Tin tức Bảo hiểm xã hội điện tử Bkav Ivan - Nộp tờ khai
Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 06/2018
I. Từ ngày 01/07: Thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế, quyền lợi mở rộng hơn
Từ ngày 01/07, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng theo Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, do những thay đổi như trên nên theo đó, mức tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng có những thay đổi theo.
Theo đó, số tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có một số thay đổi như sau để phù hợp với mức lương cơ sở mới nêu trên.
- Số tiền đóng bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã = 1.390.000 x 4.5% = 62.550 đồng/tháng.
- Số tiền đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 4,5%.
Việc tăng lương cơ sở cũng giúp quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế của chủ thẻ được gia tăng theo.
Số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng.
Chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng.
Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dich vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.
Từ ngày 01/07/2018, số tiền đóng bảo hiểm xã hội có một số thay đổi để phù hợp với mức lương cơ sở mới.
Những đối tượng sẽ tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/07 gồm: người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hưởng lương theo chế độ nhà nước quy định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Số tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã = 1.390.000 x 8% = 111.200 đồng/tháng.
- Số tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 8%.
- Số tiền tối đa đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = 1.390.000 x 20 x 8% = 2.224.000 đồng/tháng./.
(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)
II. Sẽ bãi bỏ lương cơ sở và loạt phụ cấp của công chức
Đây là một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ban hành ngày 21/05/2018.
Cụ thể:
Về tiền lương:
- Từ năm 2021 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Thay vào đó, sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công (mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Về phụ cấp:
- Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm; Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
(Nguồn: Luatvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)
III. Phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ
Đây là một trong các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/05 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết của Chính phủ đánh giá: Sau 4 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
Tuy nhiên, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được Mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng. (Trong đó, hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục, trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ chậm cải thiện; khởi sự kinh doanh xếp thứ 123; giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129; đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc, thời gian kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63; giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài 400 ngày và xếp thứ 66...). Một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chưa thực sự chủ động, quyết liệt và kết quả đạt được còn hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đạt được Mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực canh tranh bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm các nền kinh tế: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực
Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết 19/2018
Tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Kiên định các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.
Tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.
Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cụ thể: Cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 67/136 quốc gia). Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160 quốc gia).
Đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT
Về tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng Giám định y khoa kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ BHXH với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử phục vụ quản lý nhà nước về BHYT, BHXH và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH. Ban hành đầy đủ, cụ thể các quy trình chuyên môn, hướng dẫn Điều trị và Điều kiện thanh toán BHYT để áp dụng giám định điện tử.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách và khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội sớm đưa vào sửa đổi các vướng mắc, bất cập trong các Bộ luật liên quan đến BHXH - tiền lương - công đoàn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kết hợp thủ tục đăng ký lao động và đăng ký BHXH nhằm cải thiện chỉ số Khởi sự kinh doanh. Triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong khai trình lao động đối với các doanh nghiệp, đơn vị; tạo lập và liên thông cơ sở dữ liệu về quản lý lao động với cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh lao động, lao động, việc làm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp.
BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và BHTN; Phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ. Phát triển Hệ thống thông tin giám định BHYT, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, đặc biệt là giám định điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT. Đổi mới quản lý, giảm biên chế, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ BHXH Việt Nam./.
(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)
IV. Giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng hưu trí
Đó là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Bảo hiểm xã hội được xác định là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2021, có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra một trong những nội dung cải cách là sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt; Đồng thời, điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Theo đó, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.
(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)
V. Quyết tâm bàn giao sổ BHXH cho người lao động đúng tiến độ
Sáng 18/05, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã có buổi làm việc với 16 BHXH tỉnh, thành phố có tỉ lệ bàn giao sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) đạt dưới 80% tính đến 30/04/2018. Buổi làm việc nhằm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cùng toàn Ngành đảm bảo kế hoạch bàn giao 100% sổ trong tháng 9/2018.
Theo báo cáo của Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam), tính đến ngày 17/05/2018, cả nước đã bàn giao được 12.426.291 sổ BHXH cho NLĐ (đạt 85,14% tổng số sổ phải bàn giao). Trong đó, có 26 tỉnh, thành phố bàn giao sổ đạt tỉ lệ trên 90%; 4 tỉnh đạt tỉ lệ trên 99% là Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Trị, Lạng Sơn.
Nếu như tính đến ngày 30/04, còn 16 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bàn giao sổ BHXH cho NLĐ đạt dưới 80%, thì đến ngày 17/05 chỉ còn 5 tỉnh là: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP.Hà Nội.
Tuy các địa phương đang rất cố gắng, nỗ lực trong công tác này. Song theo chia sẻ tại buổi làm việc, công tác rà soát, bàn giao sổ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, nhiều sổ BHXH của NLĐ có quá trình tham gia BHXH trước năm 2008 đang gặp vướng mắc do mức tiền lương, chức danh nghề, các loại phụ cấp không ghi cụ thể. Nhiều NLĐ không nhớ chính xác thông tin về thời gian, chức danh, ngạch bậc tiền lương… nhưng vẫn ký vào Phiếu đối chiếu (Mẫu số 03), gây nhiều khó khăn cho công tác rà soát. Nhiều sổ BHXH có quá trình phức tạp, do NLĐ luân chuyển nhiều đơn vị, thông tin ghi trên sổ không đầy đủ, rõ ràng; chữ ghi trên sổ bị nhòe, mờ, thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin số CMND; một số đơn vị SDLĐ và NLĐ chưa tích cực phối hợp rà soát, bàn giao sổ BHXH.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng nêu lên những khó khăn mang tính đặc thù như: Nhiều DN trên địa bàn có số lao động trải rộng khắp cả nước, gây khó khăn cho việc phát mẫu, thu hồi mẫu rà soát; nhiều tỉnh có số lao động biến động lớn, nhiều trường hợp NLĐ di chuyển từ địa phương khác đến, nhưng sổ BHXH ở tỉnh cũ chưa được chốt, rà soát; một số đối tượng lao động đặc thù ở địa phương không biết xếp vào loại hình, danh mục nghề nghiệp nào…
Tại buổi làm việc, BHXH các tỉnh, thành phố đã đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao sổ BHXH cho NLĐ. Đồng thời, cam kết sẽ đạt tỉ lệ bàn giao đạt 95% vào ngày 30/06/2018 và 100% trong tháng 9/2018; đảm bảo tiến độ, kế hoạch do BHXH Việt Nam giao.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần cố gắng, nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn “nước rút” về rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch, giao định mức theo từng mốc thời gian cụ thể cho từng thành viên tham gia công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH trên tổng số sổ BHXH còn lại chưa bàn giao, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch, gắn với đánh giá xếp loại thi đua theo từng quý. Chỉ đạo BHXH các huyện tập trung mọi nguồn lực cho công tác này, đẩy nhanh tiến độ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ đảm bảo chất lượng, phấn đấu đến ngày 30/09/2018 phải hoàn thành.
Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Ban Sổ - Thẻ phân công cán bộ chuyên quản hỗ trợ BHXH các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, trả sổ BHXH cho NLĐ; tổ chức đánh giá chất lượng, tiến độ công tác rà soát, bàn giao; chấn chỉnh kịp thời đối với đơn vị, cá nhân chưa chấp hành đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Ban Sổ - Thẻ cũng cần phối hợp với Ban Thu, Trung tâm CNTT và Tổng Công ty Tecapro xử lý các vướng mắc liên quan tới phần mềm để phục vụ BHXH các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, trả sổ BHXH cho NLĐ.
(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)
Bkav

Email: Noptokhai@bkav.com