Bảo hiểm Xã hội điện tử tháng 1/2019

Bấm vào để phóng to

I. Từ năm 2019 không in mới, không đổi thẻ BHYT

BHXH Việt Nam cho biết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT, từ năm 2019 hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, không cần đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Ngoài ra, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hằng năm. Việc cấp thẻ BHYT chỉ thực hiện với các trường hợp như: mất, hỏng, có thay đổi thông tin quản lý in trên thẻ (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời gian đủ 5 năm liên tục). Cũng từ năm 2019, người tham gia BHYT đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH sẽ thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp đổi thẻ không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Với việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.

Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng... hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được nhân viên tổng đài giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp.

(Nguồn: Nld.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. BHXH TP Hà Nội hướng dẫn bổ sung, chuyển đổi thẻ BHYT đối với một số đối tượng, đảm bảo quyền lợi người tham gia theo quy định mới

Nhằm đảm bảo cho các đối tượng có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mã đối tượng và mã quyền lợi mới, ngày 05/12/2018, BHXH thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5313/BHXH-CST về việc bổ sung, chuyển đổi thẻ BHYT đối với một số đối tượng theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, kể từ ngày 01/12/2018, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị quản lý đối tượng thực hiện rà soát, lập danh sách đổi thẻ BHYT và bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Bổ sung một số mã đối tượng theo Nghị định số 146/NĐ-CP

  • Mã MD – Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở;
  • Mã HK – Người thuộc hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp được cấp thẻ mã đối tượng HN;
  • Mã TH – Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
  • Mã TV – Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội;
  • Mã TD – Thân nhân của công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;
  • Mã TU – Thân nhân người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Đổi mã đối tượng và mức hưởng

  • Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ mã CK2 sang mã CC1 cho đối tượng Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ 2 sang 4 cho đối tượng Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (có mã đối tượng CK) nhưng không phải là đối tượng Cựu chiến binh quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP;
  • Đổi mã đối tượng và mức hưởng trên thẻ BHYT từ mã CT4 sang mã CT2 cho đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Trong thời gian thực hiện đổi thẻ BHYT cho các đối tượng trên sẽ xảy ra các trường hợp người tham gia chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc sử dụng thẻ BHYT cũ để đi khám, chữa bệnh dẫn đến mã đối tượng và mức hưởng trên dữ liệu cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT không khớp với thông tin trên thẻ BHYT.

Vì vậy, khi tiếp nhận các trường hợp trên, BHXH Thành phố đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thông báo tới các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT. Trường hợp có thể hiện thẻ BHYT còn giá trị sử dụng thì chấp nhận giải quyết cho đối tượng có thẻ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mã đối tượng và mã quyền lợi mới./.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Điều chỉnh cách tính giá khám, chữa bệnh BHYT từ đầu năm 2019

Theo Thông tư số 39 vừa được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/01/2019 tới đây, chi phí tiền lương cho cán bộ y tế cũng sẽ được tính vào giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế…

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/05/2018 của Bộ Y tế.

Điểm đáng chú ý, Thông tư 39 quy định rõ nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; Xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; Xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế.

So với Thông tư 15, Thông tư số 39 vừa được ban hành có một số điểm mới như quy định: “Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền giường điều trị nội trú”.

Thông tư mới cũng bổ sung mức giá khám bệnh của trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, trạm y tế kết hợp quân dân y sẽ áp dụng mức giá của trạm y tế xã.

Đặc biệt, mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III của Thông tư 39, thay vì căn cứ vào mức giá của bệnh viện hạng IV theo Thông tư 15 hiện nay.

Đặc biệt, Thông tư này cho tính chi phí tiền lương tính trong giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế, gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư 39 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2019. Riêng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên tại Phụ lục I, II, III của Thông tư 39 được áp dụng kể từ ngày 15/12/2018.

(Nguồn: Anninhthudo.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Bảo hiểm thất nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao dịch điện tử

Nhằm đẩy nhanh lộ trình bao phủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) Chính phủ giao, việc hướng tới thực hiện giao dịch điện tử là xu thế tất yếu mà ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đang nỗ lực đẩy mạnh.

Với mục tiêu đó, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức lấy ý kiến góp ý công khai Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và BHTN.

Theo đó, thông tư sẽ hướng dẫn về việc: Tham gia BHTN, tiếp nhận giải quyết các chế độ BHTN và trao đổi thông tin liên quan đến thực hiện chế độ BHTN bằng phương thức điện tử; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động bằng phương thức điện tử, bao gồm: Tra cứu thông tin của NLĐ đang hưởng các chế độ BHTN; thông tin của người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; gửi các văn bản, thông báo của cơ quan giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ, người sử dụng lao động.

Đối tượng áp dụng thông tư gồm: NLĐ, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm. Đơn vị thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHTN (Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung tâm Dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập được giao các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm). Đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ đóng BHTN và chi trả trợ cấp thất nghiệp (cơ quan BHXH). Cơ quan xây dựng, triển khai và quản lý dữ liệu về BHTN (Cục Việc làm, cơ quan BHXH) cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, theo thông tư, giao dịch điện tử trong lĩnh vực này phải thực hiện theo các nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử; bảo đảm tính liên tục, kịp thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin…; cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch bằng phương thức truyền thống trong lĩnh vực BHTN.

Thông tư cũng nhấn mạnh, điều kiện thực hiện giao dịch điện tử BHTN đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Cục Việc làm cấp. Mặt khác, phải có khả năng truy cập, sử dụng mạng internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Cục Việc làm. Các giấy tờ ở dạng chứng từ giấy phải còn giá trị pháp lý để tài liệu chứng từ điện tử có giá trị pháp lý tương đương. Đặc biệt, NLĐ, người sử dụng lao động khi thực hiện các giao dịch điện tử phải có tài khoản giao dịch điện tử để đăng nhập vào cổng thông tin điện tử.

Đánh giá những đổi mới về phương thức giao dịch điện tử cho thấy, đây là xu thế tất yếu và cũng là một trong những nhiệm vụ đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, yêu cầu cấp thiết là cần cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng - hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BHTN. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BHTN. Trong đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu triển khai có hiệu quả các chính sách BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Hiện, Dự thảo Thông tư này đang được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lấy ý kiến công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ từ ngày 12/11/2018 - 12/01/2019.

Giao dịch điện tử là xu thế tất yếu để thực hiện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp.

(Nguồn: Congthuong.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH: Sẽ mở rộng sử dụng Thẻ chi trả trên toàn quốc

Chỉ với một chiếc Thẻ chi trả nhỏ gọn thay thế phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), người hưởng có thể nhận lương hưu hay trợ cấp BHXH một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Ưu điểm lớn của chiếc thẻ nhỏ

BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty (TCT) Bưu điện Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết thí điểm và mở rộng phương án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. 

Từ tháng 5/2017, BHXH Việt Nam đã phối hợp với TCT Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm phương án ứng dụng CNTT (sử dụng Thẻ chi trả) trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) và Bình Giang (Hải Dương). Sau thời gian thí điểm, cuối tháng 3/2018, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn tạm thời thực hiện mở rộng phương án ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hải Dương.

Tính đến tháng 11/2018, Bưu điện đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ tại 25 quận, huyện tại 2 địa phương trên (trong đó TP Hà Nội: 18/30 quận huyện; Hải Dương: 7/12 quận huyện) với tổng số người thụ hưởng là 336.390 người (chiếm 62% tổng số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt trên địa bàn), tổng số tiền chi là 1.435 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương khẳng định, việc ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt bước đầu đã mang lại hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng, đồng thời, công tác quản lý người hưởng, thực hiện chi trả nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Sẽ mở rộng triển khai sử dụng Thẻ chi trả trên toàn quốc

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (BHXH Việt Nam) cho biết, từ ngày 01/01/2019, BHXH Việt Nam và TCT Bưu điện Việt Nam sẽ mở rộng triển khai thực hiện chi trả qua Thẻ chi trả trên phạm vi toàn quốc, địa phương nào chuẩn bị đủ điều kiện sẽ thực hiện trước. 

Theo lộ trình được công bố tại Hội nghị:

  • Từ tháng 4 đến tháng 5/2019, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Thẻ sẽ được triển khai tại 10 tỉnh/TP gồm: Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên, Đồng Tháp.
  • Từ tháng 6 đến tháng 8/2019 tiếp tục triển khai tại 20 tỉnh/TP gồm: Đắk Lắk, Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cần Thơ, Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Long An, Bình Định, Đắk Nông, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn.
  • Từ tháng 9 đến tháng 11/2019, triển khai tại 31 tỉnh/TP còn lại gồm: Ninh Thuận, Phú Thọ, Hưng Yên, Trà Vinh, Bến Tre, Cao Bằng, Hà Nam, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Yên Bái, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên, Hậu Giang, Kon Tum, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Nam Định, Vĩnh Long.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh, thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thông qua Thẻ chi trả mang lại nhiều thuận lợi cho người hưởng. Do đó, để triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu: Vụ Tài chính - Kế toán (BHXH Việt Nam) khẩn trương hướng dẫn việc thanh quyết toán lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng giữa cơ quan BHXH và Bưu điện để thực hiện thống nhất trong cả nước. BHXH các tỉnh, TP chuẩn bị sẵn sàng dữ liệu thông tin người hưởng để cung cấp cho Bưu điện làm cơ sở cấp Thẻ chi trả cho người hưởng. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị ngành Bưu điện chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng CNTT và trang thiết bị, kể cả thiết bị dự phòng để đảm bảo việc triển khai chi trả nhanh chóng, chính xác, kịp thời, thuận tiện cho người hưởng. Đồng thời TP phối hợp chặt chẽ với Bưu điện cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người hưởng hiểu rõ mục đích và tiện ích của việc ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt thông qua Thẻ chi trả. 

Bà Chu Thị Lan Hương - Phó Tổng Giám đốc TCT Bưu điện Việt Nam: “Việc sử dụng Thẻ chi trả trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng có nhiều ưu điểm như:

  • Thẻ chi trả nhỏ gọn, không bị rách nát, người hưởng không phải trả bất kỳ khoản phí nào khi sử dụng Thẻ;
  • Không phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH;
  • Thời gian lĩnh tiền có biên độ dài hơn;
  • Người hưởng yên tâm hơn khi cả người hưởng và người được uỷ quyền đều được cập nhật ảnh và thông tin đầy đủ vào hệ thống;
  • Người hưởng có thể lĩnh tiền tại bất kỳ điểm Bưu điện nào mà không giới hạn tại các điểm chi trả đã đăng ký trước. 

Cơ quan Bưu điện cũng rút ngắn được thời gian chi trả, giảm được nhiều thủ tục hành chính, thuận lợi trong quá trình chi trả. Còn cơ quan BHXH có thể tra cứu và quản lý thông tin người hưởng đã được cập nhật thường xuyên trên cơ sở dữ liệu của Bưu điện, có thể kiểm tra, giám sát công tác quản lý và chi trả của Bưu điện và giảm nhân lực thực hiện các công việc lập danh sách, kiểm tra, quyết toán...”.

(Nguồn: Baophapluat.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Năm quy định mới về BHYT được áp dụng từ tháng 12/2018

Từ ngày 01/12/2018, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực thi hành.

Bổ sung một số đối tượng tham gia

Nghị định quy định thêm nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng gồm: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội, thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia theo hình thức hộ gia đình: chức sắc, chức viên, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng đã được quy định tại Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Mức đóng BHYT

Điều 7 Nghị định quy định chi tiết mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng như sau:

  • Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
  • Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT;
  • Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
  • Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
  • Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
  • Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
  • Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác.

Mức đóng BHYT của đối tượng nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau:

  • Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
  • Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
  • Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng BHYT được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT

Nghị định 146/2018/NĐ-CP yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) không được quy định thêm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT ngoài các thủ tục sau:

  • Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
  • Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan BHXH ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
  • Người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
  • Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
  • Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
  • Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định này.

  • Người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

Nếu trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH cần sao chụp thẻ BHYT, các giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.

5 trường hợp BHYT được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

Nghị định quy định 03 mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là từ 80 – 95% và 100%. Trong đó, 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh gồm:

  • Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
  • Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã.
  • Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở (Mức lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu đồng/ tháng).
  • Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi khám, chữa bệnh vượt tuyến.

Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT

  • Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP.
  • Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều.
  • Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, có thể hỗ trợ đóng BHYT cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu trên.

(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh giúp giảm tải, tiết kiệm chi phí

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân, song quá trình thực hiện tại một số cơ sở y tế còn nhiều khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quý Tường (ảnh), Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế.

Thời gian qua việc triển khai ứng dụng CNTT đã được Bộ Y tế triển khai ra sao? Hiệu quả thu được có đạt như kỳ vọng không, thưa ông?

Khi ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, không chỉ các cơ sở y tế đẩy nhanh quy trình khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, nhất là thanh toán BHYT, giám sát quỹ BHYT mà bản thân người bệnh cũng được hưởng lợi. Theo đó, tại một số cơ sở khám chữa bệnh có triển khai dịch vụ đăng ký khám bệnh qua mạng, người bệnh đang ở nhà cũng có thể gửi tin nhắn để đặt lịch khám, lấy số khám.

Việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh thời gian qua thu được nhiều kết quả tích cực với gần 100% bệnh viện đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện. Trên 75% bệnh viện ứng dụng CNTT đạt mức độ 3, áp theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2016 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại 10 bệnh viện. Ngoài ra, việc kết nối ứng dụng CNTT với một số bộ, ngành chuyên môn cũng có kết quả tốt. Theo đó, Bộ Y tế đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến đạt 100%.

Từ thực tế hiện nay cho thấy nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương triển khai khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Các Bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong khám chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các bệnh viện vệ tinh.

Hệ thống khám chữa bệnh từ xa đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp ở bệnh viện tuyến dưới mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Thời gian tới ngành Y tế có những giải pháp gì để nâng cao ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, thưa ông?

Để góp phần nâng cao hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện.

Ngành Y tế sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn; áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế vào các hệ thống CNTT nhằm nâng cao hiệu quả việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống CNTT; xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã, kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên; xây dựng cơ chế tài chính vận hành hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh BHYT; xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức đào tạo tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, các sở y tế về ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh; tiếp nhận, phản ánh về chất lượng dịch vụ CNTT, khó khăn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Đồng thời ngành Y tế sẽ đẩy nhanh việc vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

(Nguồn: Baohaiquan.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT giao dịch hồ sơ điện tử: Nỗ lực cải cách vì sự hài lòng của người dân

Năm 2018, với những nỗ lực cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, sự hài lòng của người dân khi đến làm các thủ tục hành chính liên quan tới bảo hiểm xã hội đã có bước chuyển biến rõ nét, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giao dịch hồ sơ điện tử. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết công việc cũng làm cho người dân hiểu và có tinh thần hợp tác, chia sẻ nhiều hơn với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Người dân giám sát quá trình giải quyết hồ sơ

Hà Nội là địa phương có số đơn vị và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp rất lớn và biến động hết sức phức tạp, lượng khách giao dịch nhiều, thường xuyên trong tình trạng quá tải. Trước đây, khi thực hiện công việc một cách thủ công, thường xảy ra khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn (tỷ lệ hồ sơ chậm muộn khoảng 20%). Thế nhưng, tình trạng này đã được cải thiện trong năm 2018. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, công dân quận Thanh Xuân, sau khi đến làm thủ tục nhận chế độ hưu tại BHXH quận chia sẻ: “Thái độ tiếp đón của nhân viên bộ phận “một cửa” tại đây rất niềm nở, cách làm việc khoa học, mạch lạc, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, mọi thủ tục đều rất nhanh gọn. Do vậy, thời gian tiếp nhận và giải quyết các thủ tục nhận chế độ hưu trí được thực hiện chỉ trong một buổi sáng”.

TP Hà Nội cũng đã đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận "một cửa" tại trụ sở BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã. Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết: Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" đã mang lại sự thuận tiện cho người dân, bảo đảm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Người dân có nhu cầu chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin điện tử của BHXH thành phố, người dân có thể theo dõi, giám sát, tra cứu quá trình và kết quả giải quyết hồ sơ của cơ quan BHXH.

Mặt khác, việc áp dụng cơ chế "một cửa" cũng giúp các phòng, bộ phận nghiệp vụ có điều kiện tập trung và chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn. Đối với những hồ sơ chậm hạn (chiếm gần 5%) có nguyên nhân chủ yếu là khách quan (hồ sơ giải quyết trợ cấp tuất phải qua khâu xác minh, hồ sơ thanh toán trực tiếp BHYT phải qua giám định đa tuyến, hồ sơ chốt sổ của những đơn vị có nhiều lao động). Với việc công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết các thủ tục, người dân đã dần thông cảm hơn và chia sẻ khó khăn với cơ quan BHXH, không phát sinh khiếu nại.

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực

Để có được những chuyển biến ấn tượng trong cải cách hành chính, BHXH thành phố đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó, phải kể tới việc BHXH thành phố đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội xây dựng kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa điện tử”. Từ khi thực hiện, việc tiếp nhận và quyết toán giữa BHXH thành phố với Bưu điện bảo đảm nhanh chóng và chính xác. Đến nay, 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn cũng thực hiện hình thức giao dịch điện tử và chuyển kết quả qua dịch vụ bưu chính, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi xuống dưới 2 ngày đối với địa bàn quận và dưới 3 ngày đối với địa bàn huyện.

BHXH TP Hà Nội là đơn vị thí điểm thực hiện giám định BHYT điện tử thông qua Cổng thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam. Hiện tại, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố đã thực hiện kết nối và chuyển số liệu thanh toán viện phí BHYT hằng ngày lên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định. Nhờ đó, công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh được nhanh và chính xác hơn, hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT. Việc kết nối với ngân hàng, kho bạc đã giúp rút ngắn thời gian giao dịch, chờ đợi, tiết kiệm nhân lực, phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp số liệu thu, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động. BHXH thành phố đang phấn đấu thực hiện giao dịch điện tử mức độ 4 về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT.

Theo BHXH TP Hà Nội, hiện vẫn còn gần 6% đơn vị chưa thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động có dưới 10 lao động, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của BHXH thành phố. Khu làm việc tại bộ phận “Một cửa” của BHXH nhiều quận, huyện, thị xã chật hẹp; cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp, không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Hệ thống các quy định, quy trình, thủ tục hành chính còn một số vướng mắc do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ.

Trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ phận “một cửa” và hoàn thiện phần mềm “một cửa điện tử”, tăng cường công tác giám định trên hệ thống thông tin giám định BHYT; phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT. Hết năm 2018, BHXH thành phố kỳ vọng đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT giao dịch hồ sơ điện tử.     

(Nguồn: Hanoimoi.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav