Bản tin Thuế tháng 04/2018

Bấm vào để phóng to

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 04/2018

Bkav xin thông báo, do ngày cuối của kỳ lập bộ Quý I/2018 trùng với kỳ nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/04 và Quốc tế Lao động 01/05 nên theo Quy định tại khoản 4 điều 8 thông tư số 156/2013/TT-BTC "Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó". Như vậy, thời hạn nộp tờ khai thuế như sau:

  • Kỳ lập bộ tháng 04/2018: hết hạn vào thứ Sáu ngày 20/04/2018 đối với tờ khai tháng 03/2018.
  • Quý I/2018: hết hạn vào thứ Tư ngày 02/05/2018.

Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn.

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai trước thời gian hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng xem Hướng dẫn xử lý vấn đề thường gặp tại địa chỉ http://hd.noptokhai.vn. Quý Khách hàng cũng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, để tham khảo Hướng dẫn và trao đổi các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng, Quý Khách hàng truy cập Fanpage Bkav CA tại địa chỉ https://www.facebook.com/BkavCA.

II. Những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ Tháng 04/2018

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, các trường hợp tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt là một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ Tháng 04 này.

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/04. Theo đó, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cũng theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.

Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau: Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm), trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/04.

Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy, để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.

Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn...

Trường hợp được giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt

Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Khách hàng là bên thụ hưởng đáp ứng các điều kiện dưới đây: Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.

Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư này có hiệu lực từ 02/04.

Sử dụng ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền

Có hiệu lực từ 10/04, Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan.

Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.

Quy định mới trong tuyển sinh đại học 2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ 16/04/2018.

Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Theo quy định hiện hành, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm).

Thông tư cũng quy định, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thì căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Về tổ chức xét tuyển, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Trước ngày 01 của các tháng 03, tháng 05, tháng 07, tháng 08, tháng 09, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường xác định theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GDĐT ban hành.

(Nguồn: Doisongphapluat.com; Xem chi tiết tại đây)

III. Hướng dẫn công nhận giá trị pháp lý của hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy

Trước các vướng mắc về hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy của một số ngân hàng, Tổng cục Thuế mới đây đã có những hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc chuyển đổi, điều kiện và giá trị pháp lý của các hóa đơn điện tử được chuyển đổi sang hóa đơn giấy.

Tại Công văn số 754/TCT-DNL ngày 06/03/2018, Tổng cục Thuế cho biết, Điều 12, Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định rõ nguyên tắc chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.

Theo đó, người bán hàng hóa được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần.

Hóa đơn điện tử chuyển sang hóa đơn giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện: Phản ánh toàn vẹn nội dung của hóa đơn điện tử gốc; Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy; Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.

Ngoài các điều kiện nêu trên, hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định khoản 2, 3, 4 Điều 12, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.

Người mua, người bán được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ chứng từ kế toán phải đáp ứng các quy định nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều 12, Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Về giá trị pháp lý của các hóa đơn điện tử chuyển đổi, Tổng cục Thuế cho biết, hóa đơn điện tử chuyển đổi có giá trị pháp lý khi bảo đảm các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên hóa đơn nguồn, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và chữ ký, họ tên của người thực hiện chuyển đổi được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi chứng từ điện tử.

Căn cứ quy định nêu trên, theo Tổng cục Thuế, trường hợp khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử chuyển đổi ra giấy đáp ứng các Điều kiện chuyển đổi theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính thì tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng theo quy định.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Nâng cấp hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử phục vụ quyết toán thuế TNCN năm 2017

Nhằm đáp ứng quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2017, Tổng cục Thuế nâng cấp hệ thống dịch thuế điện tử để tích hợp thêm dịch vụ cho phép cá nhân, tổ chức không sử dụng chữ ký số kê khai tờ khai quyết toán thuế TNCN.

Trước đây, Hệ thống TNCN online cho phép tất cả tổ chức, doanh nghiệp gửi tờ khai, QTT TNCN qua mạng bao gồm: 05/QTT-TNCN, 05/KK-TNCN, 05/DS-TNCN, 02/KK-BH, 02/KK-XS, 06/KK-TNCN, 02TH, 01-TNCN. Đồng thời, ho phép đối tượng là cá nhân gửi các hồ sơ quyết toán (02/QTT-TNCN, 09/KK-TNCN, 13/KK-TNCN).

Công cụ hỗ trợ trên hệ thống gồm: HTKK, QTT TNCN (hỗ trợ nhập, kết xuất XML và hỗ trợ CBT kiểm tra dữ liệu).

Một số chức năng không còn hỗ trợ/sử dụng trên TNCNonline gồm: Hỏi đáp; Thông tin cá nhân (tra cứu thông tin quyết toán của cá nhân qua các cơ quan chi trả); Hạch toán; Báo cáo.

Tuy nhiên để đáp ứng quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2017, Tổng cục Thuế nâng cấp hệ thống dịch thuế điện tử.

Theo đó, Hệ thống Dịch vụ thuế điện tử quyết toán thuế TNCN nâng cấp để thay thế hệ thống TNCNonline. Theo đó, với người nộp thuế (NNT) là doanh nghiệp có sử dụng chữ ký số sẽ kê khai các tờ khai quyết toán thuế TNCN trên hệ thống hỗ trợ khai thuế qua mạng (iHTKK); NNT là cá nhân, tổ chức chưa sử dụng chữ ký số sẽ kê khai các tờ khai QTT TNCN trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử.

Tổng cục Thuế cho biết, phạm vi triển khai trên cả nước đối với các tờ khai và tờ quyết toán thuế TNCN mẫu số 02/QTT-TNCN, 05/KK-TNCN, 05/QTT-TNCN; 05/DS-TNCN, 09/KK-TNCN, 13/KK-TNCN, tờ khai cấp mã số thuế cho người phụ thuộc mẫu 02TH, của cá nhân, tổ chức chưa đăng ký sử dụng dịch vụ thuế điện tử (eTax).

Đối với tờ khai cấp mã số thuế qua cơ quan chi trả (mẫu số 01-TNCN), các tổ chức chi trả vẫn thực hiện gửi trên trang của TNCN online hiện tại. Dự kiến trong tháng 04/2018 Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp thay thế bằng tờ khai 05-ĐK-TH-TCT theo Thông tư 95/2016/TT-BTC trên các hệ thống kê khai qua mạng, hỗ trợ kê khai, hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và hệ thống dịch thuế điện tử (eTax).

 (Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Sửa Luật Quản lý thuế nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng cơ sở thu

Sau một thời gian xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 14/TTr-BTC gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi với nhiều nội dung đáng chú ý. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Luật Quản lý thuế sửa đổi hướng tới là bao quát nguồn thu và mở rộng cơ sở thu, nhằm chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Sửa đổi 10 nhóm vấn đề

Bộ Tài chính cho biết, sau khi dự thảo đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi được gửi xin ý kiến, cơ quan soạn thảo đã nhận được 85 ý kiến tham gia của 13 bộ, 60 địa phương và 12 tổ chức, hiệp hội, cá nhân. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế. Ngoài ra, có một số ý kiến tham gia về từng phương án nêu trong dự thảo tờ trình về đánh giá nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để triển khai.

Dự kiến, luật sẽ sửa đổi, bổ sung 71/121 điều, cơ cấu lại 1 chương và bổ sung 3 chương mới (1 chương quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, 1 chương quy định về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử và 1 chương quy định về phòng, chống gian lận thuế, trốn thuế) so với luật hiện hành. Nội dung luật tập trung vào 10 nhóm vấn đề bao gồm: hoàn thiện các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế; hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá; bổ sung quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử; cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo hướng hiện đại hóa, tạo thuận lợi, thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển thành DN, mở rộng cơ sở thuế đối với thành phần kinh tế cá thể; hoàn thiện quy định về quản lý thuế theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp quản lý rủi ro để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với các ngành đặc thù; hoàn thiện quy định về bảo vệ quyền lợi, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; hoàn thiện chế tài trong quản lý thuế; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế và các quy định khác về quản lý thuế.

Mục tiêu mà Luật Quản lý thuế sửa đổi hướng tới không chỉ đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động quản lý, mà còn thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo môi trường pháp luật thống nhất, đặc biệt là mở rộng nguồn thu và cơ sở thu. Bởi sau 10 năm thực hiện, nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Đề xuất chức năng điều tra ban đầu

Trong nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, hiện nay các hành vi gian lận, trốn thuế, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu được thực hiện với quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, do chưa được giao quyền, nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự, cơ quan thuế phải chuyển sang cơ quan điều tra, nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp. Ngay cả việc đối chiếu tiến độ vụ việc giữa hai ngành cũng chưa được thực hiện thường xuyên.

Bộ Tài chính dẫn chứng, giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 16.087 trường hợp, nhưng cũng chỉ có 395 trường hợp bị khởi tố do có chứng cứ rõ ràng. Còn lại 15.692 trường hợp, cơ quan công an chỉ coi là tin báo trong công tác phối hợp và đề nghị cơ quan thuế phân tích cụ thể. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Chức năng điều tra cho cơ quan thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác. Quy định này không chỉ tốt cho toàn hệ thống quản lý, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành, mà còn tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và đảm bảo tránh phiền hà cho DN làm ăn chân chính.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị nội dung này sẽ được cơ cấu thành một chương trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế về ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Chương này sẽ có 3 điều gồm: nhiệm vụ của cơ quan thuế trong việc ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế; thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

(Nguồn: Gdt.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Thuế TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ vướng cho doanh nghiệp

Ngày 28/03, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi đối thoại trực tiếp giữa cơ quan thuế với khoảng 300 doanh nghiệp (DN), mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Sự kiện do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp tổ chức, theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Trước ngày diễn ra hội nghị, ban tổ chức đã nhận được 37 câu hỏi của DN liên quan đến thuế GTGT, các chi phí hợp lệ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thủ tục xuất hóa đơn, hoàn thuế, thủ tục quyết toán thuế cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cách tính khấu hao tài sản cố định cho DN…

Tại buổi đối thoại, khá nhiều câu hỏi vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực thuế được nêu ra như chi phí thuế nhà thầu nước ngoài, cách lấy lại tiền thuế GTGT nộp thừa, cách định giá tính thuế của cơ quan thuế, đóng thuế môn bài, xác nhận thu nhập cho người lao động, xuất hóa đơn cho những đơn vị từ thiện…

Một số thắc mắc khác cũng được DN nêu ra như ghi sai đơn giá khi kê khai làm thủ tục xuất hàng và lô hàng đã thông quan, thuế vãng lai, chi phí hợp lý khi nhập khẩu hàng… Nhiều DN cũng đề cập đến vấn đề hóa đơn điện tử gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa; cách tính thuế cho người nước ngoài hưởng 2 lương; xác định chính sách thuế đối với việc bù thu; nhiều DN cũng khúc mắc về phần mềm kê khai, hoàn thuế điện tử…

Tất cả những vướng mắc trên đều được đại diện các phòng nghiệp vụ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh giải thích rõ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra của DN. Theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, đối thoại với DN là hoạt động thường xuyên và định kỳ của cơ quan thuế, nhằm giải đáp cho DN về lĩnh vực thuế và ghi nhận những khó khăn vướng mắc để kịp thời hỗ trợ DN…

“Những vướng mắc khó khăn của DN nêu ra tại hội nghị, nếu thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan thuế thì chúng tôi cố gắng giải quyết nhanh nhất có thể; còn những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ ghi nhận lại và kiến nghị lên cấp trên để có giải pháp tháo gỡ” - ông Bình nói.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. Triển khai chữ ký số trong các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN

Theo quyết định mới của Bộ KH&CN, các văn bản, thông tin chính thức được trao đổi bằng hình thức điện tử trong phạm vi các đơn vị thuộc Bộ, và giữa các đơn vị thuộc Bộ với các sở KH&CN và các bộ, ban, ngành liên quan đều phải được sử dụng chữ ký số.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 414/QĐ-BKHCN về kế hoạch triển khai chữ ký số chuyên dùng tại Bộ trong năm 2018 với mục đích nâng cao tính an toàn, bảo mật và tin cậy của văn bản điện tử khi trao đổi qua môi trường mạng.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng nhằm tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy trong cơ quan Bộ KH&CN.

Theo quyết định nói trên, các đối tượng được cấp phát chữ ký số (bao gồm các cá nhân là lãnh đạo và chuyên viên, và các tổ chức là các đơn vị trực thuộc Bộ) phải sử dụng đúng mục đích phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ các quy định của pháp luật trong bảo quản, sử dụng chữ ký số. Các văn bản, thông tin chính thức được trao đổi bằng hình thức điện tử trong phạm vi các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, giữa các đơn vị thuộc bộ với các sở KH&CN và các bộ, ban, ngành liên quan đều phải được sử dụng chữ ký số.

Việc triển khai chữ ký số chuyên dùng được tiến hành theo 3 đợt: Đợt 1 được triển khai đến hết quý 2/2018 tại Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ KH&CN; Đợt 2 tiến hành vào quý 3 và triển khai tại văn phòng Bộ; Đợt 3 tiến hành vào quý 4 và được triển khai tại các đơn vị trực thuộc Bộ.

(Nguồn: Khoahocphattrien.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là 3.000 đồng/tháng/chứng thư số

Theo quy định mới của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 26/03/2018, mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) cấp cho doanh tổ chức, doanh nghiệp là 3.000 đồng/tháng/chứng thư số.

Thông tư 17/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, đã được Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, quy định về đối tượng áp dụng đã được điều chỉnh, bổ sung. Cụ thể, tại Điều 2 của Thông tư mới, bên cạnh quy định Thông tư được áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thu, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số; Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định: “Không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số ký hợp đồng với thuê bao trước ngày 01/01/2017. Trường hợp gia hạn hợp đồng hoặc ký mới phải nộp phí theo quy định”.

Đáng chú ý, tại Điều 4 Thông tư 17 của Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi cách tính mức thu phí dịch vụ duy trì trạng thái chứng thư số theo “chứng thư số”, thay vì tính theo “chữ ký số” như quy định của Thông tư 305/2016/TT-BTC. Theo quy định của Thông tư mới, mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân), trừ chứng thư số đang còn hiệu lực theo hợp đồng ký trước ngày 01/01/2017. Chứng thư số do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao phát sinh hiệu lực hoạt động tại bất cứ thời điểm nào của tháng được tính là 1 tháng sử dụng”.

Bên cạnh đó, Thông tư mới của Bộ Tài chính còn sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc tổ chức thu phí. Theo đó, Thông từ mới quy định, đối với chứng thư số mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao theo hợp đồng ký trước ngày 01/01/2017 sẽ không phải nộp phí từ ngày 01/01/2017 đến khi hết hạn hợp đồng (theo quy định cũ tại Thông tư 305/2016/TT-BTC, đối tượng này thực hiện nộp phí từ quý 3/2017).

Thông tư 17/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/03/2018. Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chưa nộp phí cho chứng thư số cấp mới hoặc gia hạn cho thuê bao theo hợp đồng đã ký từ năm 2017 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, có trách nhiệm nộp phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav