Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 04/2018

Bấm vào để phóng to

I. Cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới từ tháng 04/2018

Từ tháng 04/2018, trẻ em dưới 6 tuổi, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH sẽ được phát thẻ BHYT mẫu mới.

Đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, thẻ mới sẽ được in xong trong ngày 31/03 và sẽ được phát tận tay. Chậm nhất là đến cuối tháng 05, toàn bộ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn Hà Nội sẽ được nhận thẻ bảo hiểm mới.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi và người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, thẻ mới sẽ được phát tận tay, chậm nhất là đến cuối tháng 04. Sau khi có thẻ mới, để biết thông tin về thời hạn sử dụng thẻ, người dân có thể tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu).

(Nguồn: Vtv.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Quý I/2018: Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 03/2018 vừa được BHXH Việt Nam tổ chức chiều 27/03, tại Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản, Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); Bộ Y tế; Bộ LĐ-TB&XH; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Thông tin – Truyền thông; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; BHXH Hà Nội; cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, dự tính đến 31/03, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; BH thất nghiệp là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Về số thu, trong tháng 3, toàn ngành thu 30.779 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn ngành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó thu BHXH là 48.209 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 3.245 tỷ đồng; thu BHYT là 17.264 tỷ đồng.

Liên quan đến việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, ông Vũ Quốc Tuấn thông tin, trong tháng 03, toàn ngành giải quyết các chế độ BHXH cho 879.155 lượt người. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, 125.382 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.039.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Trong tháng 03, cả nước có khoảng 14,9 triệu lượt người KCB BHYT; lũy kế 3 tháng đầu năm, có trên 39 triệu lượt người KCB BHYT. Cũng trong tháng 03, ngành BHXH phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 26.195 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 2.060 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 3 tháng đầu năm, giải quyết cho 81.068 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 5.345 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Về chi trả chế độ, trong tháng 03, toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 17.923 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 03/2018, số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn Ngành là 68.279 tỷ đồng, trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách 11.073 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH 34.472 tỷ đồng, chi quỹ BH thất nghiệp 1.732 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 21.002 tỷ đồng.

Trong tháng 03, BHXH Việt Nam đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm toán nội bộ năm 2018; Kế hoạch Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành BHXH năm 2018; Chương trình công tác thông tin, truyền thông năm 2018; Quyết định về quy chế thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam; Công văn hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu; Công văn hướng dẫn điều chỉnh mục lục ngân sách chi hoạt động của ngành BHXH; Công văn hướng dẫn thực hiện dự toán chi KCB BHYT năm 2018…

Tháng 04 năm 2018, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức sơ kết và hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch số 214-KH/BKTTW ngày 09/01/2018 của Ban Kinh tế Trung ương; Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham gia hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương; phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế tham gia đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương, BHXH, chính sách người có công.

BHXH Việt Nam cũng thực hiện giao kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; dự toán thu chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho từng BHXH tỉnh, thành phố trên cơ sở các Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ cho ngành BHXH; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của BHXH Việt Nam; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện việc cấp mã số BHXH cho người tham gia trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; hoàn thiện dữ liệu và trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH; nghiên cứu dự thảo về mẫu và quy trình kiểm soát dữ liệu cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử….

Ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; Nghị quyết số 36a/NQ-CP năm 2015; Nghị định số 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ; phấn đấu mở rộng cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề nợ BHXH, cũng như tình trạng chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn. Tính đến hết quý I, số tiền nợ các loại bảo hiểm lên đến 10.000 tỷ đồng, trong khi tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ các loại bảo hiểm chỉ là 5.737 tỷ đồng.

Ông Mai Đức Thắng cho biết, thời gian qua BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH và đạt được nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp khi nhận được quyết định thanh tra đã trả nợ ngay, có doanh nghiệp khất, trả sau.

Ông Mai Đức Thắng cũng cho biết, ngành BHXH tiến hành quản lý chặt nợ BHXH của các doanh nghiệp FDI. Tính hết năm 2017, hơn 100 doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, mất tích, gây khó khăn cho hàng nghìn người lao động thuộc các doanh nghiệp này. Việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong quý 1, một số doanh nghiệp nước ngoài xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. Cơ quan BHXH cũng đã chốt sổ, giải quyết chế độ BHXH cho những người lao động này.

Theo ông Mai Đức Thắng, đầu tư về vốn liếng của các doanh nghiệp FDI không lớn nên khi thanh lý chưa trả đủ vốn vay các ngân hàng còn khoản nợ bảo hiểm không giải quyết được.

Về đóng BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người Việt Nam đi lao động nước ngoài, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết), khoản 2 Điều 2 Luật BHXH quy định: Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.

Nói về trách nhiệm của Bộ trong việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ông Trần Hải Nam cho hay, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đề xuất báo cáo Chính phủ về các giải pháp đảm bảo quyền lợi người lao động trước tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ngành BHXH có trách nhiệm nắm rõ đối tượng, thanh tra đóng và thường xuyên thông tin với các cơ quan có liên quan. Ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong giải quyết các chính sách chế độ BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Hà Nội: Bảo hiểm xã hội triển khai thanh toán điện tử từ tháng 07/2018

Dự kiến trong tháng 07/2018, thành phố Hà Nội sẽ khai thực hiện thanh toán điện tử đối với tất cả tài khoản thu tại các hệ thống Ngân hàng thương mại có ký hợp đồng hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Bảo hiểm xã hội thành phố.

Theo dự kiến trong tháng 03/2018, thành phố triển khai thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp các đơn vị sử dụng lao động do văn phòng Bảo hiểm xã hội TP quản lý thu thông qua thanh toán điện tử với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Hà Nội.

Tiếp đến tháng 07/2018, thành phố triển khai thực hiện thanh toán điện tử đối với tất cả tài khoản thu tại các hệ thống Ngân hàng thương mại có ký hợp đồng hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội.

Đối với viên chức BHXH thành phố, BHXH quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS và các dịch vụ thanh toán khác.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ đạt 100% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Thành phố sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Phát triển thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ (tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn); đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

(Nguồn: Baodautu.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Đề xuất mức phạt từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc với DN trốn đóng BHXH cho NLĐ

Đây là nội dung được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện dự thảo Nghị định đang được Bộ này tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ từ ngày 16/03 - 16/05/2018.

Thời gian vừa qua, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ đã góp phần thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều Luật có liên quan trực tiếp đến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, ban hành mới làm cho một số quy định trong 02 Nghị định trên không còn phù hợp với Luật nội dung, nhiều hành vi vi phạm mới, thẩm quyền xử phạt mới chưa được quy định để xử phạt, cụ thể như:

Luật BHXH 2014 thay thế Luật BHXH 2006, theo đó những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung, ngoài ra, Luật BHXH 2014 có bổ sung thẩm quyền xử phạt của cơ quan BHXH mà Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP chưa quy định.

Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 mới được ban hành, theo đó, những hành vi vi phạm hành chính về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung và nhiều hành vi vi phạm Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 chưa được quy định để xử phạt.

Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 được ban hành, theo đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn lao động, BHXH vừa bị xử lý hành chính, vừa bị xử lý hình sự; hoặc có hành vi vi phạm, để bị xử lý hình sự thì phải bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.

Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã cho thấy, 02 Nghị định trên gặp phải một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, an toàn, vệ sinh lao động và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đảm bảo tính răn đe; tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp khó khăn (đối tượng vi phạm chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt, hay một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao), khó khăn trong việc xác định tổ chức vi phạm hành chính.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành trong lĩnh vực lao động (trong đó có an toàn, vệ sinh lao động), BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm kịp thời đưa những quy định mới của pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Theo dự thảo, người sử dụng lao động nếu có hành vi chiếm dụng tiền trợ cấp BHXH của NLĐ thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, bắt buộc phải trả lại đầy đủ số tiền trợ cấp đã chiếm dụng cho NLĐ và nộp lại toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc sử dụng số tiền chiếm dụng.

Với những trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp hay trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp có thể bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, BH thất nghiệp nếu chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp hoặc trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp của toàn bộ NLĐ.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn quy định mức xử phạt của các hành vi khác liên quan đến tiền đóng và trợ cấp BHXH.

Dự thảo dự kiến được thông qua và có hiệu lực trong năm 2018, thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh

Ngày 22/03/2018, BHXH thành phố Hà Nội ban hành công văn số 660/BHXH-CST đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn phối hợp thực hiện các nội dung nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Theo ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc hoàn thiện công tác cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH. BHXH Thành phố đã và đang tiếp tục thực hiện việc cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH đúng quy định và hoàn thành trước ngày 31/03/2018.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB, BHXH Thành phố đề nghị các cơ sở KCB phối hợp thực hiện đối với các trường hợp: Người tham gia BHYT đã được cấp thẻ BHYT mới theo mã số BHXH nhưng vì lý do khách quan chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc đã nhận được thẻ BHYT mới nhưng vẫn dùng thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng để đi khám chữa bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận và giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhập thông tin cá nhân của mã thẻ mới trên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin Giám định BHYT và hướng dẫn người bệnh phải sử dụng thẻ BHYT mới khi đi khám chữa bệnh lần sau.

BHXH Thành phố cũng đề nghị các cơ sở KCB BHYT trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về BHXH Thành phố để thống nhất giải quyết.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở KCB trong việc tra cứu thông tin thẻ BHYT của người bệnh

Sau khi thống nhất với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký ban hành có Công văn 1677/BYT-BH ngày 28/03/2018 về việc hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngoài việc hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT trên Cổng tiếp nhận (https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn) hoặc Cổng Thông tin điện tử (https://baohiemxahoi.gov.vn) hoặc tra cứu trực tiếp thông quá các hàm giao diện lập trình ứng dụng – API đối với người có thẻ BHYT đến KCB, cũng như với các đối tượng Quân nhân, Công an nhân dân, Cơ yếu – tương ứng với thẻ BHYT có mã đối tượng QN, CA, CY mà không có thẻ BHYT trong trường hợp tra cứu bằng công cụ nêu trên thì chỉ kiểm tra thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện KCB theo quy định.

Công văn cũng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bệnh khi đi KCB BHYT.

Theo đó, Công văn hướng dẫn các cơ sở KCB xử lý trường hợp một số thông tin dữ liệu về thẻ BHYT thay đổi so với thông tin trên thẻ giấy trong quá trình BHXH Việt Nam đang rà soát, đồng bộ dữ liệu:

- Nếu thông tin trên thẻ BHYT khác thông tin tra cứu tại thời điểm người bệnh đến KCB thì các cơ sở KCB chỉ lập 01 Bảng kê chi phí KCB và 01 file dữ liệu điện tử, hiệu chỉnh theo thông tin đã tra cứu lần cuối. Đồng thời, thông báo cho người bệnh liên hệ cơ quan BHXH để thay đổi thẻ BHYT phù hợp với thông tin đã được cơ quan BHXH cập nhật.

- Nếu trong lúc điều trị, người bệnh có thay đổi thẻ BHYT khác với thông tin đã tra cứu thì cơ sở KCB lập hồ sơ thanh toán theo thông tin hành chính, mức hưởng của thẻ BHYT đã kiểm tra lúc người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, lập dữ liệu điện tử theo thông tin đã ghi nhận khi người dân đến KCB theo quy định của Chính phủ, cũng như cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho người bệnh.

- Nếu người bệnh được cấp Giấy chuyển tuyến sử dụng trong năm dương lịch có ghi mã thẻ BHYT khác mã thẻ tra cứu trên hệ thống điện tử thì không cần xin cấp lại Giấy chuyển chuyến. Cơ sở KCB và cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận và không yêu cầu người bệnh phải xin cấp lại Giấy chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, nếu thẻ BHYT của người bệnh gần hết giá trị sử dụng khi KCB, cơ sở KCB có trách nhiệm thông báo cho người bệnh hoặc thân nhân và cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB để người bệnh được gia hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB phải nghiêm túc thực hiện quy định chuẩn và quy định dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Quyết định 4210/QĐ-BHYT ngày 20/09/2017 của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Qua Công văn 1677/BYT-BH, Bộ Y tế đã khẳng định tin học hóa trong quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav