Bản tin Thuế tháng 10/2017

Bấm vào để phóng to

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 10/2017

Bkav xin thông báo, kỳ lập bộ tháng 10/2017 sẽ hết hạn vào thứ Sáu ngày 20/10/2017 đối với tờ khai tháng 09/2017, các tờ khai Quý III/2017 sẽ hết hạn vào thứ Hai ngày 30/10/2017. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn. 

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai trước thời gian hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng xem Hướng dẫn xử lý vấn đề thường gặp tại địa chỉ http://hd.noptokhai.vn. Quý Khách hàng cũng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, để tham khảo Hướng dẫn và trao đổi các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng, Quý Khách hàng truy cập Fanpage Bkav CA tại địa chỉ https://www.facebook.com/BkavCA.

II. Những điểm mới về tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh

Ngày 19/09/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2004/TT-BTC ngày 25/08/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2017.

Cụ thể, Thông tư  số 93/2017/TT-BTC  bỏ các khổ 1, 2, 3, 4, 5 sau điểm đ Khoản 3 Điều 12 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) và thay bằng nội dung như sau:

Phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh xác định theo hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).

Thông tư 93/2017/TT-BTC  bỏ điểm d Khoản 4 Điều 12 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ Tài chính).

Bên cạnh đó, Thông tư  bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ.

Như vậy, từ ngày 05/11/2017, việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo hồ sơ khai thuế do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế.

Cụ thể, nếu đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi tờ khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT, mẫu 02/GTGT) đến cơ quan thuế. Nếu đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì gửi tờ khai thuế GTGT (mẫu 03/GTGT, mẫu 04/GTGT) đến cơ quan thuế.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Hướng dẫn mới về xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng

Ngày 05/09/2017, Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 3978/TCT-KK gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo công văn, sau khi nhận được phán ánh của các Cục thuế các tỉnh về việc sử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT trên Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS), Tổng Cục thuế đã có ý kiến phản hồi như sau:

Thứ nhất, về việc phân quyền chức năng Phê duyệt thẩm định hoặc Hủy phê duyệt thẩm định, Phê duyệt Quyết định hoàn hoặc Hủy phê duyệt quyết định hoàn. Theo Tổng cục Thuế, quy trình hoàn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 01/07/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và công văn số 3228/TCT-KK ngày 12/08/2014 của Tổng cục Thuế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Quy trình hoàn thuế 905 đã quy định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận trong cơ quan Thuế.

Cụ thể, Lãnh đạo, cán bộ được phân quyền sử dụng các chức năng “Phê duyệt thẩm định/Hủy phê duyệt thẩm định”, “Phê duyệt Quyết định hoàn/Hủy phê duyệt quyết định hoàn” để kiểm soát hồ sơ hoàn thuế chặt chẽ, đầy đủ, chính xác theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, về  xử lý đối với trường hợp một hồ sơ đề nghị hoàn có nhiều Quyết định hoàn.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế, cơ quan Thuế xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn một phần và một phần chưa đủ điều kiện hoàn cần thanh tra, kiểm tra hoặc chờ kết quả xác minh làm rõ thì:

Đối với cơ quan Thuế thực hiện giải quyết hoàn ngay đối với số thuế đã đủ điều kiện hoàn và cập nhật đầy đủ vào ứng dụng TMS theo quy định, số thuế chưa đủ điều kiện hoàn cần thanh tra, kiểm tra hoặc chờ kết quả xác minh, hướng dẫn về chính sách sẽ được lưu tại Cột “Số hoàn cần xem xét” tại chức năng 6.2 - Nhập hồ sơ đề nghị hoặc đề xuất hoàn thuế trên ứng dụng TMS.

Đối với số thuế còn lại, sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra hoặc kết quả xác minh nếu đủ điều kiện hoàn thì cơ quan Thuế không yêu cầu người nộp thuế gửi lại hồ sơ đề nghị hoàn mà tự tạo hồ sơ đề nghị hoàn, cập nhật thông tin số hồ sơ gốc của người nộp thuế trên phân hệ QHS, hệ thống hỗ trợ hiển thị thông tin đề nghị hoàn của hồ sơ gốc với số tiền đề nghị hoàn là số tiền đã lưu tại Cột “Số hoàn cần xem xét”. Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện xử lý hoàn thuế vào ứng dụng TMS theo quy định.

Thứ ba, về trường hợp một Quyết định hoàn thuế nhưng chi hoàn cho người nộp thuế theo nhiều Lệnh hoàn thuế được hướng dẫn như sau: Cục Thuế thực hiện lập và cập nhật vào hệ thống TMS từng Lệnh hoàn để theo dõi việc chi hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định, sổ tiền còn lại chưa chi sẽ được thể hiện tại cột “Số tiền thực hoàn còn lại” tại tab “Thông tin lệnh hoàn” của chức năng 6.2 - Nhập hồ sơ đề nghị hoặc đề xuất hoàn thuế trên ứng dụng TMS. Tổng số tiền trên các Lệnh hoàn phải đảm bảo không lớn hơn số tiền trên Quyết định hoàn.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Đề xuất “nới” thời gian gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số

Nhiều doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) đề xuất tăng thời gian gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số lên 5 năm, thay vì 1 lần/năm như hiện nay.

Tại Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số (CKS) và dịch vụ chứng thực CKS do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức mới đây, các DNCA cho biết, trong 10 năm trở lại đây, họ rất vất vả khi làm các thủ tục liên quan đến cấp lại giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, vì mỗi lần cấp lại, các thủ tục phải làm mới hoàn toàn như xin giấy phép lần đầu.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav giãi bày, khi dùng thẻ visa của ngân hàng, nếu sau thời gian 2-3 năm mà không có nợ xấu thì ngân hàng tự động gia hạn thẻ mới cho người dùng mà không cần phải yêu cầu chủ thẻ làm đăng ký các thông tin liên quan. Tương tự, khi đã làm đầy đủ và đúng quy định các thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS lần đầu tiên, trong quá trình hoạt động không xảy ra vấn đề gì thì rất cần các cơ quan quản lý xem xét lại quy định này tại Dự thảo mới nhằm giảm thủ tục cấp lại giấy phép không cần thiết cho DN.

Một nội dung khác cũng liên quan đến giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS được các DN đề cập nhiều tại Hội thảo đó là những bất cập trong vấn đề gia hạn giấy phép này.

Ông Phùng Huy Tâm, Phó giám đốc Công ty CP công nghệ thẻ Nacencomm (CA2-CA) nhận định, nghiệp vụ gia hạn là nghiệp vụ quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng đến cốt lõi của dịch vụ chứng thực CKS nhưng trong Dự thảo lần này lại bỏ phần gia hạn.

“Khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà không gia hạn thì sẽ không biết khách hàng có sử dụng dịch vụ không. Chúng tôi cũng chưa nhìn thấy hoạt động nào cứ định kỳ lại phải cấp mới”, ông Tâm nói.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 26/2007/NĐ-CP, quy định các CA chỉ được gia hạn một lần với thời hạn 1 năm. Quy định này không khả thi và được dẫn chứng là trong 10 năm qua, không có DN nào thực hiện gia hạn đúng như quy định.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Việt Cường, đại diện FPT-CA cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 26 lần này, vấn đề lớn nhất chính là thời hạn cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS cho các CA. Thực tế, khi cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, các gói cước dịch vụ CA cung cấp tới khách hàng thường có điều kiện thời gian từ 1-3 năm. Do đó, nếu thời hạn cấp phép quá ngắn, hết thời hạn lại chỉ được gia hạn 1 năm thì điều đó sẽ gây tác động rất lớn đối với doanh nghiệp.

Đại diện Bkav cũng chia sẻ, các DN khi tiến hành khai thủ tục hải quan phải dùng chữ ký số, nhưng vì lý do nào đó, như đến thời điểm bắt đầu kê khai lại mà chữ ký số hết hạn, phải mua mới, khi đó thì ID của chữ ký số đó bị thay đổi, DN được cập nhật vào hệ thống của cơ quan hải quan, tuy nhiên hệ thống của cơ quan hải quan phải sau 12h đêm mới cập nhật, dẫn đến hàng hóa thay vì thông quan trong ngày thì lại mất thêm thời gian hàng hóa để ở cảng.

“Nhiều lần DN phải xử lý rất mệt mỏi, ngoài việc DN phải nộp tiền để hàng hóa ở cảng, còn làm ảnh hưởng tới tiến độ của nhiều đơn vị như  đơn vị gia công của nước ngoài, thậm chí ảnh hưởng 1-2 lần sẽ mất đối tác với gia công nước ngoài”.

Từ thực trạng nêu trên, các CA kiến nghị giữ lại nội dung về gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS như quy định tại Nghị định 26 hiện hành nhưng nới thêm thời gian gia hạn giấy phép lên 5 năm để đảm bảo theo thông lệ chung của quốc tế và tính liên lục trong cung cấp dịch vụ.

Về thời hạn cấp phép, nhiều ý kiến đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành là 10 năm, thay vì rút ngắn còn 5 năm như đề xuất trong dự thảo Nghị định mới. Đồng thời đề xuất dự thảo Nghị định mới cần quy định rút ngắn các thủ tục cho DN về thời gian thẩm tra, cấp phép, đặc biệt, với trường hợp gia hạn, cần rút ngắn thời gian cấp phép vì thực tế DN đã được thẩm tra kỹ khi cấp phép ban đầu. Quy định tại Dự thảo mới quy định thời gian cấp phép mới là 60 ngày làm việc.

Về chứng thư số nước ngoài, theo Dự thảo, hồ sơ cấp giấy phép đăng ký sử dụng chứng thư số của nước ngoài tại Việt Nam được hiểu là đề nghị công nhận một chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam, chứ không phải thủ tục cấp giấy phép sử dụng chứng thư số nước ngoài cho một tổ chức, cá nhân. Như vậy xét về mặt thủ tục thì Dự thảo nới lỏng hơn cho chứng thư số nước ngoài trong khi lại thắt chặt quản lý với chứng thư số trong nước. Điều này là bất hợp lý trong khi chủ trương chung của Nhà nước là ưu tiên thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ trong nước. Mặt khác, trong khi dịch vụ chứng thực số là dịch vụ đặc thù, liên quan đến an ninh và an toàn thông tin, vì chỉ 1 chứng thư số nước ngoài xảy ra rủi ro tại Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người sử dụng khác.

Theo Bà Phùng Thị Anh, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT, Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS ra đời cách đây 10 năm, trong bối cảnh dịch vụ chứng thực CKS tại Việt Nam chưa hình thành.

Đến nay, sau 2 lần sửa đổi (năm 2011 và 2013), thực tiễn triển khai Nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Nghị định mới thay thế là cần thiết để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực CKS, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CKS trong các hoạt động kinh tế xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định thay thế lần này có nhiều điểm mới như bỏ quy định đối với thủ tục gia hạn giấy phép, giảm thời gian xử lý với thủ tục thay đổi nội dung giấy phép, cấp lại giấy phép từ 60 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc đối với trường hợp thay đổi nội dung giấy phép, 7 ngày với trường hợp xin cấp lại giấy phép. Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung thêm trường hợp bị tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép khi không thực hiện nghĩa vụ thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số…

(Nguồn: Baochinhphu.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Chính phủ yêu cầu chưa tăng thuế, phí trong năm 2017

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 08/2017 vừa được ban hành nêu rõ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT; rà soát, xem xét cụ thể phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhà nước, bảo đảm công khai, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dược; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; tăng cường quản lý giá thuốc theo mục tiêu giảm từ 10% - 15% giá thuốc trong năm 2017, đặc biệt là biệt dược. Bộ Giáo dục và Đào tạo không để xảy ra tình trạng lạm thu, học sinh không được đến trường vì thiếu học phí.

(Nguồn: Nld.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Bãi bỏ việc nộp Mẫu 06/GTGT

Từ ngày 05/11/2017, doanh nghiệp không phải nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký và chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT. Đây là một trong những điểm mới của Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/09/2017 của Bộ Tài chính.

Thông tư 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính đã bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập và cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng.

Trước đây, cơ sở kinh doanh mới thành lập và cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng phải gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp không gửi Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế thì kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Cũng theo quy định cũ, khi chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế GTGT (từ phương pháp trực tiếp sang phương pháp khấu trừ và ngược lại) thì cơ sở kinh doanh phải nộp Mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế.

Nay, Thông tư số 93/2017/TT-BTC đã bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế nêu trên.

Bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế

Thông tư cũng bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC).

Như vậy, kể từ ngày Thông tư số 93/2017/TT-BTC có hiệu lực (05/11/2017) thì việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể như sau:

Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.

Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.

(Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT, 03/GTGT và 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Hoàn thuế điện tử cấp độ 4 vào cuối năm 2017

Theo kế hoạch của Tổng cục Thuế, đến 31/12/2017, 90% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) được giải quyết bằng phương thức điện tử. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để việc hoàn thuế điện tử đạt cấp độ 4 vào cuối năm 2017.

Gần 2.400 DN đăng ký hoàn thuế điện tử

Trao đổi với phóng viên TBTCVN ngày 19/09, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến 24/07/2017 đã có 2.398 DN được tập huấn, hướng dẫn sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử và đã đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, đến nay ngành Thuế đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1.000 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử của 919 DN xuất khẩu, dự án đầu tư với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn theo phương thức điện tử là hơn 5.900 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn thí điểm 13 cục thuế, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử trong tháng 04/2017 là 9,9% hồ sơ, trong tháng 05/2017 là 15,5% hồ sơ. Sau khi hoàn thành việc tổ chức triển khai hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, số hồ sơ đề nghị hoàn bằng phương thức điện tử đã tăng dần theo từng tháng, cụ thể là trong tháng 06/2017 là 25,8% hồ sơ, đến tháng 07/2017 là 33,5% hồ sơ.

“Qua theo dõi phản hồi của DN, về cơ bản, các DN đều thấy được những thuận lợi của việc hoàn thuế điện tử. Bên cạnh việc gửi hồ sơ nhanh chóng, có sự hỗ trợ, hướng dẫn rõ ràng khi lập hồ sơ đề nghị hoàn điện tử, DN đã nhận được đầy đủ, kịp thời các thông báo của cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, bao gồm cả việc xác nhận thời điểm nhận hồ sơ, giấy hẹn trả kết quả, quá trình giải quyết hồ sơ thuộc hoàn trước hay kiểm trước và nhận được quyết định hoàn điện tử”, bà Hải cho biết.

Giải thích về số người nộp thuế đã đăng ký thực hiện hoàn thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, nhưng chưa lập hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, nguyên nhân là do một số DN còn tâm lý ngại thay đổi, chờ phản hồi của các DN khác, nên đã đăng ký hoàn thuế điện tử nhưng vẫn nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan thuế. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là nhiều DN đăng ký, nhưng chưa có hồ sơ đề nghị hoàn thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm.

90% hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử

Thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, ngành Thuế phải thực hiện ứng dụng CNTT tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế đối với DN. Tại Chỉ thị số 26, ngày 06/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35 của Chính phủ cùng yêu cầu “thực hiện hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử đạt cấp độ 4, đạt tối thiểu 70% về số thủ tục, 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT giải quyết trong cuối quý IV năm 2017”.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu ngành Thuế phải phấn đấu đến cuối năm 2017, đạt trên 90% số người nộp thuế, số hồ sơ hoàn, số tiền hoàn thuế theo phương thức điện tử đối với hoàn thuế GTGT xuất khẩu, dự án đầu tư; nghiên cứu thí điểm hoàn thuế điện tử đối với các trường hợp khác để tạo tiền đề cho năm 2018 triển khai rộng việc hoàn thuế điện tử cho các trường hợp còn lại.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ phấn đấu đến 31/12/2017, 100% DN thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử. Đến cuối quý IV/2007, tối thiểu 90% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết bằng phương thức điện tử, chiếm tỷ trọng từ 90% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế GTGT được thực hiện theo phương thức điện tử.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, để việc thực hiện hoàn thuế điện tử cấp độ 4 vào cuối năm 2017, Tổng cục Thuế đã phối hợp Kho bạc Nhà nước (KBNN) để nâng cấp hệ thống hai cơ quan. Đến nay, cơ quan thuế đã chuyển quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn thuế sang KBNN bằng phương thức điện tử (bỏ bản giấy song song như hiện nay) và nhận thông tin hạch toán chi hoàn thuế cho người nộp thuế từ KBNN tự động, trên cơ sở đó, công khai việc chi hoàn thuế cho người nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế ngay sau khi KBNN chi hoàn cho người nộp thuế.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Giao dịch điện tử tăng, người Việt thanh toán bằng thẻ ngày càng nhiều

Báo cáo cho thấy giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang tăng lên ấn tượng, nhiều người sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới.

Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa vừa công bố dữ liệu cho thấy thanh toán điện tử tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6 năm 2017, tỉ lệ giao dịch thanh toán điện tử đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu cho thấy giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa tăng lần lượt là 49% và 34%. Trong khi đó, tổng  giá trị giao dịch tăng 35%. Ngày càng nhiều người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, khi giao dịch thương mai điện tử của Visa tăng đến 82% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch.

“Những con số này thật sự là tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình để tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp thông qua việc điện tử hóa các phương thức thanh toán”, ông Sean Preston, Giám Đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia, Lào nói.

“Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta có được một lượng lớn khách hàng với nhân khẩu học đa dạng, họ đang sử dụng thanh toán điện tử phục vụ nhiều mục đích khác nhau”, ông Sean Preston nói tiếp.

Từ việc thanh toán tại các siêu thị, trên xe taxi, cửa hàng tiện lợi... người dùng Việt đã tự tin hơn khi dùng thẻ thanh toán, Giám đốc Visa cho biết. Sự tiện lợi của thanh toán online, thanh toán qua di động, sự phổ dụng của Uber và Grab cũng là các yếu tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong khảo sát của Visa trên 750 người trên 18 tuổi tại Việt Nam, cho thấy 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán. Việc này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới.

Bên cạnh đó, một kết quả khảo sát khác của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tiếp tục cho thấy xu hướng “quay lưng” với tiền mặt. 83% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt.

Để thúc đẩy việc thanh toán điện tử, ông Sean Preston cho rằng các doanh nghiệp tài chính cần phát hành các phương thức thanh toán tiện lợi, bên cạnh đó cần có sự tiếp sức giữa chính phủ, ngân hàng và các bên khác để người dùng sử dụng dịch vụ tiện lợi.

Đầu năm nay, Visa đã hợp tác với Sacombank để ra mắt công nghệ thanh toán không tiếp xúc Visa payWave ở Việt Nam. Visa payWave cho phép chủ thẻ thanh toán bằng cách chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, không cần kí tên hay nhập mã pin trong trường hợp giao dịch dưới 1 triệu đồng. Công nghệ này đã được áp dụng tại các chuỗi bán lẻ bao gồm BigC, Citimart, Nguyễn Kim và sẽ được triển khai trong thời gian tới tại Saigon Co.op.

Về lượng người dùng payWave, Giám đốc Visa cho biết hiện chỉ mới Sacombank phát hành thẻ, ông cho biết thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng tham gia hơn, do đó sẽ nâng lượng người dùng lên. Tại Úc, ông Preston cho biết có khoảng 80% dân số đang dùng payWave.

Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi đa số giao dịch hiện nay thành giao dịch điện tử trước năm 2020, với mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng lượng giao dịch ở mức 10%.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav