Bản tin thuế, bảo hiểm xã hội điện tử tháng 02/2016

Bấm vào để phóng to

A.   THUẾ ĐIỆN TỬ

I.   Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai tháng 02/2016

Bkav xin thông báo, do ngày cuối của kỳ lập bộ tháng 02/2016 trùng với ngày nghỉ (ngày thứ Bẩy) nên theo Quy định tại khoản 4 điều 8 thông tư số 156/2013/TT-BTC "Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó". Như vậy, kỳ lập bộ tháng 02/2016 sẽ hết hạn vào ngày 22/02/2016 đối với tờ khai tháng 01/2015. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn. 

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai, trước thời hạn hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, Quý khách hàng hãy liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, Quý khách hàng có thể tham khảo Hướng dẫn xử lý các vấn đề thường gặp khi kê khai, nộp tờ khai tại đây.  

II.   Chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 02/2016

Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Lào được giảm thuế; hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp 2016… là những chính sách tài chính mới, có hiệu lực thi hành trong tháng 2/2016.

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Theo đó, trong quản lý thuế người nộp thuế phải được đánh giá rủi ro để áp dụng lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, phân loại trường hợp tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác ở mức độ phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế.

Việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế căn cứ các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro, thông tin nghiệp vụ và thông tin, dữ liệu có trên “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” của Tổng cục Thuế.

Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát trên cơ sở đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro cao, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những trường hợp được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro thấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04/02/2016.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Lào được giảm thuế

Bộ Tài chính cho biết, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Lào sẽ được giảm thuế 50% từ ngày 14/02/2016 đến ngày 03/10/2020, theo quy định tại Thông tư 216/2015/TT-BTC.

Theo đó, Thông tư 216 quy định Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA.

Đối với hàng hóa quy định tại danh mục này không thuộc Biểu thuế ATIGA thì áp dụng giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu thuế MFN) ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC (đối với hàng hóa nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan kể từ ngày 03/10/2015 đến ngày 31/12/2015 thì mức thuế suất MFN thực hiện theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC)…

Thông tư mới quy định về sử dụng hóa đơn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 218/2015/TT-BTC quy định về việc sử dụng hóa đơn đối với thương nhân thực hiện mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg.

Theo quy định tại Thông tư, thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu phải sử dụng hóa đơn theo quy định.

Khi bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần thì phải xuất hóa đơn giao cho người mua và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa. Trường hợp khi bán hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Thông tư 218/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 14/02/2016.

Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp 2016

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo đó, chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn theo quy định Khoản 1 Điều 48 Nghị định 19/2015/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo số chi thực tế khi đáp ứng các điều kiện sau:

Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp; khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

Thông tư 212/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 14/2/2016 và áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016.

Quy định mới về phí, lệ phí hàng hải

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTC quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2016 và bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật khác trái với quy định tại Thông tư này.

Theo đó, Thông tư quy định cụ thể đối tượng chịu phí, lệ phí hàng hải theo biểu phí, lệ phí hoạt động hàng hải quốc tế và hàng hải nội địa. Đồng thời kèm theo Danh mục khu vực hàng hải trong khu vực quản lý của 25 cảng vụ hàng hải; trong đó Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi gồm 03 khu vực hàng hải là khu vực đảo Lý Sơn, khu vực Sa Kỳ và khu vực Dung Quất.

Giảm thuế đối với một số hàng hóa môi trường

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 05/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số hàng hóa môi trường trong APEC thuộc nhóm 84.19 và 84.21 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với các loại thiết bị đun nước nóng, máy và thiết bị lọc hoặc tinh chế chất lỏng… sẽ giảm từ 10% về mức 5%. Cụ thể:

  • Mã hàng hóa: 8419.19.10 - Loại sử dụng trong gia đình;
  • Mã hàng hóa: 8419.19.90 - Loại khác;
  • Mã hàng hóa: 8421.21.11 - Máy và thiết bị lọc sử dụng trong gia đình;
  • Mã hàng hóa: 8421.21.19 - Loại khác;
  • Mã hàng hóa: 8421.21.23 - Không hoạt động bằng điện.

Thông tư 05/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2016.

(Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam; Xem chi tiết tại đây)

III.   Áp thuế suất 1% đối với Dầu và các sản phẩm từ chưng cất hắc ín than đá

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 16/2016/TT-BTC quy định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 27.07, 29.02 và 39.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC.

Theo đó, Bộ Tài chính quy định, áp dụng thuế suất 1% đối với các sản phẩm là:

  • Dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao;
  • Các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm (benzen, Xylen); hạt nhựa PP dạng phân tán.

Cũng tại thông tư 16, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung Chương 98 quy định mã hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với một số nhóm mặt hàng, mặt hàng tại Mục II, Phụ lục II của Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 182.

Trong đó, Bộ Tài chính quy định cụ thể về thông số kỹ thuật về tỷ trọng, chỉ số nóng chảy, cường độ chịu lực, modun uốn đối với mặt hàng hạt nhựa PP dạng nguyên sinh áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng là 0%.

Thông tư 16/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 06/03/2016.

(Nguồn: Tổng cục Thuế)

IV.   Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Công văn số 10492/BTC-TCT và Công văn số 13822/BTC-TCT

Thời gian qua Bộ Tài chính nhận được phản ánh vướng mắc của một số Cục Thuế, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/07/2015 về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và công văn số 13822/BTC-TCT ngày 02/10/2015 về việc quản lý đúng quy định pháp luật chi hoàn thuế GTGT. Về vấn đề này, ngày 17/12/2015 Bộ Tài chính có Công văn 18832/BTC-TCT hướng dẫn như sau:

  • Tiêu chí xác định thuộc trường hợp ưu tiên chi hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm 3 công văn số 10492/BTC-TCT và Điểm 3 công văn số 13822/BTC-TCT đề nghị thực hiện như sau: 
    • Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu vào khu chế xuất) có doanh số sản xuất hàng hoá xuất khẩu năm trước liền kề hoặc năm hiện tại chiếm tỷ trọng từ 51% trở lên trong tổng doanh thu bán hàng hóa dịch vụ trên tờ khai thuế (GTGT);
    • Tiêu chí xác định dự án quan trọng Quốc gia: căn cứ theo Luật đầu tư 2014, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ về dự án, công trình quan trọng quốc gia; 
    • Tiêu chí xác định đối với dự án đầu tư mới quan trọng trên địa bàn là dự án đầu tư để thành lập doanh nghiệp mới với mục đích đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hoá chịu thuế GTGT thuộc danh mục dự án đầu tư được UBND cấp tỉnh cho ý kiến về chủ trương đầu tư hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, không bao gồm: dự án đầu tư để khai thác tài nguyên, khoáng sản; dự án đầu tư bất động sản; dự án đầu tư xây dựng trụ sở doanh nghiệp; dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại hoặc tổ hợp trung tâm thương mại, nhà chung cư, văn phòng cho thuê; 
    • Hoàn thuế đối với các trường hợp được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
    • Hoàn thuế đối với khách nước ngoài mua hàng miễn thuế khi xuất cảnh;
    • Hoàn thuế của nhà thầu nước ngoài khi làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động đã được cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra;
    • Doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động đã được cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra;
    • Hoàn dự án ODA không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không hoàn lại phục vụ cho các chương trình, mục tiêu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 
  • Sau khi thực hiện chi hoàn theo thứ tự ưu tiên tại điểm 1 công văn này và trong phạm vi dự toán hoàn thuế GTGT năm 2015 Cục Thuế thực hiện chi hoàn thuế cho trường hợp sau đây:
  • Doanh nghiệp xuất khẩu thương mại qua các cửa khẩu quốc tế (trừ các mặt hàng xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản; mặt hàng xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu). 
  • Cục Thuế có trách nhiệm rà soát lại các trường hợp nêu trên đã có Thông báo kết quả giám sát chi hoàn thuế GTGT của Tổng cục Thuế không thuộc ưu tiên chi hoàn thuế theo công văn 13822/BTC-TCT và chưa chi hoàn cho người nộp thuế tính đến ngày ký ban hành công văn này, gửi Tổng cục Thuế để biết, theo dõi; đồng thời Cục Thuế thực hiện chi hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế.
  • Doanh nghiệp trụ sở chính khi lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT (gọi là người nộp thuế (NNT) đề nghị hoàn thuế) phải lập kèm theo Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh để thực hiện bù trừ đối với toàn bộ số tiền thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh (gọi là NNT còn nợ thuế) với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế (theo mẫu 01/NTĐNBTNT đính kèm công văn này). 
  • Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về việc kê khai, hoàn thuế GTGT đối với chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là chi nhánh) theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và Điểm 9 công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/07/2015 như sau:
    • Doanh nghiệp trụ sở chính khi lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT (gọi là người nộp thuế (NNT) đề nghị hoàn thuế) phải lập kèm theo Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh để thực hiện bù trừ đối với toàn bộ số tiền thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh (gọi là NNT còn nợ thuế) với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế (theo mẫu 01/NTĐNBTNT đính kèm công văn này). Chi nhánh thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về quản lý thuế phải đảm bảo hạch toán đầy đủ thuế giá trị gia tăng của hàng hóa dịch vụ mua vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tương ứng với hàng hóa dịch vụ bán ra của chi nhánh. Khi thực hiện hoàn thuế GTGT phải được doanh nghiệp trụ sở chính ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật về việc uỷ quyền cho chi nhánh được thực hiện thủ tục hoàn thuế (NNT đề nghị hoàn thuế) với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý chi nhánh; đồng thời, chi nhánh phải gửi kèm theo Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính; các chi nhánh và đề nghị bù trừ giữa các đơn vị với số thuế GTGT đề nghị hoàn (có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp trụ sở chính) (theo mẫu 01/NTĐNBTNT đính kèm công văn này) để thực hiện bù trừ đối với toàn bộ số thuế còn phải nộp, còn nợ của doanh nghiệp trụ sở chính và các chi nhánh khác (gọi là NNT còn nợ thuế) với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế.
  • Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT đề nghị hoàn thuế phải gửi văn bản cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT có số thuế còn phải nộp, còn nợ thuế để đề nghị xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT đó (theo mẫu số 19/QTr-KK ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-TCT ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế). Chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan thuế trực tiếp quản lý NNT có số thuế còn phải nộp, còn nợ thuế phải có văn bản xác nhận gửi cơ quan Thuế quản lý NNT đề nghị hoàn thuế (theo mẫu số 20/QTr-KK ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-TCT ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế); quá thời hạn trên, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT đề nghị hoàn thuế được căn cứ tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT còn nợ thuế trên Hệ thống quản lý thuế tập trung TMS để giải quyết hoàn thuế; cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT có số thuế còn phải nộp, còn nợ thuế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về số liệu này.
  • Căn cứ văn bản xác nhận của các cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT có số thuế còn phải nộp, còn nợ thuế và thông tin trên Hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý NNT đề nghị hoàn thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế và bù trừ đối với toàn bộ số thuế còn phải nộp, còn nợ của NNT còn nợ thuế. Căn cứ Quyết định hoàn thuế/Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước, cơ quan Thuế lập Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu NSNN nếu số thuế được hoàn và số thuế còn phải nộp, còn nợ được bù trừ cùngs mã số thuế; trường hợp khác mã số thuế, cơ quan thuế lập Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN đối với số thuế được hoàn của NNT đề nghị hoàn thuế, đồng thời lập Lệnh thu Ngân sách Nhà nước mẫu số C1-01/NS (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính) đối với khoản bù trừ cho số tiền thuế còn phải nộp, còn nợ của NNT còn nợ thuế.
  • Về chuyển hồ sơ thuộc diện hoàn trước sang kiểm tra trước khi hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm 3 công văn số 13822/BTC-TCT:
  • Hồ sơ hoàn thuế nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại Điểm 3 công văn số 13822/BTC-TCT thì Cục Thuế sử dụng biện pháp nghiệp vụ để chuyển sang kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
  • Trường hợp người nộp thuế đề nghị hoàn thuế mà có hồ sơ hoàn thuế trước đó có hành vi vi phạm qua thanh tra, kiểm tra phải chuyển sang kiểm tra trước khi hoàn thuế là kể từ khi hành vi vi phạm bị phát hiện đến thời điểm đề nghị hoàn thuế là trong vòng 2 năm và hành vi vi phạm của người nộp đến mức truy thu, thu hồi hoàn thuế có số tiền thuế GTGT bị truy thu, thu hồi hoàn từ 10% trở lên so với số tiền thuế GTGT đã được hoàn hoặc có số tiền thuế GTGT bị thu hồi hoàn từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Trường hợp người nộp thuế thuộc danh sách doanh nghiệp rủi ro đã đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 của cơ quan Thuế đã được Bộ, Tổng cục phê duyệt.
  • Thời gian giám sát hồ sơ hoàn thuế của Tổng cục Thuế không tính trong thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Cục Thuế.
  • Tổng cục Thuế có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ, giám sát việc hoàn thuế của Cục Thuế theo đúng hướng dẫn tại Điểm 5 công văn số 13822/BTC-TCT (bao gồm tất cả các dự thảo Quyết định hoàn thuế, kể cả trường hợp Cục Thuế đã chi hết dự toán hoàn thuế đã được giao).

 Bộ Tài chính trả lời để Cục Thuế các tỉnh, thành phố được biết và thực hiện./.

(Nguồn: Tạp chí thuế; Xem chi tiết tại đây)

B.   BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

I.   BHXH Việt Nam: Nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về CCTTHC trong lĩnh vực BHXH

Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm 2015. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cấp thiết này.

Đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt từ năm 2014 của ngành BHXH nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và BHXH. Nỗ lực của ngành BHXH được thể hiện đậm nét qua một số kết quả khả quan như sau:

Tập trung rà soát, cắt giảm TTHC

Trên cơ sở rà soát từng thủ tục, chi tiết đến từng thành phần hồ sơ và tiêu chí trên các mẫu biểu, tờ khai, BHXH Việt Nam đã ban hành các Quyết định nhằm cắt giảm hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện của tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể giảm từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục (chưa tính thủ tục về tham gia giao dịch điện tử). Sau đợt tổng rà soát các TTHC, BHXH Việt Nam đã công bố các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, gồm:

  • TTHC trong giao dịch điện tử;
  • TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc 3 lĩnh vực: chi trả các chế độ BHXH, thực hiện chính sách BHXH, thực hiện chính sách BHYT;
  • TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Mặt khác, BHXH Việt Nam cũng đã quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn (giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…); chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc theo hướng phục vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC. Đặc biệt, ngày 29/9/2015, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giao dịch điện tử nhằm cắt giảm toàn bộ thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ của doanh nghiệp. Đến nay, một số tỉnh đã có 90% số doanh nghiệp sử dụng hình thức giao dịch BHXH điện tử như: Đồng Nai, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La…

Trong 3 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính và thay một số quy trình nghiệp vụ về giải quyết và chi trả các chế độ BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Năm 2016, phấn đấu 100% đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) tham gia giao dịch điện tử

Để cắt giảm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện một số nhiệm vụ:

  • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đó tập trung triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT;
  • Tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam và kiến nghị, đề xuất với các Chính phủ, các Bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC nhằm đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN cho cá nhân và tổ chức;
  • Phấn đấu trong năm 2016 đạt 100% đơn vị SDLĐ thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT qua giao dịch điện tử; tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và ứng dụng các sáng kiến có giá trị vào hoạt động thực tiễn của Ngành;
  • Tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch./.

(Nguồn: BHXH Việt Nam; Xem chi tiết tại đây)

II.   BHXH Hà Nội: Nỗ lực triển khai giao dịch điện tử

Theo ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, tin học hóa các TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị SDLĐ và người dân khi thực hiện các giao dịch về BHXH, từ tháng 8/2014 BHXH TP.Hà Nội đã phối hợp hỗ trợ các đơn vị SDLĐ triển khai giao dịch hồ sơ qua mạng Internet.

Việc triển khai bước đầu này gồm sử dụng hồ sơ bán điện tử, có mã vạch, chưa sử dụng chữ ký số, đối với một số thủ tục như:

  • Đăng ký tham gia BHXH lần đầu;
  • Thu BHXH, BHYT;
  • Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Thực tế hơn 1 năm qua cho thấy, phương thức giao dịch trên đã hỗ trợ tốt cho các đơn vị SDLĐ và cơ quan BHXH. Nhờ đó mà các bên tham gia giao dịch tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức đi lại... Tuy nhiên, phương thức giao dịch hồ sơ bán điện tử chỉ là "bước đệm" trong giai đoạn quá độ chuyển từ giao dịch hồ sơ giấy sang giao dịch hồ sơ điện tử (sử dụng file dữ liệu và chữ ký số). Từ ngày 01/10/2015, BHXH Thành phố đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử (hồ sơ có chữ ký số); đồng thời tạm ngừng việc thực hiện giao dịch hồ sơ bán điện tử bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi ở những địa bàn mà UBND xã, phường chưa sử dụng chữ ký số thì cơ quan BHXH vẫn chấp nhận phương thức giao dịch hồ sơ "bán điện tử" có mã vạch.

Để phương thức giao dịch hồ sơ điện tử đem lại hiệu quả cao, triển khai đồng bộ và thống nhất, BHXH Thành phố chỉ đạo BHXH các quận, huyện và các phòng nghiệp vụ sớm thông báo đến mọi công chức viên chức, các đơn vị SDLĐ, hướng dẫn các đơn vị SDLĐ đang thực hiện phương thức giao dịch "bán điện tử" chuyển sang phương thức giao dịch hồ sơ điện tử.

Cũng nhằm có được "ngân hàng" dữ liệu tình trạng người dân tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất nối mạng toàn quốc, sử dụng lâu dài phục vụ cho việc theo dõi thời gian tham gia liên tục trên 5 năm, phân loại số người chưa tham gia BHYT để tuyên truyền, vận động..., cùng thời gian này, BHXH TP.Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo làm tốt việc kê khai danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Dưới sự chỉ đạo của UBND quận, huyện, thị xã, cơ quan BHXH cùng cấp đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn và hướng dẫn quy trình, trách nhiệm thực hiện kê khai, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các tổ dân phố, khu dân cư phát mẫu bảng kê để từng hộ gia đình kê khai và thu về bàn giao cho UBND các xã, phường. Các đại lý Bưu điện nhập dữ liệu phân loại danh sách người có thẻ BHYT, lập danh sách người chưa có thẻ BHYT chuyển BHXH các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện có nhiều khu đô thị mới, nhiều tòa nhà chung cư cao tầng có từ vài trăm đến vài ngàn hộ dân sinh sống, nên việc tiếp cận lấy thông tin của người dân có nhiều khó khăn. Phần lớn chủ hộ thường đi làm vắng vào ban ngày, tổ trưởng dân phố chỉ có thể gặp vào buổi tối và rất hạn chế thời gian. Một số gia đình có con, em vắng nhà, đi học tập, công tác, làm ăn xa, không nắm được tình hình họ tham gia BHYT thế nào để khai báo... Thậm chí một số chủ hộ chưa tích cực hợp tác khai báo thông tin về tình hình tham gia BHYT của các thành viên trong hộ gia đình.

(Nguồn: BHXH TP Hà Nội; Xem chi tiết tại đây)

Bkav