để có thể xây dựng ban hành thông tư danh mục thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị, đảm bảo tính hợp lý an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc và BHYT. Quá trình này vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới và Bộ Y tế sẽ tổ chức các diễn đàn của hội đồng chuyên môn để thảo luận, công bố trên website của Bộ Y tế để xin ý kiến các nhà chuyên môn, chính sách, người dân thậm chí doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Lương Sơn, việc thay đổi Thông tư 40/2014 danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả BHYT vẫn phải hướng tới Nghị quyết 06 để củng cố nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, cố gắng quản lý bệnh mãn tính ở y tế cơ sở. Để thực hiện được điều này, ông Sơn đề xuất cần đưa danh mục thuốc về y tế cơ sở mở rộng hơn để chất lượng chăm sóc bệnh được nâng lên, không để người bệnh phải lên tuyến trên. Quá trình làm phải qua nhiều quy trình, cần có đánh giá về kinh tế y tế và kinh tế dược. Đưa thuốc này vào bỏ thuốc này ra phải dựa trên chuyên môn và kinh tế và hướng tới y tế cơ sở.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Cần thiết lập sổ y bạ điện tử đến từng người dân

Sổ y bạ điện tử có thể giúp bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám... quản lý bệnh án thay thế cho việc sử dụng và quản lý sổ y bạ giấy hiện nay vừa lãng phí, vừa không hiệu quả.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới yêu cầu, phải thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

Nói về việc quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành Y tế, ngành Bảo hiểm. Bởi nếu thiết lập được một hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước, Bộ Y tế sẽ biết mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.

Sổ y bạ điện tử có thể giúp bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám... quản lý bệnh án thay thế cho việc sử dụng và quản lý sổ y bạ giấy hiện nay vừa lãng phí, vừa không hiệu quả.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới yêu cầu, phải thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

Nói về việc quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành Y tế, ngành Bảo hiểm. Bởi nếu thiết lập được một hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước, Bộ Y tế sẽ biết mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.

(Nguồn: Suckhoedoisong.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Năm 2018, 85% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống xếp hàng điện tử

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của Bộ Y tế mới được phê duyệt, một trong những mục tiêu Bộ Y tế đặt ra trong năm tới là 85% bệnh trực thuộc Bộ có hệ thống xếp hàng điện tử.

Bộ Y tế vừa ra quyết định 5748 phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của Bộ. Theo đó, đối với ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Bộ, Bộ Y tế đặt mục tiêu trong năm tới sẽ nâng cấp Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành, Hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điện tử của Bộ, trang/cổng thông tin của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ hoạt động ổn định, hiệu quả, an ninh bảo mật trên môi trường điện tử.

Cùng với đó, có 50% đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành và chuyên môn chủ yếu của đơn vị; 80% đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế triển khai hồ sơ cán bộ công chức, viên chức trên môi trường mạng.

Về xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các mục tiêu trong năm 2018 của kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ Y tế bao gồm: có 100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), trong đó có 95% bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS) với hệ thống HIS; có 50% bệnh vệnh trực thuộc Bộ Y tế tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học (RIS - PACS); có 20% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai Bệnh án điện tử; Hoàn thành triển khai phần mềm quản lý hoạt động Trạm y tế xã tại 26 xã mô hình điểm của Bộ Y tế; Hoàn thành phần mềm Hồ sơ sức khỏe điiện tử; Triển khai phần mềm hệ thống thông tin thống kê y tế điện tử tại 8 tỉnh, thành phố.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu đảm bảo 20% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được trực tuyến hóa mức độ 3 trở lên, trong đó có ít nhất 15% đạt mức độ 4, năm 2018, ngành Y tế cũng hướng đến các mục tiêu kết nối Hải quan một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch của Chính phủ và có 85% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống xếp hàng điện tử.

Trong bản kế hoạch mới phê duyệt, Bộ Y tế cũng xác định rõ các mục tiêu về phát triển nhân lực và hạ tầng kỹ thuật sẽ được hiện thực hóa trong năm tới, đó là: 100% các đơn vi thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có cán bộ chuyên trách CNTT được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức CNTT và an toàn thông tin; hoàn thành xây dựng trục tích hợp dữ liệu Bộ Y tế; đồng thời triển khai nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế theo kế hoạch của dự án đã được phê duyệt.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong Kế hoạch ứng dụng CNTT trong năm 2018 mới được phê duyệt, Bộ Y tế cũng đưa ra các nhóm nội dung, giải pháp sẽ được các cơ quan, đơn vị trong Bộ tập trung triển khai thời gian tới. Trong đó, 3 nhóm giải pháp chính gồm có: giải pháp pháp về môi trường chính sách; giải pháp tài chính và giải pháp triển khai.

Cụ thể, Bộ Y tế sẽ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy ứng dụng CNTT ngành y tế như Thông tư quy định về ứng dụng Bệnh án điện tử, hướng dẫn quản lý dịch vụ CNTT trong ngành y tế, quy định về thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án ứng dụng CNTT trong ngành y tế. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong ngành y tế và các văn bản hướng dẫn quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Về giải pháp tài chính, cùng với việc đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT, Bộ Y tế dự kiến sẽ xây dựng cơ chế để đưa chi phí hoạt động CNTT trong bệnh viện vào giá dịch vụ khám chữa bệnh và được BHYT thanh toán.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 tới, Bộ Y tế cũng triển khai một loạt giải pháp, bao gồm: đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn CNTT y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn.

Để đảm bảo thành công của các dự án, giảm thiểu việc đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả đầu tư, Bộ Y tế xác định các bài toán có quy mô lớn, các ứng dụng có thể sử dụng ở nhiều đơn vị trong ngành sẽ được thực hiện theo mô hình thí điểm - nhân rộng. Cơ quan Bộ Y tế và từng đơn vị trực thuộc Bộ phải xây dựng kiến trúc hệ thống CNTT của cơ quan, từ đó xây dựng đề án CNTT tổng thể của đơn vị làm căn cứ triển khai ứng dụng CNTT.

Cùng với việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong năm 2018 của Bộ, Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục 23 nhiệm vụ, dự án trọng điểm ứng dụng CNTT sẽ được ngành Y tế triển khai trong 12 tháng tới như: Nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý ngành y tế; Triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2018 - 2020; Xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Y tế; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 thuộc phạm vi của Bộ Y tế; Xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong các lĩnh vực Dược, Trang thiết bị y tế, Môi trường y tế, Y Dược học cổ truyền; Xây dựng kiến trúc tổng thể Y tế điện tử…

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong năm 2018 của Bộ Y tế sẽ là căn cứ để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT theo đúng quy định.

Lãnh đạo Bộ Y tế giao trách nhiệm cho Cục CNTT tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong năm 2018 của Bộ. Vụ Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Cục CNTT và cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ trưởng bố trí kinh phí để thực hiện các dự án, nhiệm vụ theo Kế hoạch này.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav