Ứng dụng chữ ký số, chứng thực điện tử trên môi trường số

Bấm vào để phóng to

Để góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số, sáng 25-11, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT-TT đã phối hợp với Sở TT-TT TPHCM tổ chức hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2022”.

Ứng dụng chữ ký số, chứng thực điện tử trên môi trường số ảnh 1

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, các sở - ban - ngành tại TPHCM, Trung tâm Phục vụ hành chính công tại các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, đại diện Sở TT-TT các tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đánh giá, chữ ký số nói riêng và xác thực điện tử nói chung đang được sử dụng ngày càng rộng rãi, có vai trò quan trọng trong các giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Theo báo cáo của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Năm 2022, Việt Nam đã phát triển đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, số liệu thống kê đến tháng 9-2022 đơn vị đã cấp 499.617 chứng thư số.

Năm 2022, Việt Nam xếp hạng 86/193 toàn cầu, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về Chính phủ số của các quốc gia trên thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2021. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu về các chỉ số tổng thể. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% và tỷ lệ này đạt trên 70% đến năm 2030.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, hiện TPHCM đã ứng dụng chữ ký số trong phát hành văn bản điện tử, triển khai liên thông kết nối trên 1.140 đơn vị bao gồm các ban ngành thành phố và các quận huyện, hơn 10 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận trên nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung của thành phố.

Hiện nay, TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật điện tử quốc gia triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số để giải quyết các thủ tục hành chính, hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2022. 

“Nhận thức được ứng dụng chữ ký số là hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực, TPHCM sẽ đẩy mạnh phát triển, tăng cường ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là công tác số hóa để hình thành kho dữ liệu dùng chung, góp phần nâng cao năng lực cải cách hành chính tại các đơn vị”, bà Võ Thị Trung Trinh, nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, hội nghị đã tổ chức “Lễ công bố tích hợp chữ ký số từ xa vào cổng dịch vụ công TPHCM”. Từ đây, người dân, doanh nghiệp tại TPHCM có thể sử dụng trải nghiệm dịch vụ chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử… nhằm tạo thuận tiện, nâng cao hiệu quả công việc. 

Nguồn https://www.sggp.org.vn