Lương tối thiểu phải “sống được tối thiểu”

Bấm vào để phóng to

Công nhân hưởng lương hưu thấp là điều không tránh khỏi. Đó là bởi các lý do sau: Mức tiền lương tối thiểu vùng còn thấp; mức tiền lương tham gia BHXH không cao và cách tính tiền lương hưu là bình quân của cả quá trình tham gia BHXH.

Lương hưu sẽ giảm ý nghĩa nếu một bộ phận công nhân về hưu sống quá khó khăn.

Ảnh minh họa

Khắc phục điểm bất hợp lý

Với mức giá cả, chi phí sinh hoạt như hiện nay thì mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (2.700.000 đồng/tháng ở vùng 1) chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo như Điều 91 Bộ luật Lao động quy định. Mức lương tối thiểu vùng này chỉ bằng 60% - 65% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, mức tiền lương tối thiểu vùng lại là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng các mức lương trả cho người lao động.

Theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, tùy theo mức độ phức tạp và điều kiện làm việc thì tiền lương trả cho người lao động cao hơn tiền lương tối thiểu vùng ít nhất 5% - 12%. Thực tế trong thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp chỉ áp dụng mức lương cao hơn 5% - 12% so với tiền lương tối thiểu vùng (2.835.000 đồng - 3.033.000 đồng) đúng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, mức tiền lương tham gia BHXH cũng không cao. Mức tiền lương tối thiểu vùng được doanh nghiệp dùng làm cơ sở để trích nộp BHXH. Thực tế ngoài tiền lương chính theo hợp đồng lao động, hầu hết doanh nghiệp đều có những khoản phụ cấp hoặc hỗ trợ khác nhằm tăng thu nhập của người lao động, đảm bảo mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và để thu hút lao động. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chỉ căn cứ vào mức lương cơ bản để tham gia BHXH. Điều này chưa phù hợp theo quy định pháp luật (Điều 90 BLLĐ)…

Để tránh có sự chênh lệch giữa tiền lương tham gia BHXH và lương thực tế quá lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Chính phủ cần có quy định cụ thể những khoản phụ cấp, hỗ trợ nào sẽ làm căn cứ trích nộp BHXH. Nếu quy định trích nộp BHXH: trên tổng thu nhập (bao gồm cả các khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ đời sống vật chất người lao động như: tiền cơm, xăng xe, nhà trọ, nuôi con nhỏ…) cũng không phù hợp có thể dẫn đến doanh nghiệp sẽ giảm mức tiền hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, Chính phủ cũng quy định mức phạt đối với những doanh nghiệp không áp dụng đúng quy chế trả lương, nâng bậc lương người lao động.

Cách tính tiền lương hưu là bình quân của cả quá trình tham gia BHXH cũng dẫn đến tình trạng công nhân hưởng lương hưu thấp. Mức tiền lương tối thiểu vùng thực sự chỉ được điều chỉnh hàng năm kể từ năm 2006 đến nay (từ mức 626.000 - 2.700.000 đồng). Trước đó, trong suốt quãng thời gian từ năm 1996 - 2006, mức tiền lương tối thiểu vùng chỉ từ 556.000 - 626.000 đồng (tương đương 45USD), mức lương này áp dụng kéo dài 10 năm. Với mức tiền lương như vậy, việc tính tiền lương bình quân của cả quá trình tham gia BHXH (20 năm) dẫn đến việc hưởng lương hưu thấp là điều không tránh khỏi.

Tăng cường xử phạt doanh nghiệp vi phạm

Với mức lương hưu thấp như nêu trên, không chỉ người lao động khu vực ngoài nhà nước mà cả khu vực nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, TP sẽ đối mặt với nhiều thách thức để đảm bảo an sinh xã hội. Đó là vấn đề chăm sóc sức khỏe người hưởng lương hưu (người hưởng lương hưu vẫn phải thực hiện đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh BHYT).

Với những trường hợp chi phí nằm ngoài danh mục BHYT thì với mức lương hưu quá thấp như vậy sẽ gây khó khăn cho người hưởng lương hưu, TP sẽ phải có chính sách hỗ trợ. Chắc chắn, số lượng người thuộc chuẩn nghèo sẽ tăng, tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng tăng.

Trước tình trạng này, theo tôi, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần tư vấn cho Chính phủ ban hành tiền lương tối thiểu vùng sát với mức tiền lương trên thị trường lao động, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Chính phủ cần quy định và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: doanh nghiệp không xây dựng quy chế nâng bậc lương hoặc có xây dựng nhưng không áp dụng đúng quy chế nâng bậc lương cho người lao động; hành vi trả lương không đúng theo thang bảng lương đã xây dựng.

Chính phủ cần có quy định cụ thể các khoản phụ cấp, hỗ trợ làm căn cứ tham gia BHXH. Có quy chế giám sát giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH trong việc chi trả tiền lương cho người lao động và tiền lương làm căn cứ trích nộp BHXH để hạn chế việc áp dụng 2 mức lương (lương thực tế và lương đóng BHXH). Quản lý có hiệu quả nguồn thu BHXH, tránh thất thoát quỹ.

Vai trò của các cấp công đoàn rất lớn. Tổ chức công đoàn các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền về việc tham gia BHXH; hiện nay vẫn có một bộ phận người lao động không muốn tham gia BHXH vì phải trích 10,5% tiền lương hoặc đồng ý thỏa thuận với người sử dụng lao động trích nộp BHXH theo mức lương cơ bản. 

Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam