Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 10/2018

Bấm vào để phóng to

I.  Hướng dẫn nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2018

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2018/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 88/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tư nêu rõ việc xác định nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP trong năm 2018 của các bộ, cơ quan Trung ương như sau:

Đối với các Cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, Đoàn thể:

Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2018 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2018; nguồn tiết kiệm chi gắn với thực hiện các giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định (từ định mức chi hoạt động, chi lương dành ra cho số biên chế được tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính và từ các giải pháp khác nếu có theo quy định).

Trường hợp các nguồn kinh phí theo quy định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định, thì cơ quan, đơn vị phải tự bố trí, sắp xếp trong phạm vi dự toán chi NSNN năm 2018 được giao để bảo đảm đủ nguồn thực hiện.

Trường hợp cơ quan, đơn vị sau khi bảo đảm đủ nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định, mà nguồn thu dành để cải cách tiền lương còn dư lớn và có nhu cầu phát triển hoạt động, thì đề xuất phương án sử dụng, báo cáo bộ, cơ quan Trung ương quản lý để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất trước khi sử dụng. Đồng thời, phải cam kết tự bảo đảm nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị để điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình, do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2018 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2018. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%; nguồn tiết kiệm chi gắn với thực hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Về nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP, Nghị định số 88/2018/NĐ-CP trong năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính; sử dụng nguồn 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có); sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng…

Bộ Tài chính cũng lưu ý, đối với các địa phương khó khăn, thiếu nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương năm 2018, cần có báo cáo đầy đủ nhu cầu, nguồn và đề nghị mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo biểu mẫu quy định gửi Bộ Tài chính, để Bộ sắp xếp nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương của địa phương.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/09/2018.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

II.  Rà soát, mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc

Để tiệm cận được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đặt ra, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, cơ quan này sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách, hỗ trợ ngay từ khi đóng…

Tạo tầng đế thật vững

Theo Nghị quyết số 28, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng với “nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Vấn đề này là thách thức rất lớn để hướng tới BHXH toàn dân. “Nhóm này không phải khu vực chính thức nên việc quản lý, nắm bắt rất là khó. Vì vậy, cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan và các chính sách khác để động viên người dân tham gia”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Lao động trong khu vực phi chính thức thường là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, lại không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động miệng nên việc tham gia BHXH gặp khó khăn.

Những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như tháo rào cản, khó khăn để hộ kinh doanh “nâng cấp” thành doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng đối tượng tham gia BHXH… Nhờ đó, tỷ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, nhưng tính đến cuối năm 2017, cả nước vẫn có hơn 18 triệu người lao động phi chính thức, chiếm trên 57% tổng số lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, khi đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống, các chính sách sẽ hoàn thiện hơn. Thu nhập của người lao động ở khu vực phi chính thức không ổn định thì sẽ tạo điều kiện để họ đóng theo kiểu không ổn định.

“Chúng tôi sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, để phát triển tầng đế rộng, giai đoạn đầu có thể mức đóng ít hơn, cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Minh, nếu chính sách linh hoạt hơn, tuyên truyền tốt hơn, các hệ thống chính trị cùng vào cuộc,... thì có thể tiệm cận được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Điều chỉnh mức hỗ trợ BHXH tự nguyện

Để mở rộng diện bao phủ, các chuyên gia còn lưu ý, bên cạnh “nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng”, cũng cần điều chỉnh mức hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định, từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn với các mức hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, dù đã được Nhà nước hỗ trợ thì hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng khó có khả năng để tham gia BHXH. Cho nên, cần phải có cơ cấu hỗ trợ cao hơn để khuyến khích người dân tham gia.

“Chúng ta phải tính toán, nghiên cứu, khảo sát khả năng của người dân tham gia đến mức độ nào”, ông Lợi đề xuất, Nhà nước cũng cần hỗ trợ những người đến tuổi lao động tham gia BHXH từ nguồn phúc lợi chung như trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đang đóng thay cho người lao động (14%) để mọi người đều có lương hưu.

Xung quanh vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất trong việc hoàn thiện chính sách và có thể xem xét, kiến nghị việc tăng mức hỗ trợ BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III.  Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định tiền lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương.

Nghị định bổ sung Điều 8 Chương III về nguyên tắc xây dựng định mức lao động cụ thể như sau: Doanh nghiệp (DN) xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động (NLĐ) hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc:

  • Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý.
  • Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của NLĐ, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.
  • Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông NLĐ thực hiện được, mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của DN theo quy định của pháp luật.
  • Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. DN phải thông báo cho NLĐ biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức.

Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao, thì DN phải điều chỉnh lại mức lao động.

  • Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, DN phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại DN và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện; đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN.

Nghị định cũng bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong trường hợp DN sử dụng dưới 10 lao động.

Nghị định nêu rõ: DN tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của DN để theo dõi, kiểm tra theo quy định tại Nghị định này.

Đối với DN sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của DN.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV.  Vẫn còn tư tưởng lựa chọn ngược: Chỉ khi nào ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế

Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT; còn khoảng 40% người thuộc hộ gia đình chưa tham gia BHYT...

Sáng 17/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về những kết quả thực hiện 8 nhiệm vụ giảm nghèo trong giai đoạn 2017 - 2018, làm rõ nguyên nhân của một số hạn chế, tồn tại.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ được đề cập là bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Nhận thức về chính sách BHYT còn hạn chế

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện nhiệm vụ về tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT, chỉ đạo thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân; ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bổ sung một số nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.

Tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013; Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020.

Về bố trí kinh phí đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do NSNN đảm bảo, trong 02 năm, NSNN đã chi khoảng 61.530 tỷ đồng (trong đó: Năm 2016 là 28.450 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp y tế khoảng 20.000 tỷ đồng), năm 2017 là 33.080 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp y tế khoảng 21.000 tỷ đồng).

Với những nỗ lực trên, năm 2016, cả nước có 75,91 triệu người tham gia BHYT, bằng 81,9% dân số (tăng 6,25 triệu người so với năm 2015); năm 2017 ước có khoảng 79,3 triệu người tham gia BHYT, bằng 84,9% dân số. Trong tổng số đối tượng tham gia BHYT, nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng bằng khoảng 65%.

Như vậy, với kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2016 đạt mục tiêu trước 4 năm so với mục tiêu phát triển BHYT.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đó là một bộ phận người sử dụng lao động còn trốn đóng BHYT cho người lao động, nhận thức của một bộ phận người lao động về BHYT còn hạn chế, chấp nhận ký hợp đồng lao động kể cả không được tham gia BHYT, BHXH, BHTN để nhằm giải quyết nhu cầu có việc làm.

Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT; còn khoảng 40% người thuộc hộ gia đình chưa tham gia BHYT, trong đó có khoảng 10 - 20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia mà lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở, người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong KCB, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT...

Gần 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã

Đối với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp.

Đáng chú ý, về huy động nguồn lực, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Thời gian vừa qua, các địa phương đã tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các trạm y tế xã, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn ADB đầu tư xây dựng mới, sửa chữa 58 trạm y tế xã cho 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum).

Dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, trong đó có trang thiết bị cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh nghèo, tỉnh có tỷ lệ mắc lao, HIV/AIDS cao; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành giai đoạn I do EU viện trợ không hoàn lại để xây dựng mới 87 trạm y tế xã khó khăn (khoảng 345 tỷ đồng); được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương sử dụng khoảng 1.050 tỷ đồng giai đoạn 2 để đầu tư xây dựng 288 trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Tuy vậy, theo thống kê, cả nước mới có khoảng gần 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã nhưng nhiều trạm vẫn phải cải tạo, nâng cấp, nên còn khoảng 40% số trạm y tế xã cần phải đầu tư, nâng cấp. Nhu cầu đầu tư là rất lớn, hàng năm, Bộ Y tế đều xây dựng dự toán ngân sách trung ương để hỗ trợ ngân sách địa phương đầu tư cho trạm y tế xã nhưng do ngân sách khó khăn nên không bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện. Do đó, từ năm 1993 đến nay, với việc thực hiện các giải pháp, các dự án ODA nêu trên ước tính mới đầu tư được khoảng 20% số trạm y tế xã, vẫn còn trên 20% số xã cần phải đầu tư chủ yếu là xã ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhiều trạm y tế xã còn chưa có nhà trạm, phải đi mượn cơ sở khác, xã có trạm nhưng bị hư hỏng nặng, xuống cấp, chưa được đầu tư.

Theo Chính phủ, việc đầu tư cho các trạm y tế xã theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư (ước tính khoảng 3.000 xã, tổng mức đầu tư khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng). Các trạm y tế xã khó khăn, đặc biệt khó khăn lại chủ yếu ở các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo, ngân sách trung ương phải hỗ trợ.

Thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 76 đến năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, thực hiện mục tiêu bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo./.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

V.  Người thất nghiệp sẽ được hưởng nhiều mức hỗ trợ học nghề khác nhau

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Quyết định gồm:

  • Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm;
  • Cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp) tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
  • Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
  • Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.

Mức hỗ trợ học phí học nghề:

  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ tiền đi lại:

  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người/khóa đào tạo.
  • Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng là 100.000 đồng/người/tháng , tùy theo thời gian học nghề thực tế.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính tròn là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Đối với người lao động tham gia BH thất nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học phí học nghề do người lao động tự chi trả.

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan BHXH chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI.  Đã có 4 Tỉnh hoàn thành bàn giao sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo báo cáo của Ban Sổ- Thẻ (BHXH Việt Nam), tính đến hết ngày 31/08/2018, toàn Ngành đã rà soát, bàn giao được 15.082.939 sổ BHXH cho NLĐ, đạt tỉ lệ 98,24%. Trong đó, có 4 tỉnh đã hoàn thành 100% công tác này.

Cụ thể, 4 tỉnh đã đạt tỉ lệ 100% gồm: Cao Bằng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre. Bên cạnh đó, có 32 tỉnh đạt tỉ lệ trên 99%; một số tỉnh sát mốc 100% là: Bắc Kạn 99,99%, Hà Giang và Thái Bình 99,94%. Tỉnh có tỉ lệ rà soát, bàn giao thấp nhất là Thanh Hóa cũng đã đạt trên 94,34%.

Đặc biệt, các địa phương có số sổ BHXH cần bàn giao lớn đã có sự “bứt phá” mạnh mẽ về tiến độ như: Đồng Nai đã bàn giao cho 8.676 đơn vị với 767.868 sổ, đạt 99,36%; Bình Dương (10.179 đơn vị, 939.055 sổ), đạt 98,97%; TP.HCM (77.059 đơn vị, 2.259.008 sổ), đạt 98,81%; Hà Nội (68.819 đơn vị, 1.612.355 sổ), đạt 96,13%...

Có thể thấy, BHXH các địa phương đã và đang rất tích cực trong công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ. Trong giai đoạn “nước rút” này, một số địa phương cũng phản ánh có gặp một số khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Đơn cử: Tại Hà Nội, TP.HCM đang xảy ra tình trạng một số sổ BHXH chưa tìm được người nhận. Nguyên nhân là do đơn vị SDLĐ chưa chuyển lại mẫu kê khai, rà soát (Mẫu 03) về cơ quan BHXH; một số NLĐ làm việc ở nhiều địa bàn, thường xuyên di chuyển nên chưa thu hồi được Mẫu 03; hay việc NLĐ không đồng ý ký vào Mẫu 03 do chưa thống nhất được thời gian tham gia BHXH ở một số DN nợ đọng kéo dài…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những vướng mắc này đã cơ bản được giải quyết. BHXH các tỉnh, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH cho NLĐ trong tháng 9/2018.

(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII.  Rục rịch xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH người lao động

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, hiện nhiều địa phương đang rục rịch gửi danh sách các đơn vị “chây ỳ” nợ BHXH của người lao động sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

21 nghìn lao động chưa được đóng BHXH

Mới đây, đại diện BHXH Việt Nam cho hay, qua 8 tháng thanh kiểm tra, BHXH Việt Nam đã phát hiện hơn 21 nghìn lao động chưa được đóng BHXH với số tiền truy đóng là hơn 53,4 tỷ đồng. BHXH Việt Nam cũng đã ban hành 492 quyết định xử phạt hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính 550 đơn vị. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 17,34 tỷ đồng, trong đó đã thu được 3,47 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc của đoàn thanh, kiểm tra công tác bảo hiểm của liên ngành Công an và BHXH tại Thanh Hóa, ông Lê Thanh Sinh, Giám đốc BHXH Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 30/06/2018, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.363 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh có 8.814 DN đang hoạt động với 248.834 lao động, nhưng mới chỉ có 4.920 DN đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 207.326 lao động; còn 3.894 DN chưa đóng cho 41.508 lao động. Do vậy, tuy việc phát triển đối tượng tham gia có tăng qua các năm, nhưng tính đến ngày 30/6/2018, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 404,6 tỷ đồng, chiếm 5,7% số thu. Đặc biệt, chỉ tính riêng khối DN đã có 4.089 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của 140.460 lao động...

“Ngoài nguyên nhân khách quan do DN gặp khó trong sản xuất kinh doanh, quay vòng vốn, tình trạng nợ của các DN còn diễn ra phổ biến chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN còn kém. Thậm chí, nhiều DN, sau thanh, kiểm tra, không chấp hành kết luận, tiếp tục “chây ỳ”, không những khiến số nợ không giảm mà còn tiếp tục gia tăng như: Công ty CP Xây dựng Hancorp 2 nợ 23,9 tỷ đồng; Công ty Xây dựng số 5 nợ 10 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa nợ 9,1 tỷ đồng…”, ông Lê Thanh Sinh nhấn mạnh.

Còn tại Gia Lai, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, BHXH tỉnh đã chuyển danh sách 8 DN có biểu hiện chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài và đề nghị Công an tỉnh vào cuộc xử lý… với tổng số tiền nợ lên đến 27,438 tỷ đồng. Gần đây, BHXH Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Công an thành phố phối hợp điều tra, xác minh tình trạng nợ BHXH của hai doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Hai DN nợ BHXH bị đề nghị điều tra gồm: Công ty TNHH Bona Apparel Việt Nam và Công ty TNHH Tiến Đại Phát với số tiền nợ lên đến 10,566 tỷ đồng.

Liên ngành xử lý trốn nợ đóng BHXH cho người lao động

Ngày 04/09, TAND huyện Củ Chi, TP HCM đã tuyên buộc Công ty Nam Phương thực hiện nghĩa vụ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thai sản đối với 4 công nhân - những người đã khởi kiện công ty này trước đó. Theo đó, tổng số tiền công ty phải đóng BHXH, trả trợ cấp thất nghiệp và thai sản cho 4 công nhân này. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại TP HCM bị điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ 1/2018.

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, từ khi thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của ngành BHXH cũng như việc hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã góp phần giảm dần tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8/2018, số nợ BHXH trong toàn quốc vẫn còn cao, khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% số phải thu.

Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát đã có Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Quy chế này đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, theo đó, cần phải gắn trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành để triển khai hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Hiện, BHXH Việt Nam đang triển khai xây dựng phần mềm về quản lý nợ đọng. Phần mềm này sẽ tự động trích xuất kết quả nợ và mẫu xử phạt với đơn vị sử dụng lao động trên toàn hệ thống để BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành xử lý vi phạm hành chính; sau xử phạt, đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định xử phạt, phần mềm sẽ trích xuất hồ sơ để chuyển cơ quan Công an xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”. 

Ông Nguyễn Hữu Du, Trưởng phòng PC46, Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Cơ quan Công an sẵn sàng chủ động vào cuộc cùng BHXH trong các cuộc thanh, kiểm tra. Sự phối hợp này chắc chắn kết quả thu nợ sẽ đạt hiệu quả cao hơn và khi đó, chỉ với những DN nào thực sự “bất chấp” chúng ta mới phải xử lý hình sự”. 

(Nguồn: Bhxhtphcm.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav
Hotline:
1900 54 54 14
Hỗ trợ kỹ thuật:
1900 18 54
Tiêu điểm