BẢN TIN BHXH ĐIỆN TỬ THÁNG 12/2021

Bấm vào để phóng to

I.            Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

II.           Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người có công và các đối tượng cần trợ giúp xã hội 

III.          Đảm bảo cho nhóm đối tượng là người lao động bị mất việc, nghỉ việc được chăm sóc sức khỏe theo BHYT

IV.          Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại nơi điều trị Covid-19

V.           Xuất hiện tin nhắn lừa đảo thông báo về việc nhận trợ cấp Covid-19

VI.          Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an toàn

VII.         Thực hiện nhiều giải pháp giải quyết tình trạng nhận BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội bền vững

VIII.        Sửa đổi, mở rộng chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

IX.          Cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua dịch vụ tin nhắn 8079

X.           Gần 1.070 tỷ đồng tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 

XI.          Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

 

I. Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

Trong quá trình kê khai BHXH điện tử trên Bkav IVAN, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thực hiện theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1 (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả): Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavIVAN hoặc https://zalo.me/4458938702350836836.
  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.
  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
  • Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại https://noptokhai.vn/ivan/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://Hotro.bkav.com.

II. Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người có công và các đối tượng cần trợ giúp xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1942/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Y tế và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người lao động tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT); rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ BHYT và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đối tượng yếu thế tham gia BHYT.

1. Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát của Chương trình theo Quyết định 1942/QĐ-TTg là:

  • Củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội nhằm bảo đảm cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp theo hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép các hoạt động tăng cường sức khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng kết hợp với các hoạt động trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.
  • Đến năm 2025, tối thiểu 70% các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh.

Tối thiểu 70% cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng.

2. Nhiệp vụ và giải pháp

Nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình gồm:

  • Củng cố, hoàn thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; đổi mới cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội; truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng.

Trong đó, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe, tập trung theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, phòng, chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính cho đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.

  • Có giải pháp, lộ trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đối tượng phục vụ của cơ sở; vận động nguồn lực hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em, người nghèo, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người có thu nhập thấp.
  • Xây dựng gói dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cơ bản cho thương bệnh binh, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật theo quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đối tượng

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Đảm bảo cho nhóm đối tượng là người lao động bị mất việc, nghỉ việc được chăm sóc sức khỏe theo BHYT

Sáng 10/11/2021, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Bộ trưởng cho biết, năm 2021 số người tham gia BHYT sẽ giảm đi do tác động của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn này, Bộ Y tế đang phối hợp cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát thống kê nhóm đối tượng là người lao động (NLĐ) bị mất việc, nghỉ việc… để có những chính sách hỗ trợ tham gia BHYT và đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe theo BHYT.

1. Phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã trả lời chất vấn về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vắc-xin và tiêm vắc-xin cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vắc-xin công bằng; giải pháp đột phá để giảm thiểu chênh lệch chất lượng giữa miền núi và đồng bằng; cụ thể:

  • Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.

  • Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm... Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, điều chỉnh bất cập và xử lý nghiêm sai phạm.
  • Về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng KCB giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án KCB từ xa, kết nối hỗ trợ KCB, điều trị trực tuyến...

2. Phối hợp rà soát có chính sách hỗ trợ BHYT cho NLĐ

Trả lời chất vấn về giải pháp trước tình trạng NLĐ phải tạm hoãn Hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ không lương do dịch vừa qua nhưng họ không được tiếp tục gia hạn thẻ BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt mục tiêu đề ra và chỉ còn gần 10% dân số chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, năm 2021 số người tham gia BHYT sẽ giảm đi do tác động của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn này, Bộ Y tế đang phối hợp cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát thống kê nhóm đối tượng là NLĐ bị mất việc, nghỉ việc… để có những chính sách hỗ trợ tham gia BHYT và đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe theo BHYT.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại nơi điều trị Covid-19

Bộ Y tế có Công văn số 9262/BHYT-BH về hợp đồng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, trạm y tế lưu động. Theo đó, việc thanh toán chi phí KCB được Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

  • Chi phí KCB cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.
  • Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19: Thực hiện theo quy định về BHYT, KCB và theo hướng dẫn tại Công văn 3100/BYT-BH; Công văn 6373/BYT-BH và Công văn 9262/BHYT-BH.

Chi phí KCB BHYT tại các “Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19" được tổng hợp và thanh toán riêng, được tính là chi phí phát sinh do thay đổi phạm vi hoạt động hoặc do thành lập mới.

Ngoài ra, Công văn nêu rõ, việc lập hồ sơ KCB của người bệnh BHYT như sau:

  • Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 lập hồ sơ KCB của người bệnh có thẻ BHYT gửi bệnh viện được giao phụ trách quản lý, điều hành để thực hiện thanh toán.
  • Trạm y tế lưu động lập hồ sơ KCB của người bệnh gửi Trạm Y tế cấp xã trên địa bàn có tổ chức KCB BHYT để thực hiện thanh toán chi phí.
  • Đối với xã, phường, thị trấn không có Trạm Y tế cấp xã trên địa bàn có tổ chức KCB BHYT thì gửi trực tiếp đến cơ sở y tế cấp huyện có hợp đồng KCB BHYT.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Xuất hiện tin nhắn lừa đảo thông báo về việc nhận trợ cấp Covid-19

Những ngày gần đây, BHXH Việt Nam đã nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được tin nhắn có đầu số 052... thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nội dung “Ban chua nhan duoc tr0 cap C0VID-19, vui long dang nhap tinyurl.com/kxytdc8z (hoặc shorturl.at/frFHU) de lay, qua han se kh0ng duoc chap nhan".

Trước vụ việc trên, BHXH Việt Nam khẳng định, tin nhắn trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá  nhân và hack tài khoản của người dân. Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

BHXH Việt Nam cảnh báo, người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn. Đồng thời, cần nâng cao cảnh giác vì thời gian người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo quy định của Nghị quyết số 116/NQ-CP và thời gian nhận đề nghị hỗ trợ của người lao động theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.

Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH theo đường link:https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số BHXH”, “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy” chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu”.

BHXH Việt Nam khuyến nghị: Khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an toàn

Sau khi thực hiện gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng, kết dư Quỹ BHTN vẫn đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi của năm trước liền kề. Đây là mức kết dư tốt, đảm bảo an toàn.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn chiều ngày 11/11/2021. Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ BHTN là 90.600 tỷ đồng. Đây là mức tốt và an toàn cao. Theo Nghị định của Chính phủ, phấn đấu mức kết dư thông thường để đảm bảo an toàn là gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này.

Chính vì vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, đời sống người dân, việc làm của người lao động, nhất là những người đang tham gia BHTN và chủ sử dụng lao động tham gia BHTN gặp rất nhiều khó khăn thì việc quỹ BHTN để kết dư lớn như thế thì thực sự không ổn. Do đó, sau khi đánh giá tác động và tính toán, cân nhắc làm sao kết dư này phải đảm bảo an toàn ít nhất trong 5 năm tới, Chính phủ thấy hoàn toàn có căn cứ để đề xuất với cấp có thẩm quyền và báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến. Sau khi xem xét, Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 đồng ý để Chính phủ sử dụng 38.000 tỷ từ Quỹ BHTN, trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ người lao động và 8.000 tỷ hỗ trợ việc giảm đóng cho người sử dụng lao động.

“Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm được với mức kết dư này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Bên cạnh quỹ BHTN, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc có thể sử dụng quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Không thể sử dụng quỹ này cho việc khác được. Các nước họ cũng không cho phép vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia BHXH theo nguyên tắc quan trọng nhất là có đóng có hưởng, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Theo nguyên tắc đó nên không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được.

“Muốn đầu tư xây nhà cho công nhân, chúng ta nên sử dụng ngân sách, sử dụng nguồn khác chứ không thể dùng quỹ BHXH để làm vì không đúng nguyên tắc, quy định. Hiện nay, một năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ. Do vậy, quỹ BHXH phải bảo toàn và phát triển bền vững, chúng tôi không dám đề xuất vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII.Thực hiện nhiều giải pháp giải quyết tình trạng nhận BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội bền vững

Chiều 10/11/2021, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định cần thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nhận BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Việc người lao động nhận BHXH một lần - tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Điều dễ nhận thấy, nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho người lao động lợi ích trước mắt, chứ thực chất người lao động không lường hết được những nguy cơ sẽ đến với mình như đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Cụ thể, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Bên cạnh đó, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần giảm tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân đời sống khó khăn, dịch bệnh…Do đó, để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là:

  • Thứ nhất, phải chăm lo cho đời sống người lao động bởi hầu hết rút BHXH một lần là công nhân, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải những hoàn cảnh éo le. Vì vậy, để giải quyết tận gốc tình trạng này, thì phải nâng cao đời sống người lao động, chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì sẽ không còn nghĩ đến việc rút BHXH một lần nữa.
  • Thứ hai, cần tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của chính sách BHXH. Việc truyền thông cần hướng tới mục đích tạo dựng được một văn hoá an sinh xã hội, hay nói cách khác là văn hoá tham gia BHXH thì mới là thành công.
  • Thứ ba, cần tiến hành tổng kết Nghị định số 93/2015/QH13 trong thực hiện Điều 60 Luật BHXH về vấn đề rút BHXH một lần; đồng thời tiến hành sửa đổi Luật BHXH. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu đến năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến; trong đó có nội dung tăng cường các lợi ích khi người lao động không hưởng BHXH một lần. Đây là cách nhiều nước đang thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII.Sửa đổi, mở rộng chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg đối tượng hỗ trợ được sửa đổi, bổ sung như sau: NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: Phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; Do NSDLĐ bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/05/2021 đến ngày 31/12/2021.
  • Thứ hai, đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.Bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế đã được quy định trước đó, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg bổ sung quy định hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Cụ thể, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/người.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

IX.Cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua dịch vụ tin nhắn 8079

Nhằm hỗ trợ cá nhân đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH có thể chủ động lấy lại được mật khẩu để đăng nhập ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” (ứng dụng VssID) hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam mới đây đã triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079.

Cụ thể, từ ngày 22/10/2021, để lấy lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, người dùng có thể sử dụng dịch vụ tin nhắn với cú pháp tin nhắn “BH MK {Mã số BHXH}” gửi tới đầu số 8079.

Ví dụ: Mã số BHXH 1234567xxx cần lấy lại mật khẩu, người dùng soạn tin nhắn gửi tới đầu số 8079 với cú pháp sau: BH MK 1234567xxx.

Trường hợp hệ thống kiểm tra số điện thoại gửi tin nhắn là của đúng mã số BHXH trong nội dung tin nhắn và đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hệ thống sẽ trả về nội dung tin nhắn: “Cap lai mat khau thanh cong. Tai khoan: 1234567xxx/Mat khau: 22xx99”.

Các trường hợp số điện thoại nhắn tin không đúng số điện thoại đã đăng ký với mã số BHXH, hoặc mã số BHXH sai cấu trúc (không phải 10 ký tự số), tin nhắn sai cú pháp... hệ thống sẽ gửi phản hồi đến số điện thoại đã gửi tin nhắn.

Người dùng ứng dụng VssID lưu ý: Với đầu số 8079 nhà mạng sẽ thu phí dịch vụ 1.000 đồng/1 tin nhắn.

Lưu ý: Chỉ trường hợp quên mật khẩu (thực hiện cấp lại mật khẩu bằng cách nhắn tin đến đầu số 8079), thì cá nhân mới phải trả phí dịch vụ tin nhắn cho nhà mạng, còn trường hợp chủ động đổi mật khẩu thì không mất phí. Mật khẩu cấp lần đầu, BHXH Việt Nam đã gửi tin nhắn SMS về số điện thoại đăng ký (đối với các tài khoản được phê duyệt trước ngày 22/10/2021), gửi về email đăng ký (đối với tài khoản được phê duyệt từ ngày 22/10/2021). Để tiết kiệm chi phí, cá nhân nên tìm lại mật khẩu đã được cấp (trong tin nhắn hoặc email) và chủ động đổi mật khẩu dễ nhớ. Người dân có thể sử dụng chức năng đăng nhập bằng vân tay, nhận dạng khuôn mặt hoặc tìm lại trong email đã đăng ký với BHXH Việt Nam.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

X. Gần 1.070 tỷ đồng tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Đến hết ngày 22/11/2021, 806 đơn vị đã được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho hơn 152 nghìn lao động. Số tiền tạm dừng lên tới hơn 1.070 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tới hết ngày 22/11/2021 cho thấy, cả nước đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 806 đơn vị với 152.467 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền hơn 1.067,9 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, đã xác nhận danh sách cho 2.530.142 lao động của 65.695 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có hơn 486 nghìn lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 5.036 đơn vị.

Ngoài ra, có 3.728 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 34 đơn vị.

Hơn 78 nghìn lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 996 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NĐ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, Nghị quyết 126 nới điều kiện được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất so với quy định trước đây tại Nghị quyết 68.

Cụ thể, theo Nghị quyết 126, tại Khoản 2, Mục II về chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được sửa đổi, bổ sung như sau: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội, hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Trước đó, Nghị quyết 68 quy định điều kiện mức giảm lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 15% trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

XI. Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

Được ban hành năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật BHYT về cơ bản đã đáp ứng được việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của bệnh nhân. Thế nhưng, sau 6 năm thi hành, một số nội dung trong Luật BHYT hiện hành đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với xu thế hiện nay.

1. Một số tồn tại, hạn chế trong quá trình áp dụng Luật BHYT 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014

Thực tế, tính đến 31/12/2020, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT rất khả quan khi số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số), trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng (bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT).

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, Luật BHYT hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ, dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; vẫn còn chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị;...

Chưa kể, theo một số chuyên gia, chính sách BHYT bắt buộc; chính sách cùng chi trả; cân đối mức đóng và mức hưởng… có nên có mô hình BHYT thương mại hay không? Có kích thích, khuyến khích người đóng mức cao hơn để hưởng lợi cao hơn không? Mô hình về tham gia BHYT theo hộ gia đình hay cá nhân sẽ như thế nào? Là những vấn đề hết sức quan trọng cần phải nghiên cứu, xem xét và tính toán lại, đây cũng là những yêu cầu bắt buộc đòi hỏi Luật BHXH tiếp tục phải sửa đổi mới có thể đáp ứng được.

2. Sửa đổi Luật BHYT đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) cũng được đưa ra thảo luận, và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các đại biểu tham dự.

Trong đó, để đảm bảo mục tiêu vừa thuận tiện trong quá trình triển khai, vừa nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, quá trình xây dựng Luật cần phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch.

Đồng thời, theo Thủ tướng, cần quán triệt, bám sát các quan điểm mới về an sinh xã hội trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nhất là bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân…

Được biết, dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng sẽ tập trung vào các điểm chính như: Điều chỉnh quyền lợi BHYT theo hướng công bằng, hiệu quả; đồng thời giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện; Kiểm soát chi phí theo hướng đảm bảo sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ, tránh lãng phí, cân đối quỹ BHYT; Điều chỉnh đảm bảo sự công bằng trong mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

 

Trân trọng cảm ơn !