NLĐ hưởng BHXH một lần - Sướng nhất thời, khổ cả đời

Bấm vào để phóng to

Thay vì tham gia BHXH đầy đủ để sau này được hưởng lương hưu, nhiều NLĐ lại đang lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc số người đó khi về già sẽ không có lương hưu, khó đảm bảo được cuộc sống nếu chẳng may gặp rủi ro; đồng thời khi tuổi thọ người Việt Nam ngày càng tăng sẽ tạo gánh nặng cho xã hội cũng như cho NSNN.

Nhận thức còn lệch lạc

Có thể thấy rõ, Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, ngay khi Luật chưa có hiệu lực, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết quy định về việc hưởng BHXH một lần, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận NLĐ. Do vậy, với những người quyết định nhận BHXH một lần, chắc chắn họ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi cả trong hiện tại và tương lai.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của NLĐ thấp, nên dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, song họ đành phải chấp nhận để lo cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, nhiều DN đang tìm cách “thải loại” NLĐ cao tuổi để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH; đề xuất tăng thời gian đóng BHXH, kéo dài tuổi nghỉ hưu… khiến nhiều người lo lắng nên đã lựa chọn nhận “một cục”. “Đây là tình trạng đáng báo động với các nhà hoạch định chính sách, bởi nếu nhiều người ra khỏi hệ thống BHXH sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Về lâu dài, NLĐ sẽ thiệt thòi, bởi chưa già đã tiêu hết tiền dưỡng già; sau này không được hưởng lương hưu và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ khi chọn hưởng BHXH một lần”- ông Quảng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH nhận định, số người nhận BHXH một lần tăng là do họ chưa lường hết được rủi ro trong cuộc sống. Do đó, theo ông Diệp, NLĐ cần tính toán để vừa đảm bảo cuộc sống hiện tại, vừa đảm bảo cho tương lai. Bởi cuộc đời con người rất dài, khi về già nếu không có lương hưu, sẽ dễ rơi vào bi kịch, hệ lụy khó lường. Ông Diệp cũng nhận định, đến năm 2018, chính sách BHXH có một số thay đổi về mức đóng, thời gian hưởng, nên có thể số người nhận BHXH một lần sẽ gia tăng. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần lưu tâm trong công tác tuyên truyền để NLĐ yên tâm tham gia BHXH tiếp.

Dưới góc độ của người từng tham gia xây dựng Luật BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Lúc NLĐ còn trẻ, lĩnh BHXH một lần là có một khoản tiền vui vẻ mua sắm, làm việc này việc khác. Nhưng sau 60 tuổi, khi hết tuổi lao động rồi thì sống bằng gì?...”. Ông Lợi cũng cho rằng, việc nhiều người nói gửi tiền vào ngân hàng có lợi hơn đóng BHXH và có ý muốn hưởng BHXH một lần là hiểu sai bản chất của chính sách. Bởi, trong 22% tiền lương đóng BHXH hằng tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì NLĐ chỉ đóng có 8%, còn DN phải đóng 14%. Nếu không đóng BHXH theo luật định, NLĐ cũng không thể lấy được 14% (khoản do chủ DN phải đóng) để… đi gửi ngân hàng. Đấy là chưa kể, nếu đồng tiền bị trượt giá, thì tiền gửi ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo; trong khi tiền lương hưu sẽ được Nhà nước điều tiết, chứ không bị ảnh hưởng bởi trượt giá.

Đảm bảo quyền thụ hưởng lâu dài

Trực tiếp tham gia BHXH được gần 20 năm và đã chuyển 4 chỗ làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hà (Hồng Bàng, Hải Phòng) đã từng có ý định nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, do bản thân vẫn còn sức khoẻ, còn lao động được, nên ông Hà nhận thấy không nhất thiết phải trông chờ vào món tiền ấy và luôn coi đó là “của để dành” cho tuổi già của mình. “Cha mẹ tôi khi già không có lương hưu, không có bất kỳ đồng trợ cấp nào. Họ làm gì cũng dè dặt, không tự chủ được cuộc sống của mình. Cha tôi lúc lâm chung rất muốn khi chết được hoả thiêu để sau này không còn làm phiền các con nữa, nhưng ông không có đồng nào nên không dám nói với các con sợ sẽ tốn kém. Tôi không muốn cuộc sống của mình giống thời của cha mẹ tôi”- ông Hà chia sẻ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2007- 2014, trong nhóm đối tượng thuộc diện đủ điều kiện hưởng BHXH một lần (đóng BHXH chưa đủ 15 năm), có đến 80% rút tiền một lần, chỉ có 20% tiếp tục đóng BHXH để sau này được hưởng lương hưu. Nếu năm 2007 có 129.000 người hưởng BHXH một lần, thì đến năm 2010 tăng lên 498.122 người; năm 2014 tăng lên 605.783 người; năm 2016 tăng lên 665.306 người và dự kiến năm 2017 sẽ có gần 690.000 người. Thực tế này cho thấy, nhiều NLĐ chưa có sự tích luỹ để khi về già được hưởng lương hưu. Với việc “ăn non” đó, bản thân NLĐ sẽ bị thiệt 0,64 tháng lương/năm làm việc; đồng thời lựa chọn hưởng BHXH một lần của họ chắc chắn không thể có lợi hơn hưởng lương hưu hằng tháng được.

Đơn cử, NLĐ có 20 năm đóng BHXH với mức tiền lương đóng BHXH 4 triệu đồng/tháng, nếu nhận hưởng BHXH một lần thì chỉ được khoảng 124 triệu đồng. Còn nếu hưởng lương hưu, thì trung bình lao động nam sẽ được 516 triệu đồng, lao động nữ sẽ được 756 triệu đồng (sau nghỉ hưu, nam giới sống trung bình hơn 18 năm, tương ứng với 217 tháng hưởng lương hưu; nữ giới sống trung bình 24,5 năm, tương ứng với 294 tháng hưởng lương hưu). Ngoài lương hưu, NLĐ còn được cấp thẻ BHYT; khi chết được hưởng mai táng phí; thân nhân được hưởng tuất một lần hoặc tuất hằng tháng. Mặt khác, vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Trong khi đó, nếu nhận BHXH một lần, thì sẽ không được hưởng các quyền lợi này.

Hiện Luật BHXH không có quy định về việc NLĐ đã nhận BHXH một lần được hoàn trả số tiền đã nhận để tính lại thời gian công tác từ đầu, đóng tiếp BHXH để nhận lương hưu. Chỉ những người nào đã có quyết định hưởng BHXH một lần, nhưng trên thực tế người đó chưa nhận khoản trợ cấp này mà có đề nghị cơ quan BHXH hủy quyết định hưởng BHXH một lần, thì cơ quan BHXH mới xem xét giải quyết. Nếu khoản tiền BHXH một lần chưa được chi từ quỹ BHXH và NLĐ chưa nhận tiền, thì sẽ ra quyết định huỷ hưởng BHXH một lần để bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Đây là những vấn đề mà NLĐ cần lưu ý để tránh “trót nhận” rồi khó trả lại.

Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn