Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 07/2018

Bấm vào để phóng to

I. Chính sách tiền lương mới từ ngày 01/07

Từ ngày 01/07, mức lương cơ sở tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1.390.000 đồng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo quy định tại Nghị định (NĐ) 72/2018/NĐ-CP.

Đối tượng được hưởng mức lương cơ sở mới được quy định tại điều 2 của NĐ, gồm cán bộ, công chức từ cấp xã, cấp huyện đến T.Ư, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định theo luật Cán bộ, công chức 2008 và luật Viên chức 2010; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo NĐ 204/2004; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại NĐ 45/2010/NĐ-CP; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân VN; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công an nhân dân (CAND) và lao động hợp đồng thuộc CAND; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Cũng kể từ ngày 01/07, theo NĐ 88/2018/NĐ-CP, sẽ tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của tháng 6.2018 với 8 nhóm đối tượng:

  • Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
  • Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
  • Cán bộ xã, phường, thị trấn được quy định theo pháp luật đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng;
  • Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo QĐ 142/2008/QĐ-TTg và QĐ 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng;
  • CAND đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg;
  • Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 13/QĐ-TTg, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng;
  • Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130/CP ngày 20.6.1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13.10.1981;
  • Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg…

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước, từ ngày 01/07 có quy định mới về chế độ ưu tiên là khuyến khích, thưởng không vượt quá 0,8% lần mức lương do nhà nước quy định khi phát hiện và kiến nghị:

  • Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác;
  • Các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại ngân sách nhà nước;
  • Các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giảm chi, giảm thanh toán;
  • Các khoản kinh phí bố trí dự toán vượt định mức phân bổ, sai nguồn do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước… Chế độ ưu tiên này được quy định tại NĐ 66/2018/NĐ-CP.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Từ ngày 15/07, thêm các dịch vụ do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả

Thông tư số 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15/07, sẽ điều chỉnh giá và bổ sung thêm một số dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả.

Thông tư số 15/2018/TT-BYT “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp” do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15/07, sẽ điều chỉnh giá và bổ sung thêm một số dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả. Cụ thể:

  • Điều chỉnh bổ sung giá 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng BV và trạm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng BV và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.
  • Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau.

BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu; bổ sung và điều chỉnh ghi thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này sẽ làm giảm chi phí, góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT.

Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh giảm phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. BV sẽ tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đông chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Phân cấp cho các đơn vị cấp lại, đổi thẻ BHYT

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được cấp lại, đổi thẻ BHYT trên địa bàn Thành phố mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu, kể từ ngày 01/07/2018 Bảo hiểm xã hội TP.HCM phân cấp cho đơn vị BHXH các quận, huyện và Văn phòng BHXH Thành phố thực hiện cấp lại, đổi thẻ của người chỉ tham gia BHYT tại các BHXH nơi khác trên địa bàn thành phố mà đến khai báo nộp hồ sơ tại đơn vị.  

Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa có hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT cho đối tượng chỉ tham gia BHYT mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu.

Theo đó, về phạm vi áp dụng: Các đơn vị thực hiện cấp lại, đổi thẻ do điều chỉnh thông tin trên thẻ, đổi mã quyền lợi, thay đổi nơi khám chữa bệnh, 5 năm liên tục, mất, hỏng cho người chỉ tham gia BHYT của các khối đơn vị quản lý thu: AA, AB, AF, AG, AH, AJ, AK, AN, AQ, AS, AT, AX, AU, AZ, BA, BB, BD, BE, BF, BG, BH, BI, BL, BM, BN, BP, BO, BT, BU, BV, BX, BY được cấp thẻ theo các nhóm đối tượng: BT, CB, CC, CN, CK, CT, GD, HG, HT, HS, KC, LS, MS, PV, SV, TA, TB, TC, TE, TN, TS, XB, XD, XN, XK.

Cấp User phân quyền: Phòng Công nghệ thông tin thực hiện cấp user và phân quyền chức năng thu liên quận và sổ thẻ liên quận cho 24 BHXH quận, huyện và Phòng quản lý thu, Phòng cấp sổ thẻ, đồng thời giao cho Giám đốc BHXH các quận huyện, Trưởng phòng Quản lý thu và Trưởng phòng cấp sổ thẻ chịu trách nhiệm quản lý các user này và phân công viên chức thực hiện đúng nội dung phân cấp và đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Mỗi đơn vị được cấp user liên quận để sử dụng điều chỉnh và cấp lại thẻ của nơi khác, khi sử dụng cấp thẻ cho BHXH nơi nào thì dùng user liên quận đăng nhập vào BHXH nơi đó để thực hiện.

Ví dụ: BHXH Quận 1 được cấp user sổ thẻ liên quận: 07901_ST_LQ và user thu liên quận: 07901_TH_LQ.

Lưu ý: Các user liên quận được Phòng CNTT cấp trên hệ thống TST của 24 BHXH quận huyện và Văn phòng Thành phố, Quản trị hệ thống của 24 quận huyện không được can thiệp các user này.

Quy trình thực hiện: Trường hợp phát sinh điều chỉnh thông tin trên thẻ và cấp lại, đổi thẻ của người chỉ tham gia BHYT trên địa bàn TP.HCM, Bảo hiểm xã hội các quận huyện và Văn phòng BHXH Thành phố nơi nhận hồ sơ dùng chức năng quản lý thu của user thu liên quận và chức năng quản lý sổ thẻ của user sổ thẻ liên quận để thực hiện điều chỉnh và cấp lại thẻ BHYT của đối tượng chỉ tham gia BHYT theo đúng quy định.

Quy trình thực hiện: Cán bộ được cấp user thu liên quận: căn cứ hồ sơ cấp lại thẻ do điều chỉnh thông tin được nộp tại đơn vị thực hiện điều chỉnh dữ liệu của BHXH nơi quản lý đối tượng. Cán bộ được cấp user sổ thẻ liên quận: căn cứ hồ sơ cấp lại, đổi thẻ do đổi mã quyền lợi, thay đổi nơi khám chữa bệnh, 5 năm liên tục, mất, hỏng được nộp tại đơn vị thực hiện điều chỉnh, cấp lại và in thẻ BHYT của BHXH nơi quản lý đối tượng.

Ví dụ 1: Tại Văn phòng BHXH Thành phố nơi quản lý đối tượng, đã cấp thẻ cho ông Nguyễn Văn C mã thẻ KC2797938789789 sinh 1951, thẻ bị sai ngày tháng năm sinh. Ông C đến BHXH huyện Hóc Môn nộp hồ sơ cấp lại do thay đổi ngày tháng năm sinh là 01/05/1951. Tại BHXH Hóc Môn, dùng user thu liên quận được phân quyền để vào cơ sở dữ liệu của Văn phòng BHXH Thành phố ở đơn vị BG0001Z để điều chỉnh ngày sinh. Dùng user sổ thẻ liên quận để cấp lại và in thẻ cho ông C.

Ví dụ 2: Tại BHXH quận 3 nơi quản lý đối tượng, đã cấp thẻ cho ông Nguyễn Văn D mã thẻ GD4797936345345, thẻ bị sai dòng thời điểm đủ 5 năm liên tục. Ông D đến BHXH quận 5 nộp hồ sơ cấp lại thẻ do đổi thời gian 5 năm liên tục. Tại BHXH quận 5, dùng user sổ thẻ liên quận được phân quyền để vào cơ sở dữ liệu của BHXH quận 3 ở đơn vị BI0001C để điều chỉnh thời gian 5 năm liên tục, sau đó cấp lại và in thẻ cho ông D.

Quy trình cấp, sử dụng và quyết toán phôi thẻ BHYT:

  • Bước 1: Quản trị phôi cấp Thành phố thực hiện cấp cho user quản trị phôi liên quận của Văn phòng BHXH Thành phố và BHXH 24 quận, huyện (tên user: 079XX_ST_LQ) mỗi đơn vị 24.000 phôi thẻ BHYT theo thứ tự số serial tăng dần. Ví dụ: cấp 24.000 phôi thẻ có serial từ 79-00000001 đến 79-00024000 cho BHXH quận 1 theo user 07901_ST_LQ.
  • Bước 2: Quản trị phôi cấp Thành phố phân bổ số lượng thẻ theo serial cho từng user sổ thẻ liên quận để in thẻ cho nơi khác.
  • Bước 3: Đối với user sổ thẻ liên quận được quản trị phôi cấp thành phố nhập và cấp phôi trên phần mềm TST theo dãy số serial, còn khi sử dụng in thẻ chỉ cần nhập số lượng xuất phôi, không cần nhập số serial trên phiếu xuất phôi thẻ trong phần mềm TST.
  • Bước 4: Quyết toán phôi: hàng tháng BHXH các quận huyện và Văn Phòng BHXH Thành phố in sổ chi tiết sử dụng phôi (S06-TS) thành file excel của tất cả các user in thẻ liên quận chuyển lên FTP để đối chiếu kho phôi toàn Thành phố.

Lưu ý: Quy trình cấp, sử dụng và quyết toán phôi thẻ BHYT chỉ áp dụng cho user sổ thẻ liên quận, còn các user in thẻ khác thực hiện quy trình quản lý phôi theo quy định của QĐ 595 đã ban hành. Tại bước 1,2 mục 4 do tại BHXH thành phố (Phòng cấp sổ thẻ) thực hiện. Yêu cầu BHXH các quận huyện và các phòng nghiệp vụ có liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về BHXH thành phố (Phòng cấp sổ thẻ) để xem xét giải quyết.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Thủ tục hoàn trả tiền đã đóng đối với người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau

Theo Luật định, người tham gia BHXH tự nguyện, người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng có thể được hoàn trả số tiền đã đóng.

Căn cứ Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/06/2014; Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về Hướng dẫn thực hiện BHYT, để thực hiện thủ tục hoàn trả tiền đã đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, người tham gia nộp hồ sơ (01 bộ) trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH hoặc thông qua dịch vụ bưu chính. Thành phần hồ sơ bao gồm: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); sổ BHXH đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau nộp tất cả các sổ BHXH; văn bản chứng thực hoặc kèm theo bản chính Giấy chứng tử đối với trường hợp chết.

Tại cơ quan BHXH, bộ phận “một cửa” nhận hồ sơ, kiểm đếm thành phần và số lượng, nếu đúng, đủ theo quy định thì viết giấy hẹn, chuyển hồ sơ cho Phòng/Tổ Quản lý thu; trường hợp hồ sơ chưa đúng, đủ theo quy định thì ghi rõ và trả lại. Phòng/Tổ Quản lý thu kiểm tra hồ sơ, phối hợp Phòng/Tổ Kế hoạch – Tài chính xác định số tiền hoàn trả, trình Giám đốc cơ quan BHXH. Giám đốc BHXH ra quyết định hoàn trả. Phòng/Tổ Kế hoạch – Tài chính hoàn trả cho người tham gia. Nếu là giao dịch điện tử, người tham gia lập hồ sơ trên phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN; ký điện tử trên Tờ khai và gửi đến Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN; nhận kết quả giải quyết do cơ quan BHXH chuyển đến.

Về thời hạn giải quyết, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT, không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

(Nguồn: Tapchibaohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Nhiều cải cách lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi

Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến một số nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo lần này tập trung sửa đổi 10 nội dung lớn, trong đó có nhiều nội dung mới thực hiện theo các nghị quyết của Trung ương Đảng vừa được thông qua.

Điều chỉnh tuổi hưu

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có 10 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi. Đặc biệt, Dự luật sẽ đưa vào các định hướng chính sách theo các nghị quyết vừa được Trung ương Đảng thông qua mới đây (Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 28 về chính sách bảo hiểm xã hội).

Cụ thể, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động; bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động; mở rộng cơ hội và quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp; tăng cường năng lực của thanh tra lao động...

Để thực hiện Nghị quyết 28, Dự luật đưa ra các quy định để thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu chung từ năm 2021. Theo đó, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đảm bảo quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung áp dụng cho những ngành nghề đặc biệt…

Dự thảo cũng đề ra các sửa đổi về chính sách nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm, mở rộng cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của người lao động...

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người lao động, cần khảo sát, đánh giá tác động chính sách rõ ràng, cẩn trọng. Một số vướng mắc hiện nay cần được gỡ bỏ để giải phóng thị trường lao động, như các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương tối thiểu, giờ làm thêm...

Sửa đổi chính sách tiền lương

Thực hiện Nghị quyết 27, sẽ có những sửa đổi về chính sách tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu; các tiêu chí xác định lương tối thiểu.

Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương.

Dự luật sẽ xác định rõ khái niệm về tiền lương, với việc đảm bảo tiền lương của người lao động là mọi khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện công việc đã được thỏa thuận. Ngoài ra, các quy định sẽ đảm bảo doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương…

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, quan điểm sửa Bộ luật Lao động là giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. Qua các sửa đổi, Dự luật hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm.

“Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc nhiều thâm niên, mà phụ thuộc vào năng suất, kỹ năng lao động”, ông Diệp khẳng định.

Theo lộ trình của Bộ LĐTBXH, dự kiến tới tháng 9, sẽ xây dựng, lấy ý kiến Hồ sơ dự án Bộ luật lao động sửa đổi; tháng 10 sẽ hoàn thiện hồ sơ Dự luật và tháng 11 sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Dự luật. Tháng 12 sẽ hoàn thiện trình Chính phủ, và tháng 1.2019 sẽ xin ý kiến thành viên Chính phủ. Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. BHXH Việt Nam: Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã liên tục đổi mới áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành BHXH, từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói chung và nhu cầu quản lý của ngành BHXH nói riêng.

Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết, thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Đảm bảo chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định.

Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH mà nó còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã liên tục đổi mới áp dụng CNTT triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành BHXH từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN nói chung và nhu cầu quản lý của ngành BHXH nói riêng. Tiếp tục thực hiện triển khai Hệ thống giao dịch điện tử theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017. Việc ứng dụng CNTT thông qua giao dịch điện tử để thực hiện kết nối tiếp nhận hồ sơ đề nghị của đơn vị và trả kết quả từ cơ quan BHXH. Rút ngắn thời gian, kinh phí (in ấn, đi lại…) tạo thuận lợi cho người, đơn vị tham gia.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 302 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,9 triệu hồ sơ trên tổng số 6,8 triệu hồ sơ giao dịch (tỉ lệ là 42%); trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý trên 185 nghìn hồ sơ điện tử. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỉ lệ là 42,5%); riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý trên 116 nghìn giao dịch (tỉ lệ 62,7%).

Cũng theo đại diện lãnh đạo Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT. Đến nay, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT trên phạm vi cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình KCB BHYT.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Tính phương án “bù đắp” cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1.1.2018: Để hơn 90.000 người bớt thiệt thòi

Từ ngày 01/01/2018, lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm 25 năm thấp hơn từ 1% - 10% so với người nghỉ hưu từ 31/12/2017 trở về trước. Nhằm có phương án bù đắp thiệt thòi cho hơn 90.000 lao động nữ trong diện này, Chính phủ đã trình và đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu với nhóm đối tượng trên.

Thấp hơn 1 - 10%

Theo tờ trình của Chính phủ, từ ngày 01/01/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 01/01/2018.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2018, lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm 25 năm thấp hơn 10% so với người nghỉ hưu từ 31/12/2017 trở về trước. Do đó, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018.

Theo cách tính mới, để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu là 75%, lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH thay vì 25 năm như trước. Cách tính lương hưu mới đã tác động đến các lao động nữ chưa có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm. Có nghĩa, lao động nữ bị thiệt thòi hơn cả do luật không quy định lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới của lao động nữ, còn lao động nam lại có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm.

Giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, thì lao động nữ hưởng lương hưu năm 2018 theo Luật BHXH với tỉ lệ chỉ 65%. Trong khi ấy, cùng thời gian đóng bảo hiểm đó, lao động nữ nghỉ từ năm 2017 lại được hưởng tỉ lệ lương hưu là 75%. Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%).

Theo dự báo của BHXH Việt Nam, việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 sẽ bị thiệt trong mối tương quan với lao động nam. Số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu bị thiệt thòi trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 mà có từ 20 - 29 năm 6 tháng đóng BHXH là hơn 91.000 người. Trong đó, năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.000 người; năm 2020 là 23.500 người và năm 2021 là 25.100 người.

Lắng nghe tâm tư của nhân dân

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2018 – 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.

Thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí. Cụ thể, năm 2018 phát sinh thêm 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng; năm 2021 là 10,3 tỉ đồng. Tổng cộng, số tiền phát sinh thêm là khoảng 80 tỉ đồng. Chính phủ dự kiến nguồn kinh phí điều chỉnh do Quỹ BHXH đảm bảo.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thông tin về tình hình thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tổ chức chiều 19.6, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, bộ đã chủ động tham mưu trình các cấp có thẩm quyền để báo cáo Hội nghị Trung ương 7, khoá XII thảo luận, cho ý kiến và thông qua Đề án “Cải cách chính sách BHXH” với các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH với nhiều nội dung mới, có tính cải cách, đột phá, khả thi cao nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Đây là lần đầu tiên, Trung ương ra Nghị quyết riêng về cải cách chính sách BHXH, khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với chính sách này - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Bộ LĐTBXH đã có phương án trình Chính phủ, hiện đang đợi Quốc hội ban hành nghị quyết. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về vấn đề này, việc điều chỉnh này chỉ là để khắc phục những thiệt thòi của những lao động nữ khi áp dụng đúng các quy định của luật BHXH.

Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu

Theo Điều 57, Luật BHXH năm 2014, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Đây cũng là cơ sở cho việc Chính phủ điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm 1.1.2018 đến 31.12.2021.

Theo tính toán, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%. Trên cơ sở Quốc hội giao, Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính theo Luật BHXH (10%), so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2% và từ năm 2022 sẽ không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới.

Theo tờ trình của Chính phủ, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 có từ 19 năm 6 tháng đến 20 năm đóng BHXH khoảng gần 91.600 người (năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.100 người; năm 2020 là 23.700 người…). Như vậy, sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 80 tỉ đồng (năm 2018 là 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng; năm 2021 là 10,3 tỉ đồng). Liên quan đến vấn đề này, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2018 đến 31/12/2021 và nguồn kinh phí thực hiện sẽ do quỹ BHXH bảo đảm.

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Không in mới, đổi thẻ BHYT từ năm 2019

Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã được cấp thẻ theo mã số bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm 2017 và 2018, khi tiếp tục tham gia vẫn được sử dụng thẻ BHYT mà không in đổi thẻ mới.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho Báo SK&ĐS biết, từ ngày ngày 01/08/2017, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày... Hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, vì thế, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Sang năm tiếp theo, nếu người đó tiếp tục tham gia BHYT, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT. Thẻ đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng mà không in, đổi thẻ mới.

Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số BHXH ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng.

Người dân và đơn vị có thể tra cứu trực tuyến các thông tin: Mã số BHXH, cơ quan BHXH, quá trình tham gia, giá trị sử dụng thẻ, đơn vị tham gia BHXH, các điểm thu, đại lý thu… trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn, hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được nhân viên tổng đài tra cứu, giải đáp.

Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp...

Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục.

Từ ngày 01/01/2019, thời gian cấp thẻ BHYT chỉ trong 24 giờ

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Phương, thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT sẽ rút từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 01/01/2019, thời gian giải quyết trong ngày.

Cũng theo lộ trình trên, trường hợp thay đổi thông tin sổ BHXH, thẻ BHYT sẽ được BHXH Việt Nam xử lý không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện trong ngày.

Bà Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết thêm: Lộ trình đổi thẻ BHYT trong ngày từ 01/01/2019 được hiểu là trong những trường hợp chủ thẻ làm rách nát, mất thẻ BHYT hiện có. Khi đó, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc cấp lại ngay trong ngày nếu thông tin trong thẻ BHYT đó không có gì thay đổi.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav