Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện Tử tháng 05/2018

Bấm vào để phóng to

I. Từ 01/05, toàn bộ văn bản BHXH Việt Nam được số hóa

Từ 01/05, toàn bộ văn bản BHXH Việt Nam được số hóa - Đây là một nội dung vừa được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố tập trung triển khai tại các phần mềm quản lý nghiệp vụ và phần mềm quản lý nội bộ của BHXH Việt Nam.

Từ 01/06/2018, toàn bộ văn bản đến, đi; soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc; trình ký, phát hành văn bản sử dụng chữ ký số chuyên dụng của Ban Cơ yếu Chính phủ (trừ văn bản mật và một số văn bản cá biệt có quy định riêng của Ngành) phải được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng yêu cầu Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Tổng Giám đốc ban hành quyết định về việc đưa vào sử dụng và vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành phiên bản 1.0 trong toàn Ngành (hoàn thành trước 16/05/2018); tham mưu ban hành quy định tạm thời việc quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống BHXH Việt Nam (hoàn thành trước 16/05/2018). Trong đó quy định rõ: Quy trình xử lý văn bản đi, đến; soạn thảo, trình ký văn bản sử dụng chữ ký số chuyên dụng; danh mục các loại văn bản phát hành theo hình thức điện tử hoặc bắt buộc phải phát hành bằng văn bản bản giấy; đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý vướng mắc cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện; phân công cán bộ thường trực, giúp việc Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc xử lý văn bản điện tử trong thời gian đầu; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các hoạt động, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; đồng thời phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng bổ sung tiêu chí “quản lý sử dụng văn bản điện tử” trong đánh giá, xếp loại thi đua năm 2018 của các đơn vị.

Trung tâm CNTT phối hợp với đơn vị phát triển phần mềm cài đặt và hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dụng cho cá nhân, tập thể được cấp chữ ký số; cập nhật, điều chỉnh chức danh quản lý của người sử dụng; thu hồi, đổi, cấp lại trong các trường hợp ngừng việc, mất, hỏng… theo quy định tại Quyết định số 54/QĐ-BHXH ngày 05/01/2018 của Tổng Giám đốc về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong ngành BHXH. Tiếp tục làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ để cấp chữ ký số chuyên dụng cho cán bộ là Phó Trưởng phòng thuộc BHXH tỉnh, thành phố; Phó Giám đốc BHXH cấp huyện; nghiên cứu, đề xuất việc cấp chữ ký số nội bộ cho viên chức còn lại trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam.

Đơn vị phát triển phần mềm tiếp tục hoàn thiện, xử lý các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai phần mềm; bố trí nhân lực phối hợp với Văn phòng thường trực hỗ trợ các đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai phần mềm. Phối hợp với Trung tâm CNTT xây dựng và triển khai chữ ký số nội bộ cho tập thể, cá nhân không được cấp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc triển khai, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành, đặc biệt là việc khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý, công tác chỉ đạo, điều hành; chia sẻ dữ liệu cho các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố; kết nối với các đơn vị ngoài Ngành trên trục liên thông, theo kiểu kiến trúc Chính phủ điện tử.

Trung tâm CNTT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Tổng Giám đốc ban hành quyết định về quy chế quản lý, khai thác, bảo mật thông tin, dữ liệu trên hệ thống dữ liệu điện tử của ngành BHXH. Là đầu mối quản lý tập trung cơ sở dữ liệu ngành BHXH; thực hiện chia sẻ thông tin cho các đơn vị liên quan; đảm bảo phát huy hiệu quả và nâng cao khả năng khai thác, phân tích dữ liệu của hệ thống; tổng hợp vướng mắc của các đơn vị và đề xuất với lãnh đạo Ngành việc sửa đổi, nâng cấp các phần mềm phù hợp với yêu cầu quản lý của Ngành (không được tự ý yêu cầu đơn vị phát triển phần mềm hiệu chỉnh). Phối hợp với các đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn và đơn vị phát triển phần mềm nghiên cứu, tham mưu trình lãnh đạo Ngành phương án quản lý hệ thống tư vấn phục vụ khách hành theo hướng “tổng đài kết nối, trả lời tự động”.

Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc phối hợp với Trung tâm CNTT và đơn vị phát triển phần mềm xây dựng các module phân tích, đánh giá dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, trên cơ sở yêu cầu của các đơn vị liên quan. Khi phát hiện những cảnh báo bất thường từ Hệ thống thông tin giám định BHYT thì kịp thời tổng hợp, báo cáo Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc; đồng thời cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan, BHXH các tỉnh để phối hợp kiểm tra, xác minh lại tại cơ sở. Tổng hợp các yêu cầu khai thác thông tin dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Dược và VTYT; Vụ Thanh tra - Kiểm tra để phối hợp với Trung tâm CNTT và đơn vị phát triển phần mềm xây dựng, bổ sung các tiện ích trên phần mềm hệ thống.

Vụ Thi đua - Khen thưởng tiếp tục phối hợp với Trung tâm CNTT và đơn vị phát triển phần mềm hoàn thiện phần mềm thi đua khen thưởng của Ngành; nghiên cứu việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm thi đua khen thưởng.

(Nguồn: Nguoilambao.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Sắp thí điểm triển khai chữ ký số tại 5 bệnh viện

Cục CNTT (Bộ Y tế) sẽ hỗ trợ thí điểm triển khai chữ ký số tại 5 bệnh viện gồm Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy.

Theo tin từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, mới đây Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ TT&TT, một số bệnh viện và các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã họp bàn đề xuất giải pháp ứng dụng chữ ký số trong các cơ sở y tế.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Cục Công nghệ thông tin muốn lắng nghe những ý kiến trao đổi, đánh giá, góp ý về các tồn tại, bất cập và nguyên nhân chính, các kiến nghị về chính sách, về công tác tổ chức quản lý hoạt động ứng dụng và phát triển chữ ký số trong các cơ sở y tế một cách thẳng thắn, đa chiều của các đơn vị chuyên môn về chữ ký số, các doanh nghiệp CNTT và các cơ sở khám chữa bệnh để cùng phối hợp đề xuất giải pháp ứng dụng chữ ký số trong các cơ sở y tế một cách hiệu quả.

Bộ Y tế đã ban hành các chính sách thúc đẩy sử dụng chữ ký số như Quyết định số 5452/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 về việc Ban hành Quy định sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong văn bản điện tử của Bộ Y tế. Bộ đang dự thảo Quy chế Quản lý chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng của Bộ Y tế. Xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý chứng thư số chuyên dùng của Bộ Y tế.

Hiện nay tại cơ quan Bộ Y tế, 100% các đơn vị được cấp chữ số đều sử dụng trong trao đổi văn bản. 34 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế đã triển khai sử dụng chữ ký số. Ngoài ra, một số đơn vị trong Bộ Y tế đã sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp sử dụng vào Kê khai thuế, Bảo hiểm Y tế, Hải Quan một cửa. Chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến đã ứng dụng trên 377 thủ tục hành chính thực hiện tại cơ quan Bộ Y tế (các Vụ, Cục, Tổng cục…) 100% các dịch vụ hành chính công của Bộ đã được cung cấp ở mức độ 2 trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 34 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…

Tuy nhiện, triển khai ứng dụng chữ ký số trong các công tác khám chữa bệnh để thực hiện bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ, thực hiện thanh toán – giám định bảo hiểm y tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cục CNTT tổ chức cuộc họp, trao đổi này là một bước chuẩn bị quan trọng giúp Bộ Y tế hướng tới “Triển khai chữ ký số trong các công tác khám chữa bệnh để thực hiện bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ, thực hiện thanh toán – giám định bảo hiểm y tế”.

Tại cuộc họp, các đại biểu đi đến thống nhất một số nội dung quan trọng như: Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ TT&TT phối hợp với Cục CNTT, Bộ Y tế hỗ trợ thí điểm triển khai chữ ký số tại 5 bệnh viện gồm Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy. Cục CNTT phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn thành lập ban soạn thảo “Thông tư hướng dẫn sử dụng chữ ký số trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định: "Không có chuyện mất cân đối Quỹ BHXH"

Chiều 03/05, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo về Phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm đã được đại diện các bộ, ngành làm rõ; đặc biệt là vấn đề an toàn nguồn quỹ BHXH...

Không có chuyện "vỡ" quỹ BHXH

Tại buổi họp báo, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi: Tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, đại diện Bộ LĐ - TB&XH đã giới thiệu sơ bộ về Đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Vậy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có liên quan tới dự báo quỹ BHXH mất cân đối vào năm 2025 hay không?

Trả lời vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: "Về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng trình Trung ương, Chính phủ liên quan đến Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện, tôi xin khẳng định không có chuyện đến 2025 mất cân đối thu - chi quỹ BHXH".

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, thông tin mất cân đối quỹ BHXH vào năm 2025 là do trước đây Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có tính toán, nhưng đó là những tính toán trước khi có Luật BHXH năm 2014. Như đã biết, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thay đổi rất nhiều về cách tính các chế độ BHXH. Do đó, hiện nay, những tính toán, dự báo trên của ILO không còn chính xác nữa. Thời gian cụ thể chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán và cung cấp thông tin sau. Tóm lại, không có chuyện quỹ BHXH mất cân đối vào năm 2025 - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết thêm, BHXH Việt Nam là cơ quan được tham gia xây dựng Đề án cải cách tiền lương, Đề án cải cách BHXH. Tất cả các thành viên khi xây dựng đề án liên quan tới tuổi nghỉ hưu đều cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ vấn đề cân đối quỹ BHXH. Cụ thể như các yếu tố: Kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới…

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Sẽ triển khai phương án cấp bù lương hưu cho lao động nữ

Đây là ý kiến được Bộ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên toàn thể lần thứ 8 vừa được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) tổ chức ngày 23/04, tại Hà Nội. Trong chương trình làm việc của phiên họp lần này, Ủy ban sẽ nghe báo cáo về tình hình xây dựng Đề án Cải cách BHXH do Chính phủ xây dựng chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 05/2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thuý Anh dự và chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng; Hội LHPN Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam...

Báo cáo trước các thành viên Ủy ban, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Đề án Cải cách BHXH được xây dựng trong hai năm vừa qua, và đến nay, về cơ bản Đề án đã hoàn tất với 02 phương án đặt ra: Phương án thứ nhất dự kiến sẽ cải cách về BHXH; phương án thứ hai dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tinh thần chung của Đề án là nhằm tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hướng tới mục tiêu trên, Đề án đang được xây dựng với một số nội dung cụ thể như:

Thứ nhất, thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 03 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, do Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để đảm bảo lương hưu xã hội; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là BHXH bổ sung, thực hiện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho NLĐ đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn.

Thứ hai, sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện nay, Luật BHXH đang quy định NLĐ có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm rồi nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH, và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu - là rất thiệt thòi. Do đó, trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).

Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách cũng như tính linh hoạt trong thực hiện chính sách BHXH.

Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho người tham gia BHXH.

Thứ năm, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. Lý giải về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020 phải đảm bảo phát triển được 50% số NLĐ tham gia BHXH. Tuy nhiên, hiện 66% lao động nước ta lại đang nằm ở khu vực phi chính thức. Do đó, phải thực hiện có hiệu quả quá trình dịch chuyển này.

Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, cần TƯ quyết định, sau đó Chính phủ mới trình xem xét sửa đổi Luật BHXH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần phải có lộ trình để không gây sốc cho xã hội. Đơn cử như bài học về nâng tuổi nghỉ hưu của Ý: Nước này từng điều chỉnh 04 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm, gây sốc cho xã hội và làm thay đổi cơ cấu lao động của nước này. Sau đó, nước bạn đã phải có động thái điều chỉnh lại chính sách.

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Bộ LĐ - TB&XH thiết kế hai phương án trong Đề án trình, cụ thể như sau:

Phương án một: Nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 03 tháng.

Phương án hai: Lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, với lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 04 tháng.

Về việc điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ từ ngày 01/01/2018, theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, việc thay đổi cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2018 đã bộc lộ bất cập nhất định khi chỉ sau 01 đêm, từ 31/12/2017 đến 01/01/2018, cùng là phụ nữ với cùng số năm công tác 25 năm, nhưng chỉ chênh nhau 01 ngày (mốc thời gian tính hưởng lương hưu) thì có gần 3.000/21.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ mất từ 2-10% mức lương hưu/tháng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong Hội nghị bình đẳng giới gần đây, Bộ này đã có báo cáo tiếp thu và báo cáo trình Quốc hội, sau đó báo cáo Chính phủ. Tháng 03/2018, Tổng thư ký Quốc hội đã có ý kiến chính thức về nội dung này. Theo đó, Bộ LĐ - TB&XH sẽ không đề nghị sửa Luật BHXH, mà nếu có tính đến phương án sửa Luật thì phải đợi sau khi Đề án Cải cách tiền lương được thông qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán đưa ra phương án sẽ cấp bù để nhóm lao động nữ chịu ảnh hưởng bởi chính sách này đỡ thiệt thòi. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 05/2018 và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án này.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Hoàn thiện quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc

Chiều 24/04, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị xin ý kiến góp ý xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2015 đối với giá dịch vụ BHYT và Thông tư số 02 ngày 15/03/2017 cho giá dịch vụ ngoài BHYT; trong đó đã quy định mức giá dịch vụ y tế gồm 2/4 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Đến nay, cả nước đã thực hiện mức giá dịch vụ y tế bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, sau khi ban hành Thông tư 37, do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên sau khi thống nhất với BYT và BHXHVN; Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn gồm: Công văn 824/BYT-KH-TC ngày 16/02/2016, công văn 1044/BYT-KH-TC ngày 29/02/2016, công văn 7117/BYT-KH-TC ngày 27/09/2016. Bên cạnh đó, có một số đơn vị có lượt khám bệnh/1 bàn khám cao hơn định mức; một số đơn vị có tỉ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá...

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, địa phương, thời gian qua, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc họp bàn về việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh giá tại Thông tư 37. Phương án sửa đổi đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý, dự kiến sẽ chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 15/05/2018, trong đó hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá. Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 39 dịch vụ (như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm).

Giai đoạn 2, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sau hội nghị, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện để ban hành Thông tư trong tháng 05/2018 theo chỉ đạo của Chính phủ. Những nội dung chưa đồng thuận sẽ để lại để xem xét ban hành bổ sung sau. Trước mắt, Thông tư chỉ điều chỉnh, bổ sung những dịch vụ đã khảo sát và thấy cần điều chỉnh giá. Các dịch vụ còn lại, mặc dù BHXH Việt Nam và các đơn vị, địa phương có đề xuất, nhưng do chưa khảo sát, xây dựng lại định mức, nên sẽ để lại xem xét, điều chỉnh sau.

Do vậy, dự thảo Thông tư trước mắt tổng hợp lại các nội dung hiện đang hướng dẫn thực hiện tại các văn bản hướng dẫn trước đó (Công văn 824/BYT-KH-TC ngày 16/02/2016, công văn 1044/BYT-KH-TC ngày 29/02/2016, công văn 7117/BYT-KH-TC ngày 27/09/2016); điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh và 39 dịch vụ kỹ thuật; hướng dẫn thanh toán đối với một số trường hợp vượt định mức tính giá.

Theo dự thảo Thông tư 37 mà Bộ Y tế đang soạn thảo, giá DVYT hiện đang tính theo mức lương cơ bản là 1,15 triệu đồng. Giá khám bệnh đồng loạt giảm ở các hạng BV so với Thông tư 37 (áp dụng từ ngày 01/07/2016). Trong đó, BV hạng đặc biệt và hạng 1 giảm từ 39.000 đồng/lượt xuống còn 35.000 đồng/lượt; BV hạng 2 giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 29.000 đồng/lượt; BV hạng 3 giảm từ 31.000 đồng/lượt xuống còn 23.000 đồng/lượt; BV hạng 4 giảm từ 29.000 đồng/lượt xuống còn 20.000 đồng/lượt... Tuy nhiên, số lượt khám/bàn khám/ngày khám trung bình được tính theo đơn giá này tại BV hạng 2 đã tăng từ 45 lên 55 lượt, BV hạng 3, 4 từ 35 - 37 lên 55 lượt, trạm y tế xã tạm tính là 30 lượt/ngày.

Về giá ngày giường bệnh, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Qua kiểm tra, thống kê tại các BV cho thấy, thời gian qua, có những BV kê thêm giường nhưng không có bệnh nhân; không sử dụng hết giường kế hoạch, nhưng vẫn kê thêm. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kê thêm giường nhưng không sử dụng. Ông Liên lưu ý, mức tính định mức nhân lực theo giường thực kê không có ý nghĩa, lãnh đạo các sở y tế và BV nên kê đúng công suất giường bệnh, nếu quá tải thì kê thêm, nhưng không để dư thừa.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37, Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh giá các BV hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên, còn các BV hạng 2, 3, 4 giảm xuống, tuy nhiên, mức giảm không nhiều. Cụ thể, ở BV hạng đặc biệt giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc điều chỉnh từ 362.800 đồng/ngày lên 425.100 đồng/ngày... Đối với BV hạng 1, giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 632.200 đồng/ngày lên 710.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc điều chỉnh từ 335.900 đồng/ngày lên 404.000 đồng/ngày... Giá giường của trạm y tế xã cũng dự kiến được điều chỉnh từ 54.000 đồng lên 86.000 đồng.

Trong khi trước đó, dựa trên khảo sát của mình, BHXH Việt Nam đề nghị mức giá giường bệnh tại các hạng BV bằng 70% giá của Thông tư 37.

Về điều chỉnh giá các DVKT như: X-Quang, CT, MRI, siêu âm và nội soi tai mũi họng, Bộ Y tế cũng dự kiến điều chỉnh mức tăng lên bằng 120% định mức tính giá của Thông tư 37.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung cần điều chỉnh như: Quy định cụ thể các nội dung chi phí trực tiếp được tính trong mức giá khám bệnh (gồm: găng tay, mũ, khẩu trang, điện nước, duy tu, bảo dưỡng máy...); quy định nội dung xác định số lần và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; việc điều chỉnh giá khám bệnh theo hạng bệnh viện; cách tình ngày nằm viện...

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav