Tin tức Bảo hiểm xã hội điện tử Bkav Ivan - Nộp tờ khai
Bản tin Bảo hiểm Xã hội điện tử tháng 5/2019
I. Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ
Trong quá trình kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử trên Bkav IVAN, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thông báo cho Bkav theo 1 trong 4 cách dưới đây:
- Cách 1: Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavIVAN hoặc https://zalo.me/3968490022311197298 (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả)
- Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.
- Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
- Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại http://bkavca.vn/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://hotro.bkav.com.
II. Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người có công với cách mạng
Để đảm bảo quyền lợi cho người có công với cách mạng khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 713/BHXH-CSYT về việc đổi mã hưởng BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đối với đối tượng mang mã CK, CB, KC (người có công với cách mạng và cựu chiến binh).
Theo đó, BHXH Việt Nam cho biết, theo Khoản 2, Điều 13 Luật BHYT quy định “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”. Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT quy định “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Như vậy, một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định, mức hưởng BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Công văn số 4996/BHXH-CSYT ngày 29/11/2018 và Công văn số 5219/BHXH-CSYT ngày 12/12/2018 mà BHXH Việt Nam đã ban hành để hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện xác định cụ thể các đối tượng phải thực hiện đổi mã đối tượng, mã mức hưởng theo đúng quy định tại Luật BHYT và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì việc đổi mã quyền lợi của các nhóm đối tượng CK, CB, KC khi cấp, đổi mã quyền lợi hưởng BHYT như sau:
- Đối với đối tượng là người có công với cách mạng được quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối tượng người tham gia kháng chiến được quy định tại Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, có một số người tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp theo các quyết định: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 1/11/2005, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007, Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011, Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 và Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 6/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Vì vậy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT, người tham gia kháng chiến đồng thời là người có công, thì mức hưởng BHYT theo người có công với cách mạng (mã quyền lợi hưởng BHYT là KC2).
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị B thuộc đối tượng thanh niên xung phong được hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, trước kia bà B đang mang mã KC2, nay xác định bà B được tặng Huân/Huy chương kháng chiến thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Do đó, không đổi xuống mã KC4 cho bà B, mà giữ nguyên là mã KC2.
Tương tự, bà Nguyễn Thị C thuộc đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp, được hưởng chế độ theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg. Trước kia, bà C mang mã KC2, nay xác định bà C được tặng Huân/Huy chương kháng chiến thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Do đó, không đổi xuống mã KC4 cho bà B, mà giữ nguyên mã KC2.
- Đối với đối tượng cựu chiến binh, BHXH Việt Nam cho biết, đối tượng là cựu chiến binh được quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối tượng là người tham gia kháng chiến được quy định tại Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số người tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp theo các quyết định: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 1/11/2005, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg và toàn bộ người tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg là cựu chiến binh theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Vì vậy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT, người tham gia kháng chiến đồng thời là cựu chiến binh, thì mức hưởng BHYT theo đối tượng cựu chiến binh (mã quyền lợi hưởng BHYT là KC2).
Ví dụ, nếu ông Nguyễn Văn A là đối tượng quân nhân hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 62, trước kia ông đang mang mã KC2, nay xác định ông A thuộc đối tượng cựu chiến binh thì không đổi sang mã KC4, mà giữ nguyên mã KC2.
Trường hợp ông Nguyễn Văn B là đối tượng quân nhân hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, trước kia theo Nghị định 105/NĐ-CP, ông B mang mã CB2, nay ông B vẫn thuộc nhóm cựu chiến binh, mang mã CB2, không đổi sang mã KC4.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 4996/BHXH-CSYT, Công văn 5219/BHXH-CSYT và hướng dẫn trên. Trường hợp đã đổi mức hưởng BHYT không đúng, thì khẩn trương liên hệ với đối tượng để đổi lại thẻ BHYT cho đối tượng, thực hiện thanh toán trực tiếp cho đối tượng phần chi phí KCB mà người bệnh đã phải nộp do bị chuyển đổi mức hưởng BHYT chưa đúng (nếu có).
(Nguồn: Baophapluat.vn; Xem chi tiết tại đây)
III. Mỗi người có một mã số BHXH duy nhất
Mỗi người dân sẽ có một mã số BHXH theo suốt cuộc đời. Đây là mã số định danh duy nhất ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn sử dụng các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng Quyết định 346/QĐ-BHXH về Quy chế quản lý và cấp mã số BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Hiện nay, công tác rà soát, quản lý việc cấp mã số BHXH vẫn còn nảy sinh một số vấn đề bất cập, khó khăn, nhất là BHXH các địa phương đã phát hiện ra nhiều lỗi trong tổ chức thực hiện.
Nếu chấp hành không nghiêm quy chế quản lý, cấp mã BHXH sẽ dẫn đến một người có nhiều mã, cơ sở dữ liệu hộ gia đình không được cập nhật đầy đủ, chính xác. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Trung tâm CNTT phải phối hợp với Ban Thu sớm lên phương án cấp mã đơn vị sử dụng lao động như đối với cấp mã số BHXH để thống nhất trong quản lý. Theo đó, việc đồng nhất, lấy mã số thuế làm mã số BHXH phải sớm được hoàn thiện để tránh tình trạng trùng lặp mã số BHXH.
Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – BHXH Việt Nam, cho biết, trước đây, việc cấp mã số BHXH được thực hiện theo nhiều cách. Còn hiện nay, theo quy trình, phải đảm bảo chính xác, mỗi người có một mã riêng duy nhất.
Theo đó, sơ đồ cấp mã số gồm 2 phần, trong đó đầu tiên phải thao tác tìm kiếm hộ gia đình theo nhiều tiêu chí; sau đó cập nhật thông tin cá nhân, tìm kiếm theo các bộ tiêu chí thông tin định danh (họ tên, ngày sinh, nơi cấp giấy khai sinh).
Theo BHXH Việt Nam, mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Qua đó, việc quản lý được thực hiện xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Đồng thời chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Khi thực hiện được điều này sẽ chấm dứt tình trạng trùng thẻ BHYT, chính người dân cũng bao quát được quá trình tham gia đóng, hưởng BHYT và BHXH khi đến hết tuổi lao động.
Mã số BHXH là dãy số tự nhiên bao gồm 10 chữ số (2 số đầu là mã tỉnh, 8 số tiếp theo là số tự nhiên). Các điểm mới cụ thể là: Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ BHXH bằng cụm từ “Mã số:”. Ví dụ: bìa và tờ rời sổ BHXH trước đây in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”.
Việc cấp mã số BHXH, người tham gia có được nhiều thuận lợi hơn. Người dân chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp không nhớ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý.
Thông qua mã số BHXH, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Còn đối với các đơn vị sẽ thuận tiện trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT.
(Nguồn: Phunuvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)
IV. Biết được toàn bộ thông tin đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng một tin nhắn
Chỉ bằng việc soạn tin nhắn và gửi đến 8079, người dân nhận được những thông tin liên quan đến BHXH, BHYT.
Theo Vietnamplus, trung tâm công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) vừa có văn bản gửi các cơ quan bảo hiểm xã hội trên cả nước thông tin về việc triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo đầu số 8079.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa bổ sung thêm đầu số tra cứu 8079 với mức phí dịch vụ là 1.000 đồng/tin nhắn.
Cú pháp tin nhắn tra cứu theo đầu số 8079 cụ thể như sau:
STT |
Mô tả |
Cú pháp gửi tin nhắn |
1 |
Tra cứu thời gian tham gia BHXH |
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp sau gửi đến 8079: BH QT 0110129425 Nội dung tin nhắn nhận được: “Mã số BHXH: 0110129425, Thời gian tham gia BHXH: 9 năm 7 tháng; Thời gian tham gia BHTN: 8 năm 8 tháng” |
2 |
Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian |
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ tháng-năm} {đến tháng-năm} Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp sau gửi đến 8079: BH QT 0110129425 012016 122017 Nội dung tin nhắn nhận được: “Mã số BHXH: 0110129425, Thời gian tham gia BHXH: 2 năm; Thời gian tham gia BHTN: 2 năm (Tổng thời gian tham gia BHXH: 9 năm 7 tháng; Tổng thời gian tham gia BHTN là 8 năm 8 tháng)” |
3 |
Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian theo năm |
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp sau gửi đến 8079: BH QT 0110129425 2017 2018 Nội dung tin nhắn nhận được: “Mã số BHXH: 0110129425, Thời gian tham gia BHXH: 1 năm 11 tháng; Thời gian tham gia BHTN: 1 năm 6 tháng (Tổng thời gian tham gia BHXH: 9 năm 7 tháng; Tổng thời gian tham gia BHTN là 8 năm 8 tháng)” |
4 |
Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT |
BH THE {mã thẻ bảo hiểm y tế} Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp sau gửi đến 8079: BH THE HC4010110129425 Nội dung tin nhắn nhận được: “Mã thẻ: HC4010110129425, Nơi ĐKKCB BĐ: Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, Giá trị sử dụng từ 01/01/2018 đến 31/12/2018, Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ ngày 01/01/2015” |
5 |
Tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ |
BH HS {mã hồ sơ} Ví dụ: Soạn tin nhắn với cú pháp sau gửi đến 8079: BH HS 04486.G/2019/08708 Nội dung tin nhắn nhận được: “Hồ sơ 04486.G/2019/08708: BHXH đã xử lý xong hồ sơ. Vui lòng đến nhận kết quả” |
Trước đó, ngoài đầu số 8079, các cá nhân/đơn vị có thể tự tra cứu thông tin tham gia bảo hiểm xã hội theo đầu số 8179 sẽ có phí dịch vụ tra cứu là 1.500 đồng/tin nhắn. Phí dịch vụ này do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và nhà mạng được hưởng phí này từ tin nhắn của thuê bao di động cá nhân/đơn vị tra cứu.
Báo Pháp Luật TPHCM cho hay, trước đó, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, khẳng định mục tiêu phấn đấu của BHXH Việt Nam là đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác: “Đặc biệt hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững…”, ông Phương nhấn mạnh.
(Nguồn: Nguoiduatin.vn; Xem chi tiết tại đây)
V. Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai hiệu quả số hóa văn bản
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong Quý I/2019, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương tiếp tục rà soát thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Các thủ tục hành chính của ngành đều được công bố và cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của Chính phủ, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương tiếp tục duy trì bộ phận “Một cửa” theo quy định. Trong đó, đã đưa vào vận hành Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ các quy trình nghiệp vụ. Đến nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; 63/63 tỉnh, thành đã nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích…
Đáng chú ý toàn ngành cũng đã triển khai hiệu quả việc số hoá văn bản, tài liệu trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Cụ thể, trong Quý I, BHXH Việt Nam phát hành 1.012 văn bản, trong đó ký số (gửi hoàn toàn điện tử) 830 văn bản, chiếm 82,02%; gửi 65 văn bản scan trên phần mềm, chiếm 6,42%; còn lại 117 văn bản giấy (chiếm 11,56%, bao gồm văn bản mật và văn bản đặc thù). Văn bản đến được scan, số hoá gửi trên phần mềm đạt tỉ lệ trên 90%.
Cũng theo BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2019-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ ưu tiên tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực BHXH gồm đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT... Hướng tới số hoá hồ sơ, giấy tờ; chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy CCHC thông qua việc ứng dụng CNTT.
Để thực hiện tốt việc này, BHXH Việt Nam sẽ triển khai hệ thống các phần mềm nghiệp vụ; nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT; duy trì hệ thống mạng WAN, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong toàn ngành. Phối hợp hoàn thiện và ban hành tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung. Mặt khác, xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hoá toàn diện hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng, nâng cao năng lực, hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.
Mới đây nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm, đơn giản, tiết kiệm chi phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng hệ thống thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hiệu quả, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng CNTT trong thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 900/KH-BHXH về Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019. Theo đó có 07 nội dung của Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019.
Cụ thể xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành; Rà soát và thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính: Công bố, công khai, cập nhật thủ tục hành chính vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính; Kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Ứng dụng CNTT trong thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; Truyền thông về các hoạt động cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH.
(Nguồn: Daidoanket.vn; Xem chi tiết tại đây)
VI. Quyết định 166/QĐ-BHXH: Thống nhất, cải cách trong giải quyết, chi trả BHXH, BH thất nghiệp
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5 tới đây, Quyết định 166/QĐ-BHXH về Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam được kỳ vọng mang đến những cải cách, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho người dân, người lao động.
Quyết định 166/QĐ-BHXH được Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2019 để thay thế các quyết định, công văn của BHXH Việt Nam trước đây trong lĩnh vực này gồm: Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016, Quyết định 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016, Quyết định 1515/QĐ-BHXH ngày 17/10/2016; bãi bỏ Công văn số 3647/BHXH-CSXH ngày 21/9/2016, Công văn số 4644/BHXH-CSXH ngày 18/11/2016.
Đây là một Quyết định lớn của BHXH Việt Nam có tính tổng hợp, thống nhất, quy chuẩn lại các hoạt động nghiệp vụ trong quy trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
Quyết định 166/QĐ-BHXH gồm 6 chương, 11 điều quy định cụ thể, chi tiết về việc: Phân cấp quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, bộ phận liên quan trong giải quyết chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; quy định về nguyên tắc, quy trình chi trả, giải quyết cũng như từng loại hồ sơ, thủ tục cho từng chế độ BHXH, BH thất nghiệp… Những quy định này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định cũ; phù hợp hơn với tình hình thực tế và sự phát triển, cải cách của ngành BHXH.
BHXH Việt Nam xác định, mọi quy trình, thủ tục trong giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp của Ngành đều được thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất trên cả nước; lấy người tham gia, thụ hưởng làm trung tâm phục vụ.
Theo đó, căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp là sổ BHXH - nơi thể hiện quá trình đóng BHXH của người động được đồng bộ với cơ sở dữ liệu thu, sổ - thẻ đã được quản lý tập trung thống nhất trong cả nước.
Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH, cơ quan BHXH phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu, sổ - thẻ. Sổ BHXH được đưa vào lưu trữ theo quy định sau khi đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Trường hợp đã được giải quyết hưởng BHXH mà việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu thu, sổ - thẻ thì trước hết phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên Hệ thống và điều chỉnh lại sổ BHXH; căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định.
Việc giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp cần đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách, đúng người hưởng. Tổ chức làm đại diện chi trả phải được BHXH Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng BHXH hàng tháng. Các đại diện chi trả phải tổ chức các điểm chi trả đến cấp xã phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
BHXH Việt Nam khuyến khích BHXH các tỉnh áp dụng các giải pháp trong tổ chức thực hiện để giảm hơn nữa thời hạn giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp so với thời hạn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH này; đồng thời, nghiêm cấm cơ quan BHXH các cấp, các tổ chức làm đại diện chi trả quy định thêm các thủ tục hành chính, gây phiền hà, sách nhiều đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp…
Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Đơn cử, đối với việc giải quyết chế độ Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH, các giấy tờ khám và điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Đối với trường hợp tử tuất, Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bỏ biên bản xác minh về thân nhân hưởng chế độ tuất (Mẫu 09B-HSB), biên bản họp của các thân nhân (Mẫu 16-HSB) để tạo thuận lợi cho đối tượng hưởng…
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
VII. Từ ngày 1/5, Hà Nội điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Hôm nay (1/5), TP.Hà Nội bắt đầu triển khai Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đối với cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn.
Theo đó, các cơ sở KCB công lập của Hà Nội bao gồm: Các BVĐK, chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa, BVĐK tuyến huyện, PKĐK, nhà hộ sinh, trạm y tế cấp xã chính thức thực hiện điều chỉnh giá DVYT đối với người không có thẻ BHYT.
Từ ngày 1/5, giá DVYT áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào giá, từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Hà Nội hiện có 86,7% dân số đã tham gia BHYT, nên việc điều chỉnh giá DVYT lần này chỉ tác động đến đối tượng chưa tham gia BHYT. Về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Các danh mục, giá các dịch vụ KCB không thuộc quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ KCB, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các DVKT và xét nghiệm áp dụng cho các hạng BV. Giá DVYT tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương. Với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT đang được áp dụng giá dịch vụ chỉ tính mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng.
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ KCB, giảm thời gian chờ đợi… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Những người bệnh vào điều trị tại BV trước ngày 1/5 và ra viện sau ngày 1/5 được áp dụng mức giá trước thời điểm thực hiện mức giá mới.
(Nguồn: Baobaohiemxahoi.vn; Xem chi tiết tại đây)
VIII. Hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi
01 trong 18 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực BHXH được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cập nhật lên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về Thủ tục hành chính theo Quyết định số 1904/QĐ-LĐTBXH về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực BHXH thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là thủ tục Hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi. So với trước, thủ tục hành chính này bổ sung một số nội dung về cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, đối tượng thực hiện thủ tục hành chính và căn cứ pháp lý.
Căn cứ Luật BHXH ngày 20/11/2014; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi mới đủ điều kiện thực hiện thủ tục hành chính này. Để thực hiện thủ tục, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc; trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm nhận nuôi con nuôi nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH và xuất trình sổ BHXH.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ thai sản theo quy định này nộp cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH. Số lượng hồ sơ là 01 bộ (mẫu đơn, mẫu tờ khai theo quy định của BHXH Việt Nam), thành phần bao gồm giấy chứng nhận nuôi con nuôi; danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập; trường hợp giấy tờ của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính là danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe./.
(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)
Bkav
Email: Noptokhai@bkav.com