Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 02, 03/2018

Bấm vào để phóng to

I. Sửa đổi quy định về BHXH

Nghị định 161/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 12 Nghị định 21/2016/NĐ-CP về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH, có hiệu thi hành từ ngày 15/02/2018.

Nghị định quy định, từ 15/02/2018, bỏ quy định về việc cho phép cơ quan BHXH được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.

(Nguồn: Hanoimoi.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Năm 2018, triển khai thẻ bảo hiểm y tế điện tử

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2018, ngành BHXH sẽ triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người dân để quản lý thông tin về khám, chữa bệnh. Theo đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chip là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.

Với thẻ điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Việc này sẽ góp phần giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH đang tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp; từ đó, nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung. Đồng thời, BHXH sẽ tiến tới kết nối điện tử với các bệnh viện, phòng khám, bảo đảm chi trả BHYT đúng, kịp thời và tránh thất thoát.

Hiện nay, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối với 99,6% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã giúp công tác quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán được thực hiện minh bạch, chặt chẽ. Hệ thống có cổng tiếp nhận, là nơi trao đổi thông tin giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, cung cấp công cụ tra cứu, quản lý thông tuyến, chuyển tuyến, kiểm tra thẻ BHYT, thông báo kết quả giám định. Đặc biệt, các cơ sở y tế có thể liên thông các kết quả xét nghiệm, khai thác tiểu sử bệnh tật, kết quả điều trị của người bệnh, tránh trùng lặp chỉ định, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị. Phần mềm giám định nhằm giám định điện tử 100% hồ sơ đề nghị thanh toán, tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện hồ sơ trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai giá, sai các quy định về khám chữa bệnh.

(Nguồn: Sggp.org.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Đề xuất thay đổi cách tính lương tối thiểu

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất thay đổi cách tính lương tối thiểu theo hướng quy định rõ các yếu tố để làm cơ sở xác định lương tối thiểu.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo khảo sát với 1.600 người lao động tại 60 công ty do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện cho biết 20% trả lời thu nhập không thể đủ cho cuộc sống của họ; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm; 41% có mức lương chỉ đủ để trang trải các nhu cầu cuộc sống của họ; và chỉ có 8,0% có khả năng để làm cho tiết kiệm. Với mức thu nhập thấp như vậy, người lao động buộc phải làm việc thêm giờ để duy trì cuộc sống.

Tại Khoản 1, Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định: tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng bởi sự không rõ ràng về các yếu tố cấu thành nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm xác định các yếu tố này. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người khảo sát thường có xu hướng kê khai cao hơn so với nhu cầu thật của họ, ngoài ra nhu cầu sống của người khảo sát có sự chênh lệch khác biệt đối với mỗi đối tượng khảo sát (nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần). Trong khi đó, các khảo sát về mức sống của người dân, hộ gia đình thường dễ xác định và đưa ra kết quả tin cậy hơn cho việc định lượng mức sống tối thiểu của một người do có thể định lượng dựa vào giá thị trường các vật dụng thiết yếu, giá các dịch vụ cơ bản như: nhu yếu phẩm thiết yếu ăn, uống, dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cơ bản...

Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng: Quy định rõ các yếu tố của mức lương tối thiểu để làm cơ sở xác định lương tối thiểu, bao gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; Giá tiêu dùng; Điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm và thất nghiệp của người lao động...

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Hướng dẫn thống kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

BHXH Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn một số nội dung trong thống kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Trong đó, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 4210/2017/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Trong khi chờ Bộ Y tế sửa đổi Quyết định số 3455/2013/QĐ- BYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn tạm thời cách ghi các thông tin trên các Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh và cách mã hóa, gửi dữ liệu XML đối với các thuốc có quy định riêng trong thanh toán BHYT.

Về ghi mã thẻ BHYT trên các biểu mẫu thống kê, báo cáo: Thông tin về mã thẻ, giá trị sử dụng thẻ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BYT các biểu mẫu C79a-HD, C80a-HD ban hành theo Thông tư số 178/TT-BTC của Bộ Tài chính và dữ liệu tương ứng được ghi theo thẻ BHYT còn giá trị sử dụng khi người bệnh đến khám, chữa bệnh; thông tin trong file XML ghi đúng quy định tại Quyết định 4210/QĐ-BYT. Trường hợp người bệnh có thay đổi các thông tin về nhân thân thì sử dụng thông tin của thẻ BHYT mới được cấp đổi.

 Đối với các thuốc sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 36/2015/TT-BYT ngày 29/10/2015, sử dụng các mã hoạt chất sau: Pegylated liposomal Doxorubicin dạng tiêm: mã 31.363; Erlotinib dạng uống: mã 31.365; Gefitinib dạng uống: mã 31.371; Sorafenib dạng uống: mã 31.393.

Về việc áp dụng danh mục thuốc do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia: Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cập nhật toàn bộ danh mục thuốc trúng thầu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh BHYT; BHXH các tỉnh đối chiếu dữ liệu với danh mục thuốc, số lượng thuốc trúng thầu sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh, duyệt và áp dụng đối với các thuốc đủ điều kiện thanh toán BHYT theo quy định.

Về việc áp dụng danh mục thuốc do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia: Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cập nhật toàn bộ danh mục thuốc trúng thầu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh BHYT; BHXH các tỉnh đối chiếu dữ liệu với danh mục thuốc, số lượng thuốc trúng thầu sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh, duyệt và áp dụng đối với các thuốc đủ điều kiện thanh toán BHYT theo quy định...

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thanh toán chi phí KCB

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí KCB. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.

Thông tư sửa đổi một số nội dung liên quan đến các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về: Quy chế Bệnh viện, mẫu hồ sơ bệnh án, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành y tế, cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB, sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số hoạt chất, thuốc trong Danh mục thuốc tân dược và Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Thông tư 50 cũng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2016/TT-BYT (ngày 28/09/2016) ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với DVKT y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2017/TT-BYT (ngày 14/04/2017) ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Cụ thể, một số nội dung là điều kiện để cơ quan BHXH làm căn cứ thanh toán chi phí KCB BHYT đã được Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau:

Về nhiệm vụ của bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Thông tư hướng dẫn: "Các cơ sở KCB tổ chức lưu phim chẩn đoán hình ảnh bằng bản điện tử hoặc phim chụp, trừ trường hợp khám, điều trị ngoại trú". Theo đó, thông tin chụp phim chẩn đoán hình ảnh của người bệnh nội trú phải được thể hiện trong hồ sơ bệnh án và sổ chẩn đoán hình ảnh của cơ sở KCB. Trong trường hợp chuyển tuyến, cần chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện. Trường hợp người được chụp phim thuộc đối tượng khám ngoại trú, thì trả phim đã chụp kèm theo bản trả lời kết quả tương ứng với phim đã chụp cho người đó. Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh phải ký xác nhận đã lấy phim chẩn đoán hình ảnh.

Thông tư cũng sửa đổi phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề như sau: Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn thuộc chuyên khoa nào, thì được phép thực hiện các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của chuyên khoa đó, trừ trường hợp thực hiện một số phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BYT (ngày 26/12/2014) của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật thì cần có thêm chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phù hợp.

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư số 35/2016/TT-BYT về điều kiện thanh toán đối với DVKT y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (Điểm b, Khoản 1, Điều 3), Thông tư 50 chỉ rõ: Các cơ sở KCB phải áp dụng thực hiện các tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành hoặc do người đứng đầu cơ sở KCB ban hành áp dụng tại cơ sở (trên cơ sở căn cứ vào các tài liệu chuyên môn hướng dẫn và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và điều kiện thực tế của cơ sở).

Đối với các dịch vụ KCB chưa được Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở KCB xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu chính thống, có bằng chứng khoa học và phù hợp với điều kiện của cơ sở.

Khi ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, người đứng đầu cơ sở KCB có trách nhiệm gửi hướng dẫn hoặc quy trình đã ban hành đến cơ quan BHXH tỉnh nơi cơ sở KCB đặt trụ sở.

Thông tư 50 cũng công nhận tính hợp pháp của chứng từ thanh toán DVYT, trong trường hợp người hành nghề được cấp giấy chứng nhận đào tạo thay cho chứng chỉ đào tạo.

Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về nguyên tắc thanh toán DVKT đặt stent động mạch vành phải sử dụng nhiều hơn một stent phủ thuốc trong Thông tư số 04/2017/TT-BYT. Tại Thông tư 50, Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết mức thanh toán theo từng mức hưởng của các nhóm đối tượng và trường hợp đi KCB đúng tuyến, trái tuyến... Theo đó, mức thanh toán cho tổng chi phí VTYT bao gồm stent thứ nhất và tổng VTYT khác ngoài stent trong một lần sử dụng DVKT. Ngoài ra, quỹ BHYT thanh toán thêm một phần hai (1/2) chi phí đối với stent thứ hai, theo giá mua vào của cơ sở KCB, nhưng không cao hơn 18 triệu đồng...

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Những trường hợp thẻ BHYT hết hạn nhưng vẫn được thanh toán

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 5917/BHXH-CSYT về việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh BHYT khi đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

BHXH Việt Nam cho biết: Đối với các trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú, thẻ BHYT hết hạn đến 31/12/2017: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB rà soát, lập danh sách người bệnh; kiểm tra, xác định lý do người bệnh chưa có thẻ BHYT giá trị sử dụng từ 01/01/2018.

Nếu trường hợp người bệnh chưa có thẻ BHYT do khâu lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT không kịp thời (trừ nhóm đối tượng có mã HC; DN): Tạm thời giải quyết hưởng BHYT đến hết đợt điều trị.

Trường hợp cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đã tham gia BHYT nhưng chưa kịp nhận thẻ BHYT: Cơ quan BHXH cấp cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (Mẫu 01 ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/09/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) hoặc Biên lai thu tiền đóng BHYT do Đại lý thu cấp (Mẫu C68-HD ban hành kèm theo Thông tư số 178/TT-BTC ngày 23/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho BHXH Việt Nam) trong đó có ghi rõ mã thẻ BHYT cũ để sử dụng thay thế thẻ BHYT theo đúng quy định.

Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa tham gia BHYT cho người lao động: Cơ quan BHXH thông báo để chủ sử dụng lao động biết về việc này và nêu rõ người bệnh sẽ không được quyền lợi KCB BHYT khi thẻ BHYT đã hết hạn sử dụng;

Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB nơi người bệnh đang điều trị hướng dẫn người bệnh (hoặc thân nhân) đến địa phương nơi phát hành thẻ BHYT (bao gồm đại lý thu đã tham gia BHYT trước đó hoặc cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng làm đại lý thu hoặc cơ quan BHXH) làm thủ tục tiếp tục tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang trong đợt điều trị ngoại trú nhưng thẻ BHYT hết hạn thì được hưởng quyền lợi BHYT cho lần điều trị ngoại trú đó.

BHXH Việt Nam đề nghị Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan và BHXH cấp huyện phối hợp triển khai thực hiện, đảm bảo việc cấp thẻ BHYT kịp thời và chuyển trả người tham gia BHYT để có thẻ BHYT khi đi KCB từ ngày 01/01/2018; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam để có hướng chỉ đạo, giải quyết.

(Nguồn: Baophapluat.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Người dân có thể tự tra cứu thông tin trên thẻ BHYT

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai cấp mã thẻ BHYT theo mã số sổ BHXH và mỗi người sẽ có một mã số. Người dùng có thể truy cập trên Cổng Thông tin điện tử của ngành để cập nhật tình trạng thẻ BHYT của mình. Tiến tới, BHXH Việt Nam sẽ dùng thẻ BHYT điện tử để quản lý thông tin về khám chữa bệnh. Trong trường hợp chưa nhận được thẻ cấp lại nhưng cần sử dụng khám chữa bệnh BHYT, BHXH vẫn chấp nhận thanh toán 100% quyền lợi cho chủ thẻ; BHXH tại các tỉnh, thành cũng như các giám định viên của BHXH tại các bệnh viện sẽ thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT bằng cách tra cứu thông tin chủ thẻ trực tiếp theo mã số cá nhân.

Đây là thông tin Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí diễn ra ngày 05/01/2018 của BHXH Việt Nam vừa qua.

Đồng chí Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc, BHXH Việt Nam cho biết, mọi người dân có thể tra cứu được thông tin về ngành nghề làm việc, mức hưởng BHYT, nơi sinh sống và nơi đăng ký điều trị... trên thẻ BHYT. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể tra cứu thông tin về giá trị sử dụng thẻ BHYT của mình trên hệ thống thông tin giám định BHYT (tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx). Kết quả khi nhập đủ các thông tin về mã thẻ, họ tên, ngày/năm sinh và mã xác thực sẽ cho người dân thông số về thời hạn sử dụng thẻ, thời gian cấp thẻ và các quyền lợi chủ thẻ BHYT được hưởng khi KCB.

Tại hệ thống này các cơ sở KCB cũng biết được thông tin về được đối tượng đến khám có tiếp tục được cấp thẻ mới hay không để tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với trường hợp thẻ BHYT còn giá trị sử dụng hoặc không thanh toán đối với những trường hợp hệ thống báo thẻ BHYT hết giá trị sử dụng.

Nếu trường hợp thời điểm đầu năm 2018 người bệnh chưa nhận được thẻ mới thì thông qua mã số thẻ của năm trước (năm 2017) cơ sở KCB sẽ biết được bệnh nhân này có được hưởng BHYT hay không. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh không bị gián đoạn khi đã đóng BHYT nhưng lại chưa nhận được thẻ mới.

Hiện mức hưởng của người tham gia đã được mã hóa ở ký hiệu in trên thẻ BHYT. Theo đó mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô. Trong đó, 2 ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ, là mã đối tượng tham gia BHYT. Ký tự tiếp theo (ô thứ 2): được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) là mức hưởng BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng ban Sổ - thẻ, BHXH Việt Nam, thẻ BHYT mới không ghi giá trị sử dụng đến ngày mà chỉ từ ngày. Để biết giá trị sử dụng, người tham gia có thể chủ động tra cứu theo mã số BHYT ghi trên thẻ, danh sách tại đơn vị quản lý đối tượng.

Trường hợp vẫn còn vướng mắc, có thể liên hệ với cơ quan BHXH qua tổng đài 1900 699 668 để được giải đáp. Đến kỳ hạn đóng tiền, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thông báo thông tin kịp thời qua các cấp đơn vị để người tham gia tiếp tục đóng bảo hiểm.

Trường hợp đổi thẻ mới giá trị sử dụng năm 2017 sang năm sau tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH chỉ cấp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu từ ngày 01/01/2018 và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng để thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT. Thẻ đã cấp cho người tham gia năm 2017 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng.

Nếu chưa nhận được thẻ mới nhưng có nhu cầu khám chữa bệnh BHYT, người tham gia cần chủ động đến cơ quan BHXH kê khai và lấy thẻ mới. Nếu thẻ cũ còn giá trị sử dụng thì vẫn tiếp tục được khám chữa bệnh BHYT bình thường.

Trường hợp đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia, đối tượng có quyền được hưởng mức BHYT cao nhất và chỉ được cấp 1 thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng có thứ tự đầu tiên qui định tại Điều 12, Luật BHYT. Vì vậy, người tham gia cần cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền hưởng BHYT cao hơn cho cơ quan BHXH.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Đánh giá công tác cấp mã số BHXH và cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH

Sáng 27/02, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT với CSDL thu BHYT. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào; lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc BHXH Việt Nam; đại diện Công ty Tecapro. Tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo BHXH, Bưu điện các tỉnh, thành phố và các phòng ban, đơn vị liên quan.

Theo BHXH Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, toàn quốc đã thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa CSDL quản lý thu, sổ - thẻ với CSDL hộ gia đình cho trên 78,1 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT (đạt tỉ lệ 98,8%). Hầu hết các tỉnh đã cấp mã số BHXH đạt trên 98%, trong đó 24 tỉnh đạt 100%. Toàn quốc cũng đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho trên 70,2 triệu người (đạt tỉ lệ 90%) so với tổng số người đã được cấp mã số BHXH. Hầu hết các tỉnh đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH đạt trên 98% so với số người đã được đồng bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của BHXH các địa phương trong việc đồng bộ, cấp mã số BHXH; cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc, toàn quốc hiện vẫn còn gần 1 triệu người chưa có mã số BHXH và 9 triệu người chưa được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Do đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương, vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành các công việc này.

Cụ thể, về việc đồng bộ, cấp mã số BHXH cho người tham gia, BHXH các địa phương cần đốc thúc cán bộ chuyên quản rà soát, đôn đốc các đơn vị kê khai và cập nhật thông tin bổ sung trên Mẫu TK1-TS để cấp mã số BHXH cho người tham gia, quyết tâm hoàn thành công việc này trước ngày 31/03/2018. Sau thời gian này, cán bộ chuyên quản nào không hoàn thành công việc, thì yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tính vào bình xét thi đua của quý...

Về việc cấp thẻ BHYT, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện cấp đổi thẻ BHYT cho 100% người đã được đồng bộ mã số BHXH xong trước ngày 31/03/2018. Đồng thời, đến trước ngày 30/06/2018 phải hoàn thành 100% số người đang tham gia BHXH, BHYT được cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH. Sau thời gian này, cán bộ chuyên quản nào chưa cấp đổi xong thẻ BHYT theo mã số BHXH cho người tham gia, thì yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tính vào bình xét thi đua của năm.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố sau khi thực hiện đồng bộ, cấp mã số BHXH cho người tham gia, phải cấp đổi thẻ BHYT và trả ngay cho người tham gia. Kiểm soát và chịu trách nhiệm về dữ liệu khi in thẻ BHYT theo mã số BHXH cho người tham gia. Không để tình trạng cấp lại thẻ BHYT do sai thông tin cá nhân. Trường hợp người tham gia bị ảnh hưởng đến quyền lợi KCB do liên quan đến việc cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH, thì Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc.

Ông Chu Quang Hào - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện cũng chỉ đạo Bưu điện các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp với BHXH cùng cấp trong việc rà soát, đồng bộ, cấp mã số BHXH; bàn giao thẻ BHYT cho người tham gia đảm bảo chất lượng, tiến độ mà BHXH Việt Nam đề ra. Theo ông Hào, hiện nay, việc chuyển trả thẻ BHYT cho người tham gia đang được triển khai tương đối nhịp nhàng, nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Do đó, Bưu điện các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ.

"Khi nhận được thẻ BHYT từ cơ quan BHXH, Bưu điện các địa phương phải chuyển ngay đến tận tay người tham gia, chậm nhất trong vòng 3 ngày. Tổng Công ty sẽ thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị nào trả chậm, để tồn đọng sẽ xử phạt nghiêm khắc" - ông Hào nhấn mạnh.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IX. BHYT- Giải pháp quan trọng nhất giúp bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Tối 27/02, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Tăng cường y tế cơ sở- Hướng tới bao phủ sức khoẻ toàn dân” kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao… cùng tham dự chương trình.

Phát biểu tại chương trình, thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng, tri ân tới các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế - những người đang không quản ngại khó khăn, gian khổ chăm lo cho sức khỏe của người dân, người bệnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ với hệ thống các cơ sở y tế đều khắp từ trung ương tới cơ sở, nhiều BV, trung tâm y tế mới khang trang, hiện đại và đặc biệt là gần nửa triệu thầy thuốc, cán bộ y tế nắm chắc, tinh thông nghiệp vụ và tinh thần Hippocrates hết lòng trị bệnh cứu người. Trong số đó, nhiều thầy thuốc có uy tín được đồng nghiệp khu vực, quốc tế đánh giá rất cao.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới ban hành trong năm 2017 là tiến tới bao phủ BHYT, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo đó, tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chưa có bệnh và khi có bệnh thì được chữa trị sớm nhất.

“Một mặt cần tăng cường, phát huy thật hiệu quả hệ thống y tế cơ sở đều khắp - một thế mạnh của chúng ta so với nhiều nước. Đồng thời, cần mạnh dạn, sáng tạo, ứng dụng CNTT ngay từ y tế cơ sở để tiến tới tất cả các thông tin về sức khỏe của từng người được thu thập, lưu giữ an toàn, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho từng người và công tác quản lý của ngành y tế” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành đủ nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để ngành Y tế hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Tôi kêu gọi toàn xã hội, từng người dân cùng ủng hộ, chung tay với các thầy thuốc, cán bộ y tế để mỗi người đều ý thức đầy đủ và hành động cụ thể để sức khỏe của mình, vốn quý nhất của mình, của người thân và của cả nước được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao một cách hiệu quả nhất. Hãy thực hiện ngay, thực hiện đúng các khuyến nghị của cơ quan y tế, của bác sĩ về rèn luyện thân thể, sinh hoạt lành mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông, kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo đơn... Và cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là tham gia BHYT“ - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bao phủ sức khoẻ toàn dân là mơ ước không chỉ của Việt Nam, mà của các quốc gia trên toàn thế giới. Đó là nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính và thực hiện BHYT toàn dân. “Để làm được việc này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đầu mối là ngành y tế" - Bộ trưởng Tiến chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ rõ, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như người dân chưa nêu cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chỉ đến chữa bệnh khi đã mắc bệnh, chưa được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chưa tin tưởng vào chất lượng y tế cơ sở, vượt lên tuyến trên gây tốn kém và quá tải cho tuyến trên. Mặt khác, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất hiện nhiều bệnh dịch mới nổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, tai nạn giao thông, lạm dụng rượu bia, nghiện thuốc lá... là những nguy cơ gây bệnh, tạo gánh nặng cho y tế và kinh tế, trong khi hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặc biệt cho người cao tuổi dựa theo nguyên lý y học gia đình mới được triển khai thí điểm nên còn rất hạn chế...

Kêu gọi cán bộ y tế cần thường xuyên trau dồi chuyên môn, tu dưỡng y đức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Với nghề y, mang lại hạnh phúc cho người dân, chính là mang lại hạnh phúc cho chính mình”.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav