Bản tin Bảo hiểm Xã hội điện tử tháng 4/2019

Bấm vào để phóng to

I. Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

Trong quá trình kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử trên Bkav IVAN, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thông báo cho Bkav theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1: Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavIVAN (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả)
  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.
  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
  • Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại http://bkavca.vn/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://hotro.bkav.com.

II. BHXH Việt Nam: Nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2019

Trong thời gian qua, cải cách hành chính được ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) xem là giải pháp quan trọng nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao và tiến tới xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp và hiện đại theo đúng tinh thần Chính phủ điện tử. Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, năm 2019, ngành BHXH tập trung chỉ đạo, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính (CCHC) với nhiều nội dung quan trọng.

Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính

“BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia BHXH kết nối chia sẻ”.

Thông tin trên được ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết tại buổi làm việc về thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam (ngày 18/10/2018). 

Theo đó, công tác cải cách BHXH được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao trên các lĩnh vực như: BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH kết nối, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế, nhờ đó thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp (DN) đã giảm mạnh từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ; giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ TTHC (năm 2011 là 263 bộ TTHC)...

Theo đó, ngành BHXH đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH. Công tác thanh tra đã truy thu hiệu quả các đơn vị nợ BHXH, do đó tỷ lệ nợ BHXH giảm nhiều, hiện nay chỉ còn khoảng 2,9%.

Công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến rõ rệt, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Hiện nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã được kết nối tới 12.000 cơ sở y tế giúp phát hiện kịp thời các bất thường, và cảnh báo cho các cơ sở KCB...

6 nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính năm 2019

Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với DN đạt mức ASEAN- 4; chỉ số mức độ hài lòng của người tham gia BHXH tăng lên trong từng giai đoạn, đạt mức 80% năm 2021 và tiến tới đạt 90% vào năm 2030, theo Thứ trưởng, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành; tăng cường ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch. Theo đó, ngành BHXH tập trung chỉ đạo, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC năm 2019 như sau:

  • Thứ nhất: thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của Ngành; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, DN, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về TTHC, không gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở rà soát, kiểm soát TTHC, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng TTĐT BHXH Việt Nam. BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện và dễ dàng tiếp cận...

  • Thứ hai: tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống; tiếp tục triển khai Đề án “Nghiên cứu xây dựng, thành lập và triển khai mô hình tổ chức hỗ trợ, tư vấn giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN của ngành BHXH”; tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
  • Thứ ba: tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về hành chính phục vụ; thực hiện nghiêm quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm công chức, viên chức; công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ hằng năm; thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế trong toàn Ngành đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
  • Thứ tư: thực hiện CCHC mạnh mẽ trong các công tác chi trả BHXH; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương, tiền công; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị trực thuộc.

Trong đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH...

  • Thứ năm, BHXH Việt Nam tiếp tục hiện đại hoá hành chính thông qua việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH.

Khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Dịch vụ SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; thiết lập Fanpage truyền thông trên mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên mức độ 4, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại.

  • Thứ sáu: xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; tăng cường kiểm tra thực hiện CCHC, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong Ngành.../.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. BHXH Việt Nam hướng dẫn truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 835/BHXH-BT về việc truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng.

Theo đó, việc truy thu BHXH bắt buộc đối với 2 nhóm đối tượng trên căn cứ theo quy định của pháp luật về BHXH cũng như ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 1865/LĐTBXH-BHXH về việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non, ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 890/BNV-TL về việc truy thu BHXH đối với cán bộ xã là bệnh binh các hạng, Công văn số 2895/BNV-TL về việc truy thu BHXH đối với cán bộ cấp xã là bệnh binh đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và Công văn số 748/LĐTBXH-BHXH về việc ngân sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện và truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh.

Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non và cán bộ xã là bệnh binh các hạng như sau:

Đối với giáo viên mầm non, có thời gian làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập từ năm 1995 đến khi đã đóng BHXH bắt buộc, tiến hành truy thu BHXH tính theo tỉ lệ phần trăm (%) nhân (x) với mức tiền lương tối thiểu chung, hoặc mức lương cơ sở từng thời kỳ và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH.

Cụ thể:

  • Thời gian từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2006: Bằng 15%, trong đó người lao động (NLĐ) truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.
  • Thời gian từ tháng 1/2007 đến tháng 12/2009: Bằng 16%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.
  • Thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2011: Bằng 18%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 6%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.
  • Thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013: Bằng 20%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 7%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.
  • Thời gian từ tháng 1/2014 đến nay: Bằng 22%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 8%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Theo đó, hồ sơ truy thu BHXH của đối tượng giáo viên mầm non được quy định gồm có:

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS;
  • Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc quyết định tuyển dụng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện có làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non. Nếu trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên, thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tiền lương, tiền công… kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
  • Đối với cơ sở giáo dục mầm non, hoặc đơn vị sử dụng lao động nơi giáo viên mầm non đang làm việc, cần có danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (theo Mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH). Đồng thời, thu tiền đóng BHXH của giáo viên mầm non, chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

Cũng theo Công văn 835/BHXH-BT, đối với cán bộ xã là bệnh binh các hạng, số tiền truy thu BHXH tính theo tỉ lệ phần trăm (%) nhân (x) với mức sinh hoạt phí, hoặc tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH. Cụ thể:

  • Đối với thời gian từ tháng 1/1998 đến tháng 10/2003 làm hoặc giữ các chức danh và hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP: Bằng 15%, trong đó cán bộ xã đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng.
  • Đối với thời gian làm, giữ chức danh quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP: Từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2006, đóng bằng 15%, trong đó cán bộ xã truy đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng. Từ tháng 1/2007 đến khi đã tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, đóng bằng 16%, trong đó cán bộ xã truy đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng.

Bên cạnh đó, hồ sơ truy đóng BHXH đối với cán bộ xã được quy định gồm:

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS;
  • HĐLĐ hoặc quyết định tuyển dụng, quyết định phê duyệt của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện thời gian làm việc, giữ các chức danh CBCC cấp xã. Trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên, thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, chức danh, sinh hoạt phí, tiền lương… kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của UBND nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
  • Đối với UBND cấp xã cần lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu D02-TS; đồng thời, thu tiền truy đóng BHXH của cán bộ xã và chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH. Đối với các trường hợp truy đóng BHXH theo Công văn 835/BHXH-BT, khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà phải đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, thì BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn người tham gia lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sao cho mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thông báo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, giải quyết truy thu BHXH dứt điểm trong năm 2019.

(Nguồn:Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ để thanh toán tiền lương, BHXH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3, Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Theo quy định tại nghị định này, tiền ký quỹ của doanh nghiệp (DN) cho thuê lại lao động được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN hoặc bồi thường cho người lao động (NLĐ) thuê lại trong trường hợp DN cho thuê vi phạm HĐLĐ với NLĐ thuê lại; hoặc gây thiệt hại cho NLĐ do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thuê lại.

DN cho thuê thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật. Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động sau khi DN cho thuê hoàn thành thủ tục ký quỹ. Trường hợp thay đổi một trong các thông tin trên giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động, gồm:

  • Tên DN;
  • Địa chỉ trụ sở chính;
  • Số tài khoản ký quỹ thì DN cho thuê gửi văn bản đề nghị và các tài liệu chứng minh việc thay đổi thông tin tới ngân hàng nhận ký quỹ để thay đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

Nghị định cũng quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho phép DN rút tiền ký quỹ trong 5 trường hợp:

  • DN cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thanh toán tiền lương, trợ cấp, BHXH, BHYT, BH TNLĐ-BNN đối với NLĐ thuê lại theo quy định của pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày đến thời hạn thanh toán.
  • DN cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng bồi thường cho NLĐ thuê lại trong trường hợp DN vi phạm HĐLĐ với NLĐ thuê lại hoặc gây thiệt hại cho NLĐ do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến hạn bồi thường.
  • DN không được cấp giấy phép.
  • DN cho thuê bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép.
  • DN cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Giải đáp vướng mắc trong thực hiện BHXH cho NLĐ là công dân nước ngoài

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn số 1064/LĐTBXH-BHXH ngày 18/3/2019 gửi BHXH Việt Nam và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP liên quan đến NLĐ là công dân nước ngoài. 

Theo đó, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH nhận được văn bản của một số địa phương, DN và hiệp hội DN đề nghị làm rõ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật ATVSLĐ về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến như sau:

  • Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP thì NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người SDLĐ tại Việt Nam.
  • Tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có quy định các trường hợp loại trừ. Cụ thể, NLĐ quy định tại Khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, khi thuộc một trong các trường hợp sau: Di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Điều 187 của Bộ luật Lao động.
  • Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thì NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ DN là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một DN nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ DN sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được DN nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, NLĐ nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau đây: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người SĐLĐ tại Việt Nam; chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ; không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP (bao gồm NLĐ là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một DN nước ngoài đã được DN nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của DN nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị BHXH Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị, DN thực hiện theo quy định của pháp luật.

 (Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Nhiều thay đổi trong việc sử dụng và quyền lợi BHYT

Từ năm 2019, nhiều chính sách liên quan đến BHYT và việc sử dụng thẻ BHYT được thay đổi theo nghị định Nghị định số 146/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Ba trường hợp được BHXH thanh toán chi phí KCB trực tiếp

Bà Mai Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, theo Nghị định, từ ngày 01/01/2019 sẽ không thực hiện in, cấp lại thẻ BHYT (trừ trường hợp cấp lại, cấp đổi thẻ do mất, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ). Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng sẽ được cấp lại thẻ BHYT do thay đổi mã đối tượng, mã quyền lợi. “Một điểm mới nữa là từ năm 2019, người dân sẽ được cấp thẻ BHYT trong ngày nếu chủ thẻ làm rách nát, mất thẻ BHYT hiện có hoặc đối tượng mới phát sinh”, bà Hạnh cho hay.

Người dân và đơn vị có thể tra cứu trực tuyến các thông tin giá trị sử dụng thẻ, đơn vị tham gia BHXH, các điểm thu, đại lý thu… trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn, hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96 96 68 để được nhân viên tổng đài tra cứu, giải đáp.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT cũng có một số thay đổi. Cụ thể, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB (khám chữa bệnh) không đúng tuyến (tự đến các cơ sở y tế không phải nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT, trừ các trường hợp đi KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến xã hoặc huyện trong cùng tỉnh, thành phố), sau đó được cơ sở KCB này chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo mức hưởng như trái tuyến với bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đúng tuyến với bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB sẽ được hưởng thanh toán BHYT như KCB đúng tuyến.

BHXH Việt Nam cũng cho biết, Quỹ BHYT không thanh toán các chi phí KCB mà người bệnh yêu cầu cơ sở KCB thực hiện. Nhưng Quỹ sẽ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT với ba trường hợp, bao gồm: bệnh nhân điều trị nội trú hoặc KCB tại các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH Việt Nam; KCB tại cơ sở KCB ban đầu nhưng quên thẻ hoặc thiếu thủ tục; Người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT lũy kế trong năm tài chính lớn hơn sáu tháng lương cơ sở.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, thực hiện chính sách an sinh xã hội

Hơn 87% người dân tham gia BHYT, trên 14 triệu người tham gia BHXH, và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân đòi hỏi BHXH Việt Nam phải thúc đẩy ứng dụng CNTT nhằm phục vụ và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam), năm 2017 - 2018 được coi là năm đột phá hiện đại hóa ngành BHXH, đặc biệt là việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào vận hành, kết nối gần 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT, góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT. Ðồng thời, ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.

Năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong đó tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH…. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử cả quốc gia.

“Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng các dịch vụ: dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia như trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn…”, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin chia sẻ.

(Nguồn:Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Ưu tiên tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực BHXH

Trong giai đoạn 2019-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ ưu tiên thực hiện tích hợp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực BHXH, gồm: Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT…

Đây là nội dung đáng chú ý trong Quyết định số 274/QĐ-TTg về Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của CBCCVC và cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công, Cổng Dịch vụ công quốc gia được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đấy CCHC, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Cụ thể như:

  • Hoàn thiện thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
  • Thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.
  • Thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 - theo đó đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, DN với các bộ, ngành, địa phương và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
  • Cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các hệ thống thông tin "Một cửa" hoặc Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Nền tảng xác thực này đạt mức độ đảm bảo cao theo tiêu chuẩn quốc tế (mức độ 3,4) và có thể áp được áp dụng cho các hệ thống khác.

Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia phấn đấu cung cấp, tích hợp 500.000 tài khoản trong năm 2019; 1 triệu tài khoản trong năm 2020 và đạt tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023. Đồng thời, hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong quản lý thông tin, hồ sơ giấy tờ theo nguyên tắc thông tin, hồ sơ chỉ cần cung cấp một lần và được tái sử dụng trong các lần thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.

Cũng theo quyết định, nguồn kinh phí thực hiện đề án được trích từ nguồn NSNN và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc quyết định này.

 (Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav