Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 11/2017

Bấm vào để phóng to

I. Người dân có thể làm hồ sơ BHXH, BHYT ngay tại nhà

TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng dịch vụ hành chính công Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) trực tuyến qua dịch vụ bưu chính.

Từ hôm nay (24/10), người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng Internet và ngồi nhà nhận kết quả được trả qua bưu điện, không cần đến trụ sở cơ quan BHXH.

Ngày 24/10, BHXH TP HCM và Bưu điện TP HCM hợp tác triển khai dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho người dân TPHCM trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Theo đó, người dân muốn nộp hồ sơ BHXH, BHYT sẽ truy cập website một cửa điện tử của TP HCM tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn rồi vào trang “Tiếp nhận hồ sơ”, chọn mục “BHXH”; hoặc truy cập website http://dvc.bhxhtphcm.gov.vn để vào hệ thống (có hỗ trợ ứng dụng di động trên iOS và Android). Tiếp đó, người dân đăng nhập hệ thống, tạo và gửi hồ sơ BHXH, BHYT theo hướng dẫn.

Dịch vụ công BHXH trực tuyến qua bưu chính hỗ trợ tất cả 23 bộ thủ tục BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp giúp người dân có tham gia BHXH, BHYT làm trực tuyến các loại thủ tục này. Các loại giấy tờ, đơn đề nghị có mẫu sẵn, người dân chỉ cần điền trực tiếp và có thể tra cứu tình trạng thông tin bộ hồ sơ đã gửi. Riêng một số hồ sơ có các chứng từ không thể gửi trực tuyến được, người dân cần chuẩn bị các chứng từ này và nhân viên bưu điện sẽ đến nhận, nộp cho cơ quan BHXH; khi có kết quả, bưu điện sẽ trả tận nhà cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Bưu điện TP HCM cho biết, giá cước tiếp nhận hoặc/và trả kết quả hồ sơ từ 25.000 – 50.000 đồng, tùy địa bàn và yêu cầu của khách hàng; thời gian phục vụ từ 1 đến 3 ngày tại TP HCM, từ 3 đến 5 ngày ở tỉnh, thành khác.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM cho hay, từ năm 2015, Bưu điện TP HCM và BHXH TP HCM đã phối hợp, tiên phong thực hiện nộp hồ sơ BHXH trực tuyến, nhận kết quả tại doanh nghiệp cho hơn 67.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Các doanh nghiệp chỉ cần có chữ ký số là có thể giao dịch các loại thủ tục với cơ quan BHXH mà không cần đến trực tiếp.

Giám đốc BHXH TP HCM cho biết, TP HCM có 6,7 triệu người tham gia BHYT; 2,2 triệu người tham gia BHXH. Trong quá trình tham gia, có hàng loạt nhu cầu phát sinh giao dịch với cơ quan BHXH để sửa đổi, bổ sung, hưởng các loại trợ cấp… Trước đây, người dân phải trực tiếp đến cơ quan BHXH để làm các thủ tục. Từ nay, người dân ngồi tại bất cứ đâu cũng có thể kê khai, đăng ký làm thủ tục. Nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính này nhằm giúp người dân tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT được thuận lợi.

(Nguồn: Sggp.org.vn; Xem chi tiết tại đây)

II. Quyết liệt, tập trung trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp

Sáng 20/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật việc làm; công tác cấp mã số BHXH, trả sổ BHXH và giải đáp các vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương; cùng dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Phó Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào; đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc Phòng, BHXH Công an nhân dân. Tại điểm cầu địa phương có Giám đốc BHXH 63 tỉnh, thành phố; đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bưu điện tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Thời gian qua, Ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai, tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật việc làm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Hội nghị lần này hết sức quan trọng nhằm tăng cường phối hợp, thống nhất giữa Ngành BHXH và Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho người tham gia.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định: Đến nay, kết quả cấp mã số BHXH và bàn giao sổ BHXH đạt kết quả khả quan, đang đi đúng hướng, đạt kế hoạch đề ra và đề nghị các đơn vị cần tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện tốt; thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao tỷ lệ cấp mã số BHXH; ngành Bưu điện cũng phối hợp chặt chẽ với Ngành BHXH quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Các đơn vị cần tập trung thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ bàn giao sổ BHXH cho người lao động. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời khen thưởng những đơn vị nào thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị các đại biểu tham gia hội nghị cùng thảo luận, làm rõ những nguyên nhân, đồng thời đề ra giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được cho biết: Thời gian qua, công tác tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp của các địa phương cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và kịp thời đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Uớc tính, đến hết tháng 09/2017, toàn Ngành đã giải quyết cho 7,71 triệu lượt người giải quyết hưởng BHXH, BH thất nghiệp (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, giải quyết gần 99 nghìn người hưởng BHXH hàng tháng; giải quyết hơn 536 nghìn lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 6,52 triệu lượt người; chi trợ cấp thất nghiệp cho 526 nghìn người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016; chi hỗ trợ học nghề cho gần 26 nghìn người, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, ông Điều Bá Được cũng cho biết, đến nay vẫn còn tồn đọng đơn thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài, vẫn còn vướng mắc trong giải quyết cho người hưởng tiếp lương hưu khi bị phạt tù trước năm 1995, chậm hoặc chưa phát hiện sai sót khi giải quyết chế độ BHXH…

Ông Được cũng đề nghị, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm túc văn bản chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT theo Công văn số 4184/BHXH-CSXH ngày 22/09/2017 của BHXH Việt Nam; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai phạm; không để tình trạng đơn thư tồn đọng kéo dài; các đơn vị nghiệp vụ tăng cường chuyên quản theo dõi địa bàn, xây dựng đề cương để cán bộ chuyên quản thực hiện; nghiên cứu, đề xuất trình lãnh đạo Ngành ban hành quy trình nghiệp vụ mới; thống nhất liên thông cơ sở dữ liệu tập trung tại Trung ương để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các quy trình nghiệp vụ…

Trưởng Ban Sổ - Thẻ Chu Minh Tộ cho biết, BHXH các địa phương tích cực rà soát, bàn giao sổ BHXH. BHXH các địa phương đã tranh thủ chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, huyện đối với công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH; sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Giám đốc BHXH các cấp; sự nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm không quản vất vả, ngày đêm của cán bộ trong ngành BHXH cũng như cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ rà soát, bàn giao sổ BHXH; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH, ngành Bưu điện và đơn vị sử dụng lao động trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, còn có đóng góp tích cực của việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền để đơn vị và người lao động hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc rà soát, bàn giao sổ BHXH.

Tính đến 17/10/2017, cả nước đã bàn giao được 5.999.631 sổ BHXH trên tổng số 12,9 triệu người lao động đang tham gia, đạt 46,6%. Một số tỉnh tỷ lệ sổ BHXH trả cho người lao động cao, trên 70% như: Vĩnh Phúc, Bến Tre, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Hải Phòng, Quảng Bình, Thái Bình, Trà Vinh…

Về tình hình hoàn thiện, cấp mã số BHXH, Phó Trưởng Ban Thu Vũ Mạnh Chữ thông tin: Tính đến ngày 17/10/2017, toàn quốc đã rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình cho 55,8 triệu người, đạt 75,9%. Còn 17,7 triệu người chưa có mã số BHXH, chiếm 24,1%. Có 19 tỉnh đạt tỷ lệ cao từ 80% trở lên gồm: Cao Bằng (96,6%); Điện Biên (93,4%); Yên Bái (91,6%); Đồng Nai (89,2%)… Đến 10/10/2017, toàn quốc đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho trên 4 triệu người, đạt 5,5%.

BHXH các địa phương cũng đưa ra các vướng mắc, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, công tác rà soát trả sổ BHXH cho người lao động cũng như đồng bộ mã số BHXH. Các ý kiến đưa ra đã được lãnh đạo BHXH Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ cùng giải đáp, tháo gỡ.

Về giải pháp đẩy mạnh công tác cấp mã số BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Đối với các tỉnh có tỷ lệ đồng bộ dưới 70%, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện rà soát, hoàn thiện mã số BHXH; Giám đốc BHXH tỉnh, huyện tăng cường chỉ đạo, huy động cán bộ quyết tâm thực hiện, tăng tỷ lệ người tham gia được cấp mã số BHXH.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, nếu triển khai tốt, chính xác, việc cấp mã số BHXH về lâu dài sẽ hỗ trợ tốt cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Các ý kiến vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp, xin ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng đồng thời chia sẻ với khối lượng công việc lớn của cán bộ BHXH các tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, cử cán bộ chủ động đi hỗ trợ, giám sát địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố tạo điều kiện, động viên cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố đổi mới tư duy, sâu sát, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe những phản ánh người dân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện, không để tình trạng đơn thư tồn đọng kéo dài; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn đọng kéo dài của người dân, nâng cao uy tín của Ngành. Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Bảo đảm liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT trong ngày

Nhằm bảo đảm liên thông dữ liệu kịp thời, Quyết định 1553 của BHXH Việt Nam vừa ban hành chỉ rõ, các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm gửi dữ liệu chi tiết đề nghị thanh toán BHYT lên cổng tiếp nhận ngay khi người bệnh kết thúc lần khám bệnh, đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Quyết định số 1553/QĐ-BHXH ngày 28/09/2017 về quản lý, khai thác thông tin tại Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Theo đó, các đơn vị và cá nhân được quyền khai thác phải bảo đảm tính bảo mật, cũng như liên thông dữ liệu kịp thời, đầy đủ. Và chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán BHYT và kết quả giám định BHYT điện tử.

Theo đó, Quyết định đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gửi dữ liệu chi tiết đề nghị thanh toán sang giám định chậm nhất 24 giờ kể từ thời điểm thanh toán (cơ sở KCB có thể bổ sung, điều chỉnh, xóa dữ liệu danh mục và dữ liệu KCB của đơn vị trên cổng tiếp nhận của Hệ thống. Tuy nhiên, dữ liệu đã gửi giám định chỉ được thay thế khi có sự chấp thuận của cơ quan BHXH).

Các cơ sở KCB phải gửi dữ liệu tổng hợp đề nghị thanh toán BHYT hằng tháng trong năm ngày đầu tháng kế tiếp. Gửi dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế trong vòng năm ngày làm việc khi có kết quả trúng thầu hoặc mua sắm bằng các hình thức hợp pháp khác hoặc khi có thay đổi, điều chỉnh danh mục, giá thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật.

Chữ ký điện tử được tích hợp và sử dụng trên Hệ thống thông tin giám định BHYT phải theo đúng các quy định của pháp luật và khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Báo cáo kết xuất từ Hệ thống thông tin giám định BHYT có tích hợp chữ ký số hợp lệ sẽ có giá trị pháp lý và thay thế báo cáo bằng văn bản giấy.

BHXH Việt Nam nhấn mạnh, các đơn vị và cá nhân được quyền khai thác Hệ thống thông tin này có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy định, quy chế của BHXH Việt Nam về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo đảm an toàn thông tin theo Quyết định số 967/QĐ-BHXH ngày 20/06/2017 của BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong ứng dụng CNTT của ngành BHXH.

Giám đốc BHXH các tỉnh phải chịu trách nhiệm về kết quả công tác giám định điện tử tại địa phương được giao quản lý.

Về phía các cơ sở KCB phải có trách nhiệm quản lý, bảo mật các tài khoản truy cập, bảo mật các thông tin khai thác từ Hệ thống. Bên cạnh đó, bảo đảm liên thông dữ liệu kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu các danh mục sử dụng tại đơn vị, dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán BHYT.

(Nguồn: Nhandan.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở

Từ ngày 01/12/2017, người dân sẽ được cung cấp các gói dịch vụ y tế (DVYT) cơ bản gồm: Gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả và Gói DVYT cơ bản phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ), dự phòng và nâng cao sức khoẻ”. Các dịch vụ này được quy định cụ thể tại Thông tư 39/2017/TT-BYT quy định về gói DVYT cơ bản cho tuyến cơ sở vừa được Bộ Y tế ban hành.

Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị áp dụng đối với các cơ sở y tế tại tuyến y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) và mọi người dân.

Cụ thể: Gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả gồm 76 DVKT khám bệnh, chữa bệnh (trong các Thông tư số 43/2013/TT-BYT, Thông tư số 21/2017/TT-BYT và Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC) và 241 loại thuốc áp dụng tại cơ sở y tế tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y). Người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản được hưởng quyền lợi theo phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT và các quy định tại Thông tư này. Người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế và các quyền lợi khác không thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Thông tư này tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc được cơ quan BHXH thanh toán theo quy định của pháp luật về BHYT. Giá các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT và Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Giá thuốc, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế.

Gói DVYT cơ bản phục vụ CSSKBĐ, dự phòng và nâng cao sức khỏe gồm các dịch vụ thiết yếu áp dụng tại trung tâm y tế huyện (trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để CSSK, dự phòng và nâng cao sức khỏe. Các DVYT cơ bản này bao trùm hầu hết các dịch vụ CSSK người dân như: KCB, điều trị, kế hoạch hóa gia đình, CSSK tại cộng đồng, dịch vụ bác sĩ gia đình CSSK tại nhà (phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, phòng chống ung thư), khám sàng lọc, phát hiện các bệnh tật cho nhóm nguy cơ cao cho cộng đồng; các dịch vụ khám, quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ CSSK... Đặc biệt, gói DVYT cơ bản này cũng bảo đảm cả cung cấp dịch vụ tư vấn, truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe; dự phòng bệnh, dịch truyền nhiễm, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Các gói DVYT cơ bản này sẽ được cập nhật định kỳ từ 1 - 2 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Thông tư cũng quy định rõ mức thanh toán cho các DVYT theo từng gói dịch vụ khác nhau. Theo đó, đối với Gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả, giá thuốc, VTYT và các DVKT được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT và Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Người tham gia BHYT khi sử dụng các DVYT thuộc gói DVYT này được hưởng quyền lợi theo phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT và các quy định tại Thông tư này. Còn lại, các DVKT, thuốc, VTYT và các quyền lợi khác sẽ được cơ quan BHXH thanh toán theo quy định của pháp luật về BHYT.

Riêng Gói DVYT cơ bản phục vụ CSSK ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe được xác định nhiều nguồn tài chính theo các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, đối với các dịch vụ CSSK, dự phòng và nâng cao sức khỏe để thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu y tế- dân số do kinh phí của Chương trình Mục tiêu y tế - dân số chi trả theo quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg (ngày 31/07/2017) của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dịch vụ CSSK, dự phòng và nâng cao sức khỏe cho các đối tượng được Nhà nước bảo đảm kinh phí theo quy định của pháp luật hiện hành, thì thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Còn lại, các dịch vụ CSSK, dự phòng và nâng cao sức khỏe - ngoài 2 nhóm dịch vụ trên sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp y tế theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg (ngày 19/10/2016) của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017.

Riêng các dịch vụ khác ngoài các dịch vụ được đảm bảo từ các nguồn ngân sách trên, cơ sở y tế được phép thu của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành, từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Thông tư cũng quy định, BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo BHXH các cấp thanh toán đủ chi phí của các dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cung cấp trong thực tế theo hướng dẫn thanh toán quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan: Bố trí ngân sách địa phương, kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm nguyên tắc không dàn trải và hiệu quả: Ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế có khả năng cung cấp các dịch vụ thuộc cả hai gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hạn chế đầu tư đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn gần trung tâm y tế huyện có hai chức năng hoặc gần các bệnh viện; Phù hợp với thực tế địa phương và các nhóm quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế ban hành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 4667/QĐ-BYT). Bố trí nhân lực để các cơ sở y tế có đủ điều kiện cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản. Chỉ đạo việc thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho người hành nghề tại y tế cơ sở. Thực hiện nguyên tắc viên chức y tế tại trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm về làm việc tại trạm y tế xã, phường một số ngày nhất định trong tuần và viên chức trạm y tế xà, phường, thị trấn được luân phiên làm việc tại trung tâm y tế huyện theo kế hoạch, bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh;

Đối với Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả: Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản cho người có thẻ BHYT trên địa bàn quản lý; Chỉ đạo Sở Y tế và BHXH tỉnh thanh toán chi phí của các dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản cho các cơ sở y tế theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan,.

Đối với Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe: Bảo đảm ngân sách và chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương thực hiện các dịch vụ y tế cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe cho người dân, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của pháp luật; Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền về việc sử dụng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để cung cấp các dịch vụ y tế thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này; Huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT

Đó là tiêu đề Hội nghị tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT khu vực phía Bắc do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đại diện Sở Y tế, BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực phía Bắc.

Vừa bảo tồn quỹ, vừa nâng cao chất lượng KCB

Tại Hội nghị, đại diện hai cơ quan y tế và BHXH cùng thảo luận, giải đáp những bức xúc, vướng mắc trong thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; đồng thời tiếp cận kết quả khảo sát, đánh giá nhanh thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT ở một số tỉnh do Tổng hội Y học Việt Nam và Viện Chiến lược & Chính sách Y tế phối hợp thực hiện. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở y tế, đại diện cơ sở y tế phát biểu ý kiến nêu tình hình thực tế địa phương, cho thấy rõ hơn tình hình KCB BHYT hiện nay.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc – (BHXH Việt Nam) nêu rõ: Những con số 9 tháng đầu năm cho thấy, có sự gia tăng lượt khám bệnh bất thường, nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng cách chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện; Giá dịch vụ y tế, mua sắm vật tư y tế chưa hợp lý; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết; thanh toán sai quy định…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra trong công tác khám chữa bệnh BHYT hiện nay như: giao quỹ BHYT cho địa phương; số lượt khám, chữa bệnh quá mức; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng; bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và xét nghiệm cao hơn bình thường... Trong đó có tình trạng: trước khi tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện chỉ có 1.000 giường, sau khi tăng giá viện phí, số giường tại bệnh viện tăng lên đến 1.500 đến 1.600 giường, trước khi tăng giá viện phí, bệnh nhân chỉ nằm viện có 5 ngày còn sau khi tăng giá viện phí, bệnh nhân mắc bệnh đó lại nằm viện đến 7 ngày…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, việc tăng chi tiền khám chữa bệnh BHYT vừa qua không hẳn chỉ đáng lo mà cũng đáng mừng bởi người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được chi trả nhiều hơn, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân, thời gian vừa qua đã kết dư 49.000 tỷ. Với tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay thì số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2-3 năm tới, do đó nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Tại hội nghị, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã rất thắng thắn cho hay: Quỹ BHXH do nhà nước bảo hộ, quỹ BHYT nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ lo. Do đó, nếu nói là sắp vỡ quỹ BHYT và BHXH sẽ gây hoang mang cho người dân.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc tăng chi từ Quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30 - 33%, bên cạnh đó mức đóng BHYT hiện nay của chúng ta là thấp trong khi mức hưởng cao và không có mức trần nên “không tăng mới là lạ”. Ngoài ra, hiện nay trong tổng số tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta có đến hơn 30% do ngân sách nhà nước chi trả và khá nhiều người dân còn chưa có ý thức tham gia BHYT... Một yếu tố nữa, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra là việc thiếu tính hướng dẫn đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật như: Phân hạng BV, định mức bác sĩ khám bệnh... Bên cạnh đó, do thực hiện cơ chế tự chủ nên nhiều địa phương đã cắt ngân sách khiến các BV không có nguồn thu dẫn đến tình trạng bệnh viện phải lách để có kinh phí hoạt động, chi trả thêm cho cán bộ y bác sĩ...

Tuy nhiên, ông Lợi cho hay, tại cuộc họp chuyên đề mới đây, các đại biểu Quốc hội đánh giá công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt việc thực hiện chính sách BHYT rất tốt. Qua những hội nghị như thế này hai ngành cần thẳng thắn nhận ra những tồn tại của mình để cùng bàn thảo, tìm cách tháo gỡ. Thực tế qua giám sát của Quốc hội cho thấy, nơi nào có sự gắn kết, đồng thuận chặt chẽ thì ở nơi đó mọi khúc mắc đều sớm được giải quyết.

Ông Lợi cũng đề nghị ngành y tế cần xem lại những tồn tại về văn bản chính sách để sớm điều chỉnh cho phù hợp và luôn luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ người bệnh.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo. Ngành y tế là ngành có trách nhiệm rất lớn trong sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp; BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực cũng có hạn, trong khi phải đảm đương nhiệm vụ an toàn quỹ.

Về ngành BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của ngành y tế, cái gì là lỗi thì sửa ngay, cái gì không thuyết phục, không chuẩn thì sớm nắn chỉnh lại và cũng bàn thảo, tìm giải pháp để có sự đồng thuận trong tháo gỡ khó khăn với phương châm tất cả vì quyền lợi của người bệnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhận diện thực trạng hiện nay, có một số chính sách, Luật còn vướng, gây khó khăn cho cả ngành Y tế, BHXH và đề nghị ngành y tế sớm ban hành, chỉnh sửa cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết để giải quyết các bất cập liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế hiện đang sửa đổi, điều chỉnh lại các Thông tư và văn bản khác liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, về đào tạo liên tục cũng như chứng chỉ hành nghề. Đồng thời trong tuần tới, ngành y tế sẽ ra văn bản hướng dẫn về ngày kê giường, bàn khám; ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến xã trong đó có khám chữa bệnh BHYT... để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đồng thời ngành y tế cũng sớm có những hướng dẫn về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, sớm ban hành thông tư về quy trình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngành y tế sẽ tiến đến mô hình phân tầng là chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến giữa và tuyến cao nhất...

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav