Bản tin Thuế tháng 05/2018

Bấm vào để phóng to

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 04/2018

Bkav xin thông báo, do hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai tháng 04/2018 trùng với ngày nghỉ (ngày Chủ nhật) nên theo Quy định tại khoản 4 điều 8 thông tư số 156/2013/TT-BTC "Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó".

Như vậy, hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai tháng 04/2018thứ Hai ngày 21/05/2018. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn.

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai trước thời gian hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng xem Hướng dẫn xử lý vấn đề thường gặp tại địa chỉ http://hd.noptokhai.vn. Quý Khách hàng cũng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, để tham khảo Hướng dẫn và trao đổi các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng, Quý Khách hàng truy cập Fanpage Bkav CA tại địa chỉ https://www.facebook.com/BkavCA.

II. Những chính sách mới có hiệu lực từ Tháng 05/2018

Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Doanh nghiệp Nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu; Quy định mới về khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN; Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng; Bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được dùng nội bộ; Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày; Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 05/2018.

Doanh nghiệp Nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu

Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu là nội dung quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, có hiệu lực từ 01/05/2018.

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm… Đối với các dự án doanh nghiệp Nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, vận tải đường sắt… sẽ không được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp kể từ thời điểm 01/05/2018.

Quy định mới về khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN

Theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch là 650.000 đồng

Mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế/nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư 33/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 14/05/2018.

Đối với thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi, và cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 03 triệu, 02 triệu và 1,5 triệu đồng/Giấy phép.

Riêng Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, lệ phí cấp mới là 03 triệu đồng và cấp lại, điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu/Giấy phép.

Được công nhận hạng khách sạn 3 sao, phải nộp 2 triệu tiền phí

Theo Thông tư 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 02 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.

Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 01 triệu đồng/hồ sơ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/05/2018.

Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/03/2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 48 chỉ rõ: Phạt tiền từ 90 triệu - 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng. Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60 triệu - 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 triệu - 20 triệu đồng như trước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/05/2018.

Không có nợ xấu trong 3 năm được cấp tín dụng vượt hạn mức

Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…

Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; Số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; Số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.

Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

- Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích.

- Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/05/2018, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng

Từ 01/05, tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30 triệu lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu lên 100 triệu với tổ chức. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất…

Với hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán bị phạt đến 10 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Kế toán được hưởng phụ cấp trách nhiệm hàng tháng

Theo quy định tại Thông tư 04/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ, người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.

Kế toán trưởng tại Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan; cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày

Theo quy định mới về hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm

Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có website; hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia; hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết khiếu nại; có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/05/2018.

Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được tại Thông tư 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/03/2018.

Trong đó, đáng chú ý là các phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được bao gồm: ô tô buýt loại thông dụng đến 80 chỗ ngồi, ô tô điện, ô tô con đến 9 chỗ ngồi, xe chở nhiên liệu, ô tô cứu thương…

Ngoài ra còn có danh sách 366 máy móc, thiết bị bao gồm: nồi hơi các loại, nồi hơi tàu thủy, động cơ diesel, máy bơm nước thủy lợi, quạt công nghiệp, máy nén khí, lò đốt rác thải sinh hoạt…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành Danh mục 113 vật tư xây dựng; 678 mặt hàng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế; 197 linh kiện, phụ tùng ô tô… trong nước đã sản xuất được.

Các Danh mục hàng hóa trên là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; đối tượng miễn thuế nhập khẩu; được áp dụng chung và không phụ thuộc mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

6 tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 49/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định 6 tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Kiểm định viên phải là có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt; Tốt nghiệp đại học trở lên; Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực giáo dục; Hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2; Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Tính đến ngày 31/12/2018, người được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng cơ sở dạy nghề trước ngày 15/05/2018 và là thành viên Đoàn kiểm định chất lượng dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề thành lập thì:

+ Được xem như hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

+ Được tham gia đoàn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

+ Được xem là kiểm định viên khi đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

Bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được dùng nội bộ

Một số quy định về hoạt động in tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP đã được Chính phủ sửa đổi theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Cụ thể, Nghị định đã bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được dùng để kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi sử dụng.

Nghị định cũng bổ sung quy định về chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu, theo đó, khi chuyển nhượng máy phải có hồ sơ gửi đến UBND cấp tỉnh nơi đã xác nhận đăng ký máy đó. Tương tự, khi thanh lý máy, tổ chức, cá nhân sử dụng máy đã đăng ký, khi thanh lý phải có văn bản thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in nơi đã đăng ký máy.

Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 01 năm/lần thay vì 06 tháng/lần như trước đây.

Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động từ 01/05

Từ 01/05/2018, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút (Trước đây, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500 đồng - 550 đồng/phút).

Đối với mạng điện thoại cố định nội hạt có cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút.

Các quy định trên được nêu tại Thông tư 48/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường là nội dung được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này…

Nghị định có hiệu lực ngày 01/05/2018.

(Nguồn: Luatvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng HTKK 3.8.3, iHTKK 3.6.3

Tổng cục Thuế vừa nâng cấp các ứng dụng về thuế nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư số 324/2016/TT-BTC và Công văn số 1225/TCT-KK về việc hướng dẫn thực hiện hệ thống MLNSNN và một số nội dung nghiệp vụ mới.

Theo đó, các ứng dụng được nâng cấp gồm: Ứng dụng hỗ trợ kê khai mã vạch (HTKK) phiên bản 3.8.3;

Nhận tờ khai mã vạch tập trung (NTK_TMS) phiên bản 2.5.7;

Khai thuế qua mạng (iHTKK) phiên bản 3.6.3;

Hỗ trợ đọc, xác minh tờ khai, thông báo thuế định dạng XML (iTaxViewer) phiên bản 1.4.5;

Dịch vụ thuế điện tử (eTax) phiên bản 1.4.3; Quản lý thuế tập trung (TMS) phiên bản 2.9.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Ngành Thuế tiếp tục mở rộng Hệ thống Dịch vụ thuế điện tử

Tổng cục Thuế vừa có văn bản 1314/TCT-CNTT thông báo Kế hoạch triển khai mở rộng Hệ thống Dịch vụ thuế điện tử (eTax).

Theo văn bản, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai mở rộng eTax các Cục Thuế, Chi cục Thuế trực thuộc tại 13 tỉnh gồm: Lào Cai, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái. Bên cạnh đó, đào tạo bổ sung một số nội dung cho 2 tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh; nâng cấp Hệ thống eTax cho 2 tỉnh trên. Đối với triển khai dành cho doanh nghiệp, Hệ thống eTax thay thế hệ thống iHTKK, NTĐT và bổ sung các chức năng về quản lý tài khoản doanh nghiệp, tra cứu nghĩa vụ kê khai, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu số thuế còn phải nộp. Đối với ứng dụng triển khai dành cho cá nhân, Hệ thống eTax cung cấp chức năng khai tờ khai cho thuê tài sản (01/TTs); Các tờ khai quyết toán thuế TNCN dành cho cá nhân và tổ chức chưa sử dụng chữ ký số.

Về kế hoạch triển khai cụ thể, văn bản nêu rõ, việc chuyển đổi dữ liệu sẽ được thực hiện từ 10/03/2018 đến ngày 06/05/2018. Cục Công nghệ thông tin (Cục CNTT) - Tổng cục Thuế đang chuyển đổi dữ liệu từ thời điểm 31/12/2013 đến hết năm 2017, dữ liệu từ năm 2018 sẽ được chuyển đổi xong trước ngày đưa hệ thống vào hoạt động.

Tổng cục Thuế triển khai đào tạo từ ngày 18/04/2018 đến ngày 20/04/2018. Các Cục Thuế sẽ tổ chức đào tạo lại cho cán bộ thuế và thực hiện công tác tuyên truyền từ ngày 21/04/2018 đến ngày 04/05/2018.

Việc nâng cấp hệ thống và đối soát từ 05/05/2018 đến ngày 06/05/2018. Ngay sau đó ngày 07/05/2018, Hệ thống eTax sẽ đi vào hoạt động thay thế cho hệ thống iHTKK, NTĐT tại 13 tỉnh trên.

(Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Khoảng 260.000 DN và 110.000 hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử

Sau một thời gian triển khai thí điểm hóa đơn điện tử (HĐĐT) có thể nhận thấy, những ưu điểm nổi bật đó là tiết giảm chi chí, phòng chống được gian lận, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành Nghị định về HĐĐT để tạo hành lang pháp lý, triển khai nhân rộng trong toàn quốc.

Cần thiết phải có nghị định về HĐĐT

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong năm 2017 Tập đoàn Điện lực đã sử dụng 289 triệu HĐĐT; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) khoảng 96 triệu hoá đơn/năm; Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và 63 chi nhánh tỉnh, TP đã sử dụng trung bình 3,5 triệu số hóa đơn/tháng, tương đương với 42 triệu số/năm. Số lượng HĐĐT của Tổng công ty hàng không Việt Nam là 2 triệu hóa đơn/năm. Việc triển khai HĐĐT và thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho DN, hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Bên cạnh đó, khách hàng có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, do đó không phải lưu trữ, bảo quản. Đối với DN sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, ưu điểm dễ nhận thấy là không phải làm thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành hóa đơn, sử dụng ngay hóa đơn khi đăng ký.

Mặc dù đã đem lại những kết quả tích cực, song hành lang pháp lý hiện hành về hoá đơn (Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP về hoá đơn) sau 7 năm đã bộc lộ những hạn chế. Đó là, quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng chủ yếu để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy đã không còn phù hợp trong bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử. Theo đó, 2 nghị định này chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi HĐĐT trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến đã tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, để thành lập nhiều DN, hoặc mua lại DN nhằm mua bán hoá đơn và gian lận tiền hoàn thuế.

Để khắc phục những bất cập này, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành nghị định quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc ban hành nghị định về HĐĐT sẽ đảm bảo các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính thuế, hướng đến quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn, đồng thời hạn chế được việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế.

DN, hộ cá nhân nào phải áp dụng HĐĐT?

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ một (01) tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT. Ước tính, cả nước hiện có khoảng 110.000 hộ, cá nhân kinh doanh và 260.000 DN có doanh thu/năm trên 1 tỷ đồng. Riêng đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm trước liền kề từ một (01) tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoặc được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề dưới một (01) tỷ đồng nếu có nhu cầu, có thể đăng ký sử dụng HĐĐT.

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có doanh thu năm dưới một (01) tỷ đồng) phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng, chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế. Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sẽ dành phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin HĐĐT cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc cấp mã của cơ quan thuế trên HĐĐT dựa trên thông tin của DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn. Đối với tổ chức, cá nhân ở những địa bàn khó khăn hoặc không có điều kiện để thực hiện lập HĐĐT, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc khởi tạo để sử dụng HĐĐT, hoặc phải mua hoá đơn giấy do cơ quan thuế phát hành để quản lý, sử dụng (trong thời gian 18 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành).

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay các DN trong các lĩnh vực điện, viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm… đã thực hiện giao dịch điện tử với khách hàng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất để các DN này tiếp tục sử dụng HĐĐT.

Dự thảo nghị định cũng quy định khi áp dụng HĐĐT thì DN, hộ kinh doanh truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký. Không áp dụng hình thức đăng ký thủ công bằng cách gửi văn bản giấy tới cơ quan thuế. Trong thời hạn 1 ngày, cơ quan thuế phải có phản hồi gửi DN.

Một vấn đề được các DN quan tâm đó là, nếu sử dụng HĐĐT sẽ phải phải giải trình thế nào khi bị kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo nghị định quy định, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT để phục vụ công tác quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.

(Nguồn: Gdt.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ cắt giảm 14 điều kiện, đơn giản hóa 15 điều kiện kinh doanh.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ đề xuất cắt giảm 1 điều kiện và đơn giản hóa 15 điều kiện. Đáng chú ý, trong lĩnh vực này dự kiến sẽ không yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật, mà chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên trong bất cứ ngành nào.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định về phần mềm. Theo đó, hiện nay các phần mềm của doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về quản lý hàng nhập, lưu giữ, tồn của các loại hình kinh doanh kho bãi, địa điểm theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan…

Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng các phần mềm này chỉ cần đáp ứng kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan để cung cấp thông tin.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ đề xuất cắt giảm 38 điều kiện và đơn giản hóa 40 điều kiện kinh doanh. Bộ Tài chính cho biết, hiện đơn vị này đang được giao chủ trì xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi.

Theo kế hoạch, Luật sửa đổi này được đưa vào Chương trình xây dựng Luật 2018, trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Từ đó, việc thực thi phương án đơn giản hóa, bãi bỏ các điều kiện sẽ được nghiên cứu đầy đủ trong quá trình soạn thảo Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 21 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện kinh doanh. Đáng chú ý, Bộ đề xuất bỏ quy định phải góp vốn bằng tiền vì hiện nay Luật Doanh nghiệp cho phép chủ đầu tư góp vốn bằng các hình thức đa dạng (không chỉ bằng tiền).

Thay vào đó, chỉ quy định về nguyên tắc, chẳng hạn chủ đầu tư phải sử dụng vốn góp của chính mình để góp vốn; đảm bảo việc góp vốn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập, đề nghị cắt giảm điều kiện: có loại hình doanh nghiệp, điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) phù hợp với quy định…

Về điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, với cá tổ chức của Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ điều kiện doanh nghiệp phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Lý do là để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực khác đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tương tự với tổ chức nước ngoài, Bộ đề xuất bỏ quy định phải là doanh nghiệp bảo hiểm, với lý do nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Về điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm.

Trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm 17 điều kiện và đơn giản hóa 2 điều kiện kinh doanh. Trong lĩnh vực giá, Bộ đề xuất cắt giảm 7 điều kiện, đơn giản hóa 14 điều kiện kinh doanh.

Đối với lĩnh vực thuế, đơn vị này đề nghị cắt giảm 1 điều kiện và đơn giản hóa 1 điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ về thuế, Bộ đề xuất bỏ điều kiện về nhân lực "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất, đạo đức tốt, trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật".

Với kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ đề xuất cắt giảm các điều kiện có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án với người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất đơn giản hóa nhiều điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó…

(Nguồn: Gdt.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav