Tin tức - Thuế điện tử Bkav Tvan - Nộp tờ khai
Bản tin Thuế Tháng 11/2018
I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 10/2018
Bkav xin thông báo, hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 10/2018 là thứ Ba ngày 20/11/2018. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn.
Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai trước thời gian hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.
Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng xem Hướng dẫn xử lý vấn đề thường gặp tại địa chỉ http://hd.noptokhai.vn. Quý Khách hàng cũng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, để tham khảo Hướng dẫn và trao đổi các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng, Quý Khách hàng truy cập Fanpage Bkav CA tại địa chỉ https://www.facebook.com/BkavCA.
II. Nhiều điểm mới trong Nghị định 119 về Hóa đơn Điện tử
Lộ trình hoàn thành thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được ngành Thuế xác định trước ngày 1/11/2020. Nhiều vấn đề quan tâm của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh về: Nguyên tắc lập, sử dụng, quản lý thuế; đối tượng phải thực hiện HĐĐT; nội dung và định dạng HĐĐT; trường hợp không có mã của cơ quan thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực thì việc áp dụng HĐĐT như thế nào... đã được giải đáp tại hội thảo chuyên đề do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào sử dụng HĐĐT?
Theo Tổng cục Thuế, đối tượng áp dụng việc sử dụng HĐĐT được Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định rõ là các tổ chức, DN, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn.
Trong đó, đối với hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT.
Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, việc thực hiện theo nguyên tắc: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định tại Nghị định 119.
Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cấp mã của cơ quan thuế trên HĐĐT dựa trên thông tin của DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.
HĐĐT có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Do vậy, hóa đơn do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế không được gọi là HĐĐT.
Định dạng HĐĐT sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Song điểm khác là chữ ký số, chữ ký điện tử và trên hóa đơn có mã của cơ quan thuế.
HĐĐT phục vụ cho hoạt động kiểm tra hàng hóa lưu thông
Theo quy định từ Nghị định số 119, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng HĐĐT, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.
Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập, tra cứu dữ liệu HĐĐT. Cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu HĐĐT (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra theo quy định.Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT thì cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận HĐĐT của DN.
Cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không thu tiền
Có 5 trường hợp được Tổng cục Thuế hoặc tổ chức được Tổng cục Thuế ủy nhiệm cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền. Các đối tượng này gồm:
- DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;
- DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN (trừ DN nêu tại gạch đầu dòng nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập DN;
- Hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế;
- DN nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ DN hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng HĐĐT do Bộ Tài chính quyết định...
Cũng theo quy định tại Nghị định số 119, kể từ thời điểm sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, thì DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng. Ngoài ra, HĐĐT hợp pháp có thể được chuyển đổi thành chứng từ giấy. Song phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của HĐĐT và chứng từ giấy sau chuyển đổi.
(Nguồn: Thanhtra.com.vn; Xem chi tiết tại đây)
III. Nâng cấp ứng dụng hỗ trợ kê khai cho việc hợp nhất Chi cục thuế tại Quảng Ninh
Tổng cục Thuế vừa có thông báo nâng cấp ứng dụng hỗ trợ kê khai (HTKK) tờ khai phiên bản 4.0.8 đáp ứng việc hợp nhất chi cục thuế (CCT) trực thuộc Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể cập nhật tên các CCT khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh trong ứng dụng như sau (trước khi sáp nhập, tên CCT khu vực hiển thị trên Cổng TTĐT):
- CCT thành phố Uông Bí/Thành phố Uông Bí - CCT khu vực Uông Bí - Quảng Yên;
- CCT thị xã Quảng Yên/Thị xã Quảng Yên - CCT khu vực Uông Bí - Quảng Yên;
- CCT huyện Tiên Yên/Huyện Tiên Yên - CCT khu vực Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ;
- CCT huyện Bình Liêu/huyện Bình Liêu - CCT khu vực Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ;
- CCT huyện Ba Chẽ/Huyện Ba Chẽ - CCT khu vực Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ;
- CCT huyện Hải Hà/Huyện Hải Hà - CCT khu vực Hải Hà - Đầm Hà;
- CCT huyện Đầm Hà/Huyện Đầm Hà - CCT khu vực Hải Hà - Đầm Hà.
Thông báo nêu rõ, bắt đầu từ ngày 15/10/2018, khi lập hồ sơ khai thuế, tổ chức, cá nhân nộp trên phạm vi toàn quốc sẽ sử dụng ứng dụng HTKK 4.0.8 để kê khai thay cho các phiên bản trước đây.
Tổ chức, cá nhân nộp thuế có thể tải bộ cài và tài liệu hướng dẫn sử dụng ứng dụng HTKK tại địa chỉ sau: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal/home/hotrokekhai hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế địa phương để được cung cấp và hỗ trợ trong quá trình cài đặt, sử dụng.
(Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)
IV. Hoàn thuế GTGT đối với nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàn
Bộ Tài chính ban hành công văn số 12247/BTC-CST giải đáp vướng mắc của một số Hiệp hội doanh nghiệp về việc hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Theo Bộ Tài chính thì nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không phải là trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu theo quy định tại Luật số 106/2016/QH13 và Nghị định số 100/2016/NĐ-CP vì nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu này khi xuất khẩu không còn giữ nguyên trạng như ban đầu.
Do vậy, trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài (thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật thuế GTGT) đã nộp thuế GTGT tại khâu nhập khẩu thì số thuế GTGT đã nộp được xác định là số thuế nộp thừa và cơ quan hải quan thực hiện hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.
Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu không theo hợp đồng gia công ký kết với bên nước ngoài (không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật thuế GTGT), khi nhập khẩu doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế GTGT theo quy định, khi xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% và cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định.
Căn cứ quy định trên, Cơ quan hải quan, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thực tế của doanh nghiệp để thực hiện hoàn thuế theo quy định.
(Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)
V. Hà Nội: 85% số tiền hoàn thuế bằng phương pháp điện tử
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho biết thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, 9 tháng qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã giải quyết 1.126 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền thuế hoàn gần 4.400 tỷ đồng; trong đó, hoàn thuế bằng phương pháp điện tử 677 hồ sơ với số tiền hoàn hơn 3.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng số tiền hoàn.
Được biết, đến nay Cục Thuế TP Hà Nội thu ngân sách hơn 153.650 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán pháp lệnh, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã xử lý thu được gần 7.900 tỷ đồng tiền nợ thuế của năm 2017 chuyển sang. Riêng công tác thanh tra kiểm tra, đã truy thu, truy hoàn và phạt tổng số tiền gần 3.350 tỷ đồng, tăng hơn một nửa so với cùng kỳ. Cục Thuế TP Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh tra, kiểm tra, giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả và chất lượng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Cơ quan thuế cũng phối hợp với cơ quan công an trong công tác chống thất thu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế; đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
(Nguồn: Sggp.org.vn; Xem chi tiết tại đây)
VI. Đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực thuế
Tổng cục Thuế vừa đề xuất phương án đơn giản hóa 04 thủ tục hành chính gồm: Bãi bỏ 02 thủ tục hành chính về khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN và đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đại lý thuế.
Đối với thủ tục kê khai thuế GTGT lĩnh vực dịch vụ viễn thông tại cấp cục thuế:
Tổng cục Thuế đề nghị bãi bỏ thủ tục “Kê khai GTGT đối với dịch vụ viễn thông”. Lý giải gộp vào thủ tục kế khai thuế GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Tại Điều 5, 6 Thông tư số 35/2011/TT-BTC quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập bảng phân bổ thuế GTGT đầu vào cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2011/TT-BTC gửi cho Tổng cục Thuế, cục thuế địa phương (nơi đơn vị hạch toán phụ thuộc đăng ký thuế) và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, đồng thời gửi bảng kê hóa đơn, chứng từ hóa đơn, dịch vụ mua vào (trong đó nêu rõ giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào (chưa có thuế GTGT) và số thuế GTGT đầu vào) để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông của cơ sở kinh doanh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính trước ngày thứ 20 của tháng sau thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào; cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi đúng trụ sở chính và tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc” theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 35.
Căn cứ quy định tại Khoản 4 (nơi nộp thuế), Điều 20, Điều 21 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định bãi bỏ các nội dung liên quan đến Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra… Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không phải gửi Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, do đó việc khai thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không còn đặc thù riêng nên bãi bỏ và gộp vào thủ tục kê khai GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp phù hợp.
Tổng cục Thuế kiến nghị: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này. Chi phí tuân thủ tiết kiệm được là 0 đồng/1 năm (do gộp vào thủ tục khai thuế GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp phù hợp).
Thủ tục khai khoản thu điều tiết tháng (cấp cục thuế): Bãi bỏ thủ tục “Khai khoản thu điều tiết tháng”.
Tại khoản 2, Điều 2 Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 03/9/2016 quy định: “Điều 2. Điều khoản thi hành… Kể từ ngày 01/01/2017 bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn nêu tại Điều 1, Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg và quy định tại quyết định này”
Tại Khoản 4, Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:
“154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn phảm quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Căn cứ các quy định trên, Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn và Thông tư số 177/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/3/2013 hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, sẽ hết hiệu lực một phần đối với nội dung quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn.
Tổng cục Thuế kiến nghị thực thi: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này. Chi phí tuân thủ tiết kiệm được hơn 2,4 tỷ đồng/1 năm.
Thủ tục khai quyết toán khoản thu điều tiết năm (cấp cục thuế): Bãi bỏ thủ tục khai quyết toán khoản thu điều tiết năm.
Lý do tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 03/9/2016 quy định: Điều 2. Điều khoản thi hành…. 2. Kể từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn nêu tại Điều 1, Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg và quy định tại quyết định này.”
Tại Khoản 4, Điều 154 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy định: “154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Tổng cục Thuế kiến nghị thực thi: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này.
Chi phí tuân thủ tiết kiệm được 154.000 đồng/1 năm.
Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp (cấp cục thuế, chi cục thuế): Tổng cục Thuế đề xuất bãi bỏ thủ tục hoàn thuế GTGT này.
Lý do: Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp quy định tại Điều 56 Thông tư số 156/2013/TT-BTC, trong đó quy định phạm vi áp dụng thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp. Thông tư số 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính đã được bãi bỏ theo quy định tại Khoản 1, Điều 168 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
Việc hoàn thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, hiện đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34/2014/TT-BTC ngày 12/9/2014 của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Căn cứ quy định trên, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, không còn quy định về phạm vi áp dụng từ ngày 01/11/2013.
Theo kết quả rà soát các quy định liên quan đến một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ soạn thảo thông tư bãi bỏ quy định hoàn đối với trường hợp này.
Kiến nghị thực thi: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định liên quan đến hoàn thuế GTGT.
Chi phí tuân thủ tiết kiệm được hơn 3,5 tỷ đồng/1 năm (bao gồm chi phí tuân thủ của cấp chi cục thuế).
Thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (cấp Tổng cục Thuế):
Nội dung đơn giản hóa: Bỏ quy định nộp sơ yếu lý lịch cá nhân trong thành phần hồ sơ và bổ sung hình thức chả chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế qua dịch vụ bưu chính.
Lý do: Gộp các thông tin cần thiết về cá nhân tại sơ yếu lý lịch cá nhân, bổ sung vào đơn đăng ký cấp chứng chỉ và bổ sung hình thức trả chứng chỉ để tạo thuận lợi cho người được cấp chứng chỉ.
Kiến nghị thực thi: Sửa Điều 13, 14, 15 Thông tư số 117/2012/TT-BTC và Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 51/2017/TT-BTC.
Chi phí tuân thủ tiết kiệm: hơn 51 triệu đồng/1 năm.
Thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, trường hợp nhà máy thủy điện nằm chung trên địa bàn các tỉnh (cấp cục thuế):
Lý do: Gộp vào thủ tục khai thuế GTGT chung cho các doanh nghiệp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP về quy chế tài chính của EVN và sửa đổi Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định các công ty thủy điện thuộc EVN, EVN-GENCO thực hiện khai thuế GTGT theo nguyên tắc khấu trừ.
Kiến nghị: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC theo hướng cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khai thuế GTGT sử dụng mẫu TK 01/GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp.
Bãi bỏ thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, trường hợp nhà máy thủy điện nằm chung trên 01 tỉnh (cấp cục thuế).
Lý do: Gộp vào thủ tục khai thuế GTGT chung cho các doanh nghiệp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP về quy chế tài chính của EVN và sửa đổi Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định các công ty thủy điện thuộc EVN, EVN-GENCO thực hiện khai thuế GTGT theo nguyên tắc khấu trừ.
Kiến nghị: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC theo hướng cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khai thuế GTGT sử dụng mẫu TK 01/GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp.
(Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)
VII. Sửa đổi hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi Khoản 3 Điều 5 bổ sung quy định tạm dừng cưỡng chế thuế. Theo đó, tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau: quyết định nộp dần tiền thuế nợ; quyết định gia hạn nộp thuế và thông báo không tính tiền chậm nộp.
Thông tư 87/2018/TT-BTC cũng sửa đổi Điều 6 của Thông tư số 215/2013/TT-BTC cho phép quyết định cưỡng chế thế được gửi qua mạng. Theo đó, quyết định cưỡng chế phải gửi cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử.
Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận quyết định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế thì được coi là quyết định đã được giao.
Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại trụ sở của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi Điểm b, Điểm đ Khoản 3 Điều 11 quy định về thời điểm phải ban hành quyết định cưỡng chế. Theo đó, quyết định cưỡng chế phải được ban hành sau ngày thứ 90 kể từ ngày số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.
Quyết định cưỡng chế thuế được ban hành ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế và ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt.
Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản.
Đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước phong toả tài khoản đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.
Đặc biệt, Thông tư bãi bỏ Điểm d Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và thay thế cụm từ “tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế” tại Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 bằng cụm từ “tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt”.
Thông tư số 87/2018/TT-BTC này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2018.
(Nguồn: Taichinhdientu.vn; Xem chi tiết tại đây)
Email: Noptokhai@bkav.com