Bản tin Thuế tháng 11/2017

Bấm vào để phóng to

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 11/2017

Bkav xin thông báo, kỳ lập bộ tháng 11/2017 sẽ hết hạn vào thứ Hai ngày 20/11/2017 đối với tờ khai tháng 10/2017. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn. 

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai trước thời gian hết hạn để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng xem Hướng dẫn xử lý vấn đề thường gặp tại địa chỉ http://hd.noptokhai.vn. Quý Khách hàng cũng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua email BkavCA@bkav.com hoặc số điện thoại 1900 18 54, để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, để tham khảo Hướng dẫn và trao đổi các vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng, Quý Khách hàng truy cập Fanpage Bkav CA tại địa chỉ https://www.facebook.com/BkavCA.

II. Về việc nâng cấp ứng dụng iTaxViewer 1.4.1

Tổng cục Thuế đã hoàn thành nâng cấp ứng dụng hỗ trợ đọc, xác minh tờ khai, thông báo thuế định dạng XML (iTaxViewer) phiên bản 1.4.1.

Người nộp thuế (NNT) thực hiện tải ứng dụng iTaxViewer 1.4.1 để xem thông báo bước 2 mẫu 01-2/TB-TĐT được đầy đủ, chính xác.

(Nguồn: Nhantokhai.gdt.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

III. Đưa hoá đơn điện tử vào cuộc sống

Hóa đơn điện tử là một cải cách hành chính của ngành thuế, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính. Tuy nhiên, để đưa hoá đơn điện tử vào cuộc sống, ngoài nỗ lực của ngành thuế còn cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan và sự đồng lòng của cộng đồng DN. Nội dung này được trao đổi tại buổi tọa đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 24/10/2017.

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn. Với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm, chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà DN tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm. Chia sẻ những lợi ích mà HĐĐT mang lại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, HĐĐT đem lại thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trước đây, việc lập hóa đơn được thực hiện thủ công, đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, DN hoàn toàn có thể xuất HĐĐT, trên cơ sở đó kết xuất để đưa vào hệ thống. Về phía cơ quan thuế, hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn, phục vụ công tác quản lý thuế, kiểm tra, đối chiếu cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí thông tin thêm, HĐĐT manh nha hình thành và được triển khai ba năm gần đây. Hiện nay, có nhiều DN sử dụng HĐĐT. Trên cơ sở Nghị định 51 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51, Bộ Tài chính đã có những quy định về HĐĐT, trong đó có Thông tư 32 ban hành năm 2011. Đến nay, số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT thì đến hết tháng 06/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận. Lộ trình tiếp theo là đưa HĐĐT “phủ sóng” rộng hơn tiến tới thay thế hóa đơn giấy.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ những tâm tư của cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa về những khó khăn, lo ngại khi thực hiện HĐĐT. Đó là, đối với những DN đã áp dụng HĐĐT nhưng chưa có xác thực của cơ quan thuế sẽ phải chuyển đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu khi triển khai diện rộng hoạt động này. Hạ tầng công nghệ có đáp ứng được số lượng lớn hoá đơn giao dịch trong một ngày? Lo ngại thứ hai là sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước bởi nếu kết nối không tốt, thiệt hại trực tiếp là DN. Lo ngại thứ ba là về chi phí, nhất là đối với các DN nhỏ, doanh thu thấp. Lo ngại thứ tư là về lộ trình áp dụng, theo phương án ngành thuế đưa ra từ 01/01/2018 áp dụng ngay đối với các DN nguy cơ rủi ro cao, từ 01/07/2018 áp dụng với các DN còn lại có quá gấp hay không khi từ nay đến đó thời gian không còn dài.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí khẳng định, khi đưa ra một thay đổi có tác động lớn đến toàn xã hội, chắc chắn phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, không gây xáo trộn cho hoạt động của DN. Có 3 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là hệ thống hóa đơn tự xây dựng của các DN như hiện nay là hoá đơn điện, nước; thứ hai là HĐĐT sử dụng qua tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ; thứ ba là HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế. Các DN đang triển khai HĐĐT vẫn tiếp tục vận hành, các DN hiện nay đang dùng hóa đơn giấy thì tùy theo mức độ có thể xây dựng hoặc thông qua tổ chức trung gian. Với DN mới thành lập và DN có rủi ro cao thì phải dùng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Tuy nhiên, để áp dụng HĐĐT cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan như hải quan, quản lý thị trường hay ngân hàng. Đối với các DN cung cấp phần mềm (phần mềm kế toán, phần mềm bán hàng, phần mềm quản trị) cần tiếp cận sớm hình thức hoá đơn này và với Tổng cục Thuế để được cung cấp các thông tin cần thiết, từ đó điều chỉnh, cập nhật phần mềm và cung cấp cho DN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định về hoá đơn, Tổng cục Thuế đã ghi nhận nhiều băn khoăn, lo ngại của DN. Thực tế thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký, kê khai, mới đây nhất là hoàn thuế điện tử và lộ trình tiếp theo là HĐĐT. Khi triển khai, Tổng cục Thuế luôn đặt lên hàng đầu vấn đề hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị có đáp ứng được thì mới triển khai. Chia sẻ về lộ trình thực hiện, Phó Tổng cục trưởng cho biết, qua ý kiến của DN, Tổng cục Thuế sẽ có điều chỉnh cho phù hợp, cân nhắc các phương án trình bộ Tài chính và Chính phủ lùi thời điểm thực hiện đến 01/07/2019.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện vẫn có cách để phục hồi ra giấy trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ kiểm tra và sẽ có dấu hiệu nhận biết đây là hóa đơn được phục hồi. Các tính năng sửa hóa đơn, hủy hóa đơn cũng sẽ được cung cấp để DN dễ dàng sử dụng HĐĐT, tuy nhiên phải theo đúng quy định và cơ quan chức năng có thể kiểm tra lại việc sửa, huỷ đó là có cơ sở. Đối với băn khoăn việc áp dụng HĐĐT ở vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối hạ tầng công nghệ, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí cho biết, việc xây dựng HĐĐT không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hóa đơn giấy. Các DN, cơ quan nhà nước phải nhận biết được trường hợp nào được dùng hóa đơn giấy, trường hợp nào không, chứ không tùy tiện áp đặt làm giảm giá trị của hệ thống vừa xây dựng.

(Nguồn: Tapchithue.com.vn; Xem chi tiết tại đây)

IV. Điểm mới về thuế GTGT, lệ phí ĐKKD có hiệu lực từ tháng 11/2017

Trong tháng 11/2017, một số chính sách về thuế giá trị gia tăng (GTGT), lệ phí đăng ký kinh doanh (ĐKKD) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Chính sách thuế GTGT có hiệu lực từ ngày 05/11/2017

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC và bãi bỏ khoản 7 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau:

  • Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập và cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng.

  • Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT.

  • Bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2015).

Quy định mới về lệ phí ĐKKD có hiệu lực thừ ngày 11/11/2017

Đây là nội dung mới đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 96/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Theo đó, Lệ phí ĐKKD là khoản thu đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp một trong các loại giấy chứng nhận sau:

  • Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

  • Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

  • Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã.

(Nguồn: Thuvienphapluat.vn; Xem chi tiết tại đây)

V. Thí điểm liên thông thông tin giữa cơ quan Thuế với cơ quan đăng ký đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua Bộ này đã phối hợp với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính triển khai thực hiện liên thông thông tin tại 7 tỉnh thí điểm nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan đăng ký đất đai.

Cũng theo thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cập nhật tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử quý III/2017, đến nay Bộ TN&MT đã hoàn thành triển khai cấp cứng nhận đánh giá tác động môi trường trên mạng điện tử qua hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Bộ đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 61 thủ tục hành chính, trong đó có 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 4 dịch vụ.

Bộ TN&MT cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, trình Chính phủ ban hành. Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính triển khai thực hiện liên thông thông tin tại 7 tỉnh thí điểm nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan đăng ký đất đai.

Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã triển khai xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ thực hiện các nghĩa vụ thuế. Theo Bộ này, hệ thống đảm bảo thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu tới hệ thống thông tin của các cơ quan thuế, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, viễn thông, ngân hàng, công chứng và các cơ quan khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang phối hợp thiết lập hệ thống thông tin quản lý đất đai - xây dựng; hướng dẫn các địa phương sử dụng phần mềm chung cho cả hai lĩnh vực đất đai và xây dựng; tích hợp thông tin về cấp phép và các thủ tục liên quan.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết này, ngoài các nhiệm vụ chung, Bộ TN&MT còn được Chính phủ giao thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường qua mạng điện tử và tích hợp thông tin lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng phối hợp thiết lập hệ thống thông tin quản lý đất đai - xây dựng; hướng dẫn các địa phương sử dụng phần mềm chung cho cả hai lĩnh vực đất đai và xây dựng; tích hợp thông tin về cấp phép và các thủ tục liên quan từ các địa phương trong lĩnh vực đất đai, xây dựng

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

VI. Doanh nghiệp có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện

Kể từ tháng 11/2017, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai thí điểm đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN), xuất nhập khẩu (XNK), theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35/NQ-CP.

Để rõ hơn về lợi ích và lộ trình triển khai đề án quan trọng này, phóng viên Thời báo tài chính Việt Nam (TBTCVN) đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan (TCHQ) Lưu Mạnh Tưởng.

- PV: Xin ông cho biết lý do cơ quan hải quan quyết định triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7?

- Ông Lưu Mạnh Tưởng: Thời gian qua, TCHQ đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các ngân hàng thương mại thực hiện nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian nộp thuế cho DN. Đến nay, việc nộp tiền tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 36 ngân hàng thương mại phối hợp thu với TCHQ đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho việc nộp tiền của người nộp thuế. Tỷ lệ thanh toán, nộp tiền điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, KBNN năm 2016 tương đối cao (chiếm khoản 90% tổng thu ngân sách của ngành Hải quan).

Tuy nhiên, việc nộp thuế qua ngân hàng phối hợp thu vẫn chưa hỗ trợ cho người nộp thuế chuyển tiền ngoài giờ giao dịch, tức sau giờ làm việc và ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, chưa thuận tiện khi giao dịch nộp tiền, vẫn phụ thuộc vào hoạt động giao dịch trực tiếp giữa người nộp thuế với nhân viên hải quan, kho bạc, ngân hàng; chưa rút ngắn thời gian nộp thuế cho tất cả các giao dịch nộp tiền.

Để khắc phục một số hạn chế nêu trên, TCHQ đã ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TCHQ triển khai đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”.

Đây là đề án trọng tâm của TCHQ trong năm 2017 nhằm hỗ trợ DN nộp tiền trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử hải quan.

- PV: So với quy trình các phương thức thu hiện tại, đặc biệt là phương thức nộp tiền điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, quy trình nộp thuế và thông quan 24/7 có ưu việt gì, thưa ông?

- Ông Lưu Mạnh Tưởng: Thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 đơn giản, thuận tiện, chính xác vượt trội so với các phương thức đang thực hiện. Việc đăng nhập vào chương trình nộp thuế điện tử đơn giản, người nộp thuế có thể sử dụng “User ID” đăng nhập vào hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) của cơ quan hải quan để đăng nhập vào chương trình nộp thuế điện tử. Sử dụng ID chứng từ sẽ đảm bảo vẹn toàn dữ liệu, không lộ bí mật thông tin trong quá trình trao đổi trên hệ thống; đặc biệt sẽ khắc phục hạn chế về giới hạn trường thông tin nộp tiền khi trao đổi một hoặc nhiều giấy nộp tiền thanh toán qua liên ngân hàng. Đây là một bước đột phá trong việc trao đổi thông tin điện tử.

Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: DN, cơ quan hải quan và ngân hàng phối hợp thu ngân sách.

Đối với người nộp thuế, có thể chủ động nộp tiền thuế tại bất kỳ nơi nào có Internet, vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Việc nộp thuế không phụ thuộc vào thời gian làm việc, địa điểm làm việc của các cơ quan thu như: Ngân hàng, KBNN, hải quan. Tránh sai sót các chỉ tiêu thông tin trong việc lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, thống nhất với dữ liệu gốc của cơ quan hải quan, đảm bảo trừ nợ chính xác, thông quan hàng hoá ngay sau khi có thông tin xác nhận đã nộp thuế từ ngân hàng phối hợp thu.

Đối với cơ quan hải quan, phương thức này cho phép tiết kiệm nhân lực, đảm bảo an toàn trong công tác quản lý, đơn giản quy trình thu nộp thuế và trừ nợ chính xác khoản nợ thuế kịp thời ngay sau khi DN nộp thuế, chấm dứt tình trạng cưỡng chế nhầm DN sau khi đã nộp thuế. Đồng thời, cơ quan hải quan có thể thông quan hàng hóa ngay sau khi DN nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 4 theo yêu cầu của Chính phủ.

Với các ngân hàng thương mại, đây là cơ hội để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán cho khách hàng; thu hút thêm khách hàng tiềm năng.

- PV: Thưa ông, đến thời điểm này việc triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7 đã được TCHQ tiến hành thế nào, lộ trình ra sao?

- Ông Lưu Mạnh Tưởng: Theo kế hoạch, đề án sẽ được TCHQ đưa vào triển khai trong tháng 11/2017. Để triển khai đề án, trong tháng 09 và 10/2017, TCHQ đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn và triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7 tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho cộng đồng DN, các hiệp hội, các ngân hàng thương mại, cơ quan hải quan, KBNN.

Đến nay, chương trình Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7 đã được hoàn thiện để người nộp thuế được cập nhật thông tin chữ ký số cho người nộp thuế, đăng ký trước ủy quyền trích nợ và kê khai, lập giấy nộp tiền trên Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Ngày 23/10/2017, TCHQ đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác thu ngân sách và công bố triển khai thí điểm nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank và Techcombank). Trong tháng 11/2017, việc thí điểm đề án này sẽ tiếp tục được mở rộng đến các ngân hàng thương mại đã thực hiện ký kết phối hợp thu ngân sách với cơ quan hải quan.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

VII. 93% bộ, ngành đã ứng dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng

Theo số liệu thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ, tính đến hết tháng 09/2017, có 28/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, chiếm 93%.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, việc sử dụng chứng thư số trong các cơ quan nhà nước đã góp phần đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, hình thành Chính phủ điện tử.

Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017 vừa được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hôm nay, ngày 26/10 tại Hà Nội.

Ông Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua và làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; đồng thời tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp kiến nghị các cấp có thẩm quyền để tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hội nghị sơ kết 5 năm về chữ ký số chuyên dùng cũng là dịp để Ban Cơ yếu Chính phủ trao đổi, giới thiệu với các đại biểu về những nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm đang thực hiện, thống nhất cơ chế phối hợp với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình, dự án CNTT.

Ông Đặng Vũ Sơn - Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua và làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017.

Thứ trưởng nhận định, cùng với việc cấp chứng thư số, các đơn vị chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ đã tư vấn, hỗ trợ triển khai, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước trong quá trình sử dụng chứng thư số, chữ ký số.

“Việc sử dụng chứng thư số trong các cơ quan nhà nước đã góp phần đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, hình thành Chính phủ điện tử”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Việc ứng dụng và triển khai chữ ký số, theo Thứ trưởng, cũng đã nhận được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động của các cấp lãnh dạo và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hầu hết các địa phương trên cả nước đã thể chế hóa việc ứng dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các quy chế, quy định về việc sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước nhằm tạo động lực thúc đẩy triển khai chữ ký số.

Theo số liệu của Ban Cơ yếu Chính phủ, tính đến hết tháng 9/2017, Ban đã bảo đảm cung cấp trên 85.000 chứng thư số, triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.

Trong báo cáo sơ kết 5 năm (2012 - 2017) về chữ ký số chuyên dùng, ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, hoạt động bảo đảm, cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đáp ứng nhu cầu gia tăng rất mạnh qua từng năm. Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp chứng thư số tại 3 miền Bắc - Trung Nam, đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.

Ông Đào cũng cho biết, tính đến hết tháng 09 năm nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã bảo đảm cung cấp trên 85.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.

“Số liệu thống kê cho thấy, nếu như giai đoạn 3 năm, từ 2007 - 2009, số lượng chứng thư số cung cấp chỉ dừng lại ở con số gần 2.000 thì 3 năm sau đó, từ 2010 - 2012 đã tăng trưởng gấp 5 lần; đặc biệt 5 năm sau, từ 2013 - 2017, nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã tăng trưởng gấp 7 lần so với cả 2 giai đoạn trước đó. Qua công tác bảo đảm cung cấp cho thấy, năm sau luôn tăng so với năm trước, có năm tăng 200%”, ông Đào cho hay.

Báo cáo sơ kết của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng chỉ rõ, đến hết tháng 09/2017, đã có 28/30 cơ quan, chiếm 93% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong số 28 bộ, ngành đã ứng dụng, đã có 25 cơ quan đã thể chế hóa việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành.

Trong phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2017 vừa qua, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cũng đã dược hai bên phối hợp thực hiện tốt.

Tổ công tác liên ngành giữa Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ về dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng đã được thành lập để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai cơ quan. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ để tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các chính sách, biện pháp xử lý phù hợp.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, tôi đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa việc cung cấp, sử dụng, quản lý chứng thư số cho các cơ quan nhà nước và hỗ trợ các cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng”, Thứ trưởng nói.

(Nguồn: Ictnews.vn; Xem chi tiết tại đây)

VIII. Năm 2018: Mở rộng khai, nộp thuế điện tử với cá nhân cho thuê nhà

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, việc thí điểm khai, nộp thuế điện tử (NTĐT) với cá nhân cho thuê nhà tại Hà Nội và TP HCM sẽ kết thúc. Tổng cục Thuế sẽ tổng kết và nhân rộng phương thức này với cá nhân cho thuê nhà từ năm 2018.

Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ nộp thuế cho DN. Trong đó, ngành Thuế nghiên cứu và triển khai thí điểm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập cá nhân (TNCN) điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân.

Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương được chọn triển khai thí điểm (từ tháng 11/2016 - 12/2017). Khách hàng cá nhân có nhu cầu được NTĐT đối với thuế GTGT, TNCN đối với hoạt động cho thuê nhà thuộc quản lý của Cục Thuế TP HCM và Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện qua các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank. Công ty NAPAS cung cấp dịch vụ NTĐT cho cá nhân.

Số liệu thống kê từ Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế cho thấy, tại 2 địa phương triển khai thí điểm, số lượng cá nhân đăng ký, cũng như số lượng tờ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà tăng lên đáng kể.

Nếu như tính đến tháng 04/2017 mới có gần 500 tờ khai điện tử của các cá nhân có nhà cho thuê thì đến nay, sau gần một năm, đã có 23.956 tài khoản cá nhân đăng ký giao dịch điện tử với khoảng 25.312 tờ khai điện tử đã được thực hiện. Trong đó, TP HCM là 15.836 tài khoản và 14.967 tờ khai; Hà Nội là 8.120 tài khoản và 10.345 tờ khai.

Theo đại diện Vụ Thuế TNCN, Tổng cục thuế, báo cáo từ các cục thuế đang triển khai thí điểm cho thấy, việc thực hiện khai thuế GTGT, thuế TNCN điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà rất thuận lợi.

Thay vì phải thực hiện kê khai thuế trên hồ sơ giấy, đến thời điểm khai phải đến chi cục thuế nơi có nhà cho thuê để nộp hồ sơ, hoặc gửi qua đường bưu điện; sau đó đến ngân hàng, hoặc kho bạc để nộp thuế… như trước đây, với việc khai và NTĐT, cá nhân cho thuê nhà có thể khai thuế mọi lúc, mọi nơi, ở mọi thời điểm (24/7) mà không cần mất nhiều thời gian, công sức đi lại, chờ đợi. Việc khai thuế được thực hiện rất dễ dàng trên máy tính bàn, máy tính bảng, thậm chí là trên điện thoại di động.

Để đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, người nộp thuế truy cập vào Cổng thông tin điện tử và thực hiện chức năng đăng ký sử dụng tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế. Các thông tin gồm mã số thuế, điện thoại, địa chỉ thư điện tử theo mẫu. Người nộp thuế sẽ nhập mã xác thực OTP được gửi về điện thoại để xác thực thông tin. Khi người nộp thuế đã chấp nhận đăng ký giao dịch, Cổng thông tin điện tử sẽ gửi kèm thông tin về tài khoản giao dịch thuế điện tử cho người nộp thuế. Tương tự, với cách giao tiếp như trên, người nộp thuế cũng có thể đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký giao dịch thuế điện tử hoặc ngừng đăng ký giao dịch.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, mục tiêu của việc thí điểm khai, nộp thuế TNCN và thuế GTGT với các hộ cho thuê nhà tại Hà Nội và TP HCM là cung cấp tiện ích tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Với kết quả số lượng người nộp thuế lựa chọn dịch vụ khai, NTĐT ngày càng tăng đã cho thấy sự hưởng ứng của người dân với dịch vụ của cơ quan thuế. Vì thế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền đối với những cá nhân kinh doanh đã và đang khai thuế bằng giấy chuyển sang khai theo phương thức điện tử.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng giữa các cá nhân nộp thuế, song song với việc phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời về chính sách thuế mới, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý cá nhân cho thuê nhà trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, sẽ tiến hành tổng kết đánh giá hiệu quả triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. HCM để nhân rộng triển khai toàn quốc từ đầu năm 2018.

(Nguồn: Baophapluat.vn; Xem chi tiết tại đây)

Bkav