Hoàn tất số hóa để chặn hoá đơn giả

Bấm vào để phóng to

Ngày 21.4, Bộ Tài chính tổ chức lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc. Sự kiện này được đánh giá “như một cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số”, góp phần cùng ngành tài chính và Chính phủ đạt được các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh. 

Hoàn tất số hóa để chặn hoá đơn giả

Kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử toàn quốc ngày 21.4. Ảnh: TCT

Bước vào giai đoạn áp dụng diện rộng 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, giai đoạn 1 của triển khai hoá đơn điện tử được thực hiện từ tháng 11.2021, áp dụng tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. 

Kết quả đến ngày 31.3, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Đối với tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu kết nối gửi dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang tổ chức triển khai kết nối với các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc như: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng Công ty GAS Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex,...

Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn trong đó: Có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn.

Ngày 21.4, phía Tổng cục Thuế cho biết, chính thức bước vào giai đoạn triển khai HĐĐT trên toàn quốc. Đơn vị này đặt ra lộ trình đến hết ngày 10.5 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31.5 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30.6 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT. 

Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân”.

Theo đó, việc triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 với sự tham gia tích cực, đông đảo của người dân, doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực thuế.

“Bước vào giai đoạn 2 triển khai ở 57 tỉnh, thành phố còn lại, đây là nhiệm vụ công việc mới, với khối lượng lớn, triển khai trong thời gian ngắn và còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về tư duy, phương thức thực hiện đối với cả ngành Thuế và người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập những vấn đề còn là tồn tại, hạn chế cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới như cần có một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng; thiếu hụt nhân lực trình độ cao; hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; sự thích ứng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước còn chưa linh hoạt,...

Hỗ trợ xử lý hơn 10 tỉ HĐĐT mỗi năm

Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), hệ thống hoá đơn điện tử được xây dựng trên nền tảng công nghệ 4.0, triển khai song song tại 2 trung tâm (trung tâm chính và trung tâm dự phòng). 

“Hệ thống này có thể cho phép tiếp nhận và xử lý trên 10 tỉ hoá đơn mỗi năm. Số lượng hoá đơn điện tử này đảm bảo đáp ứng được yêu cầu xuất hoá đơn trong những ngành, lĩnh vực quan trọng như điện, nước, viễn thông,...” - ông Phạm Quang Toàn cho biết. 

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cơ sở dữ liệu HĐĐT có thể kết nối, chia sẻ, liên thông với hàng loạt các cơ quan quản lý nhà nước khác. 

“Ngoài phục vụ cho tổ chức cá nhân có thể tra cứu thông tin, cơ sở dữ liệu có thể kết nối với cơ quan quản lý thị trường (phục vụ công tác quản lý hàng hoá); với cơ quan công an (giúp việc cải cách thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó tích hợp mã cá nhân của người nộp thuế cùng với mã số thuế trên hoá đơn điện tử để quản lý nhà nước với người nộp thuế); với cơ quan tài nguyên môi trường (hỗ trợ cải cách thủ tục về đất đai); đáp ứng công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế” - bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay. 

Đáng chú ý hệ thống hoá đơn điện tử được Tổng cục Thuế áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data);... sẽ góp phẩn đáng kể vào việc phòng ngừa các rủi ro trong công tác nộp thuế, hoàn thuế, ngăn chặn tình trạng hoá đơn giả. 

“Với việc liên tiếp đưa ra các ứng dụng số hóa công tác quản lý thuế, đồng thời với kết quả triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 địa phương, mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đến nay, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có phát sinh doanh thu, đang sử dụng hóa đơn giấy đã hoàn thành chuyển sang sử dụng HĐĐT.

Hạ tầng kỹ thuật cũng luôn được đảm bảo thông suốt trong quá trình triển khai tại 6 tỉnh, thành phố. Có thể khẳng định, thành công trong triển khai HĐĐT giai đoạn 1 là nền tảng, tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện tiếp HĐĐT giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính bao phủ toàn diện của HĐĐT” - phía Tổng cục Thuế đánh giá. 

Trước đó, liên quan đến công tác chuyển đổi số ngành Thuế, cơ quan chức năng trong tháng 3 vừa qua đã đưa vào vận hành 2 ứng dụng số hóa gồm: Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam và triển khai ứng dụng EtaxMobile. Các công cụ này đã cung cấp thêm sự lựa chọn tối ưu cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử. 

Nguồn: Báo Lao động